Sáng chế của những nhà khoa học trẻ
Từ khi mới bước vào trường THPT (năm 2012), Mai Diệu Quỳnh cùng với Nguyễn Hoàng Tùng (lớp 10A6) và Đặng Trần Quang (lớp 10A3), Trường THPT Việt Đức đã mạnh dạn nhận đề tài nghiên cứu khoa học của trường. Để thực hiện đề tài, các bạn đã không ngại đường xa, tìm đến tận Ba Vì để kiếm gỗ mục và sang tỉnh Hưng Yên để lấy rơm rạ
Mục đích là tìm kiếm được các loại nấm chứa enzim có khả năng khử mầu trong thuốc nhuộm.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, Diệu Quỳnh cho biết: "Trong điều kiện của học sinh THPT, chúng em không thể chọn nghiên cứu những vấn đề quá to lớn hay phức tạp.
Chọn nghiên cứu enzim laccase là một hoạt động vừa sức với chúng em cả về thiết bị và kiến thức. Đặc biệt, qua tìm hiểu, chúng em được biết ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở dệt, may, các làng nghề sản xuất thủ công. Nhiều cơ sở này xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người chung quanh. Một số cơ sở tốn khá nhiều tiền để xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiệu quả lại không cao. Từ đó, ý tưởng về một chất chỉ thị và loại enzim có khả năng sinh laccase có khả năng xử lý nước thải của mầu nhuộm, thân thiện với môi trường và con người đã được hình thành".
Từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Quỳnh, Quang và Tùng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của Phòng Công nghệ sinh học tái tạo môi trường. Bằng cách đặt các mẫu gỗ mục và rơm rạ lên các đĩa, sử dụng chất chỉ thị mầu để tìm enzim, các bạn đã tìm ra được một chủng enzim hoàn toàn mới, có hoạt tính rất cao. Chỉ sau 90 phút, nó đã khử được 70 - 96% lượng mầu. Còn với nước thải thực tế của một nhà máy dệt, sau 48 giờ, loại enzim này đã khử 78-94%. "Quá trình thử nghiệm, không ít lần nhóm thất bại, bởi môi trường nuôi cấy buộc phải vô trùng. Chỉ một chút không chú ý thì những mẫu vi sinh vật sẽ bị nhiễm khuẩn và không thể sử dụng. Nhưng mỗi lần thất bại là một lần nhóm rút được kinh nghiệm để hoàn thiện công trình nghiên cứu", Hoàng Tùng cho biết.
Ngoài quá trình tự nghiên cứu, nhóm bạn trẻ đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía các giáo viên cùng các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ sinh học. Với kết quả có được, công trình của nhóm đã được gửi đi dự cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học Hà Nội năm 2013 và đoạt giải nhất.
Sau đó là giải đặc biệt tại cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khoa học trẻ" của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông - Nam Á tại Ma-laixi-a vào tháng 3-2014. Diệu Quỳnh chia sẻ: "Phần lớn những nguyên liệu mà nhóm sử dụng đều là những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, rất dễ tìm. Dù mới chỉ là thử nghiệm nhưng hiệu quả của công trình là rất lớn. Chúng em hy vọng công trình sẽ sớm được đưa vào ứng dụng và có thể mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Nếu có điều kiện, chúng em hy vọng sẽ được đến một nhà máy dệt ở Nam Định để tiến hành thí nghiệm về khả năng xử lý nước mầu thuốc nhuộm của enzim laccase".
Trong tương lai, mỗi bạn trong nhóm đều có kế hoạch của riêng mình, nhưng trước mắt các em đều cố gắng tập trung các hoạt động cho dự án sử dụng enzim xử lý nước thải. Tùng sẽ học thêm về kinh tế để tìm cách thương mại hóa sản phẩm, còn Quỳnh và Quang sẽ học thêm về công nghệ sinh học để tiếp tục phát triển đề tài. Sự nhiệt tình, say mê và nghiêm túc trong nghiên cứu đã giúp các em trở thành những nhà khoa học trẻ, có những công trình, phát minh, sáng chế giúp ích cho xã hội.