Sáng chế bộ phận “khoan ngọn” phục vụ suốt lúa
Khi nhìn thấy những công ty, xí nghiệp ở các thành phố lớn thu hút gần như cạn kiệt nguồn nhân lực của địa phương, làm cho nông dân vào mùa thu hoạch gặp khó khăn, do phải tốn nhiều nhân công, anh Tài đã nảy ra ý định cải tiến kỹ thuật máy suốt lúa có gắn thêm bộ phận "khoan ngọn" nhằm giúp nông dân giảm thiểu nhân công.
Ý định này đến với anh vào đầu năm 2003, nhưng mãi đến cuối năm anh mới hoàn chỉnh những chi tiết cuối cùng của bộ phận "khoan ngọn" và lắp đặt để hoạt động thử nghiệm tại nhà.
Anh Nguyễn Văn Tài cho biết: "Giá cả thị trường lúa gạo bây giờ mình làm ra được nhưng mà không định giá được. Chỉ do thương buôn định giá nên mình phải làm sao giảm thiểu được nhân công lao động của nông dân. Càng nhẹ chừng nào đỡ cho nông dân chừng đó. Bước đầu khó lắm. Nghiên cứu trước đó một năm tôi mới đưa vào dự án, mà khi tôi đưa vào dự án trong quá trình từ khởi làm đến thành công là 15 ngày".
Hơn 10 năm nay, xưởng cơ khí của gia đình anh Tài đã nhận bảo dưỡng cho nhiều thiết bị, máy móc nông nghiệp, giúp nông dân trong vùng giảm bớt chi phí sửa chữa, mua mới. Từ khi bắt tay vào việc nghiên cứu, chế tạo bộ phận "khoan ngọn", anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng những khó khăn đó đã không ngăn được tính kiên trì, học hỏi của người nông dân này.
Bộ phận "khoan ngọn" của anh Tài gồm 2 phần: một phần hứng lúa chắc và một phần tích trữ ngọn để lọc những hạt lép thổi ra ngoài, hạt chắc giữ lại. Công đoạn này sẽ giúp cho nông dân đỡ phải giê lúa, tức là loại bỏ những hạt lép sau khi suốt lúa.
Nếu như trước đây, máy suốt lúa cần 5-6 nhân công, một ngày chủ ruộng phải trả 60 ngàn đồng/người, ít nhất cũng phải mất 240 ngàn đồng tiền thuê lao động thì nay với cải tiến máy suốt lúa gắn thêm bộ phận "khoan ngọn" của anh Tài chỉ tốn 2 nhân công - một người cho lúa vào máy, một người hứng bao buộc lại.
Qua những lần thử nghiệm và cải tiến, tỷ lệ lúa hao hụt chưa đến 1%, hơn 99% hạt sạch, bóng, năng suất và chất lượng ngày càng nâng lên. Từ năm 2003 đến nay, hàng chục máy suốt lúa có gắn bộ phận "khoan ngọn" của anh Tài sản xuất đã bán cho nhiều nông dân ở Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần thơ... với giá chỉ hơn 2 triệu đồng 1 bộ phận. Không chỉ dừng lại ở việc cải tiến kỹ thuật máy suốt lúa, anh Tài còn tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt thiết bị tự động hóa việc bó lúa bằng dây nilông.
Nguồn: tuoitre.com.vn 18/4/2006