Rutxô và bản tuyên ngôn nhân quyền
Ít có văn sĩ nào lại tỏa sáng được như Rutxô xét về mặt sự nghiệp và nhân cách. Năm 2012 thế giới kỷ niệm lần thứ 300 năm ngày sinh của ông (28/6/1712), là dịp người ta tôn vinh một sự nghiệp lớn, một hình tượng tỏa sáng về văn chương và triết lý.
Thời thơ ấu của ông thật bất hạnh bởi người mẹ mất ngay sau khi ông chào đời. Bởi vậy, trong cuốn “Xưng tội, quyển 1”, ông viết: “Mẹ tôi cho tôi cuộc đời và sự ra đời này là bất hạnh đầu tiên trong các bất hạnh của tôi”. Là con trai một thợ đồng hồ ở Geneve (Thụy Sĩ) theo đạo Tin lành, nhưng bố ông là con người dữ tợn, chẳng quan tâm đến con. Thế là ông bắt đầu cuộc đời lưu lạc. Sau khi học các nghề khác nhau, ông di cư đến Pháp (Savoie) và được một phụ nữ ở đây đón nuôi. Quy đạo Thiên chúa, ông cuốc bộ du ngoạn và làm các nghề khác nhau để kiếm sống. Tới Paris năm 1741 và làm quen với Voltaire, Grim (văn sĩ Đức) và Diderot. Diderot đặt Rutxô các bài viết về âm nhạc để sử dụng cho bộ Bách khoa toàn thư. Năm 1745, ông bắt đầu đi lại với cô gái làm tạp vụ rồi cưới cô sau khi đã có 5 mặt con, nhưng tất cả đều giao cho trại trẻ mồ côi.
Năm 1750, hưởng ứng cuộc thi của khu giáo dục Dijon (thị trấn của tỉnh Côte-d’or), ông viết cuốn “Đối thoại về khoa học và nghệ thuật”. Ông thắng cuộc với tác phẩm đầu tay của mình, cuốn sách được bình phẩm nhiều, ông nổi danh.
Tiếp theo, năm 1752 ông cho trình làng vở nhạc kịch “Gã thầy bói làng” và thành công rực rỡ. Kế đó, năm 1755, ông lại cho ra đời cuốn Đối thoại về nguồn gốc sự bất bình đẳng ở con người.
Đây là một tiểu luận triết học, được tác giả chú giải rất nhiều, được nhập đề bằng bức thư khen gửi tới nền Cộng hòa Geneve(*). Trong bức thư, ông bày tỏ một số điều ước, trong đó có điều ước về nền cai trị dân chủ. “Giá mà tôi được sinh ra ở một xứ mà vua và dân chỉ có cùng một lợi ích duy nhất để mọi chuyển động của bộ máy bao giờ cũng nhằm vào hạnh phúc chung; điều này không thể có được trừ phi dân và vua là một người. Vậy thì giá mà tôi được sinh ra dưới một nền cai trị dân chủ, ôn hòa một cách khôn khéo”.
Do tầm vóc lớn của nó nên cuốn sách nhận được sự phẩm bình của các vĩ nhân như Voltaire, Hobbes, Locke, Condillac, Kant, Engels, Leo Strauss, Claude Lévis Strauss, Hannah Arendt, Jean Starobinski.
Do dễ tự ái và bệnh tật nên ông từ bỏ người bạn gái của Diderot, người từng đón ông và gia đình đến ở nhà bà và từ bỏ nhóm Bách khoa toàn thư năm 1757. Năm 1761, ông hoàn thành cuốn “Julie hay Héloise” mới, tiểu thuyết thư tín tiền lãng mạn và bắt đầu cuốn Bàn về khế ước xã hội (1762), chuyên luận chính trị ủng hộ nền dân chủ. Cuốn sách được coi là chính văn sáng lập nền cộng hòa Pháp. Cuốn sách cho thấy con người, đi từ trạng thái tự nhiên đến trạng thái xã hội, có thể thiết lập một trật tự xã hội phụng sự cho lợi ích chung như thế nào. Thỏa ước xã hội mà Rutxô đề ra chứng minh rằng từng người phải từ bỏ các quyền tự nhiên của mình để có được quyền tự do dân sự mà xã hội mang lại. Thỏa ước này mang lại bình đẳng cho từng người, và đặt cơ sở cho nền dân chủ.
Theo ông, khi con người tập hợp lại thành xã hội, và thiết lập quyền sở hữu thì cũng xuất hiện sự bất bình đẳng và trạng thái chiến tranh. Do vậy phải có luật và công quyền. Mặc dù gắn kết bình đẳng với tổ chức xã hội nhưng trong cuốn sách này ông khẳng định tài sản chung lớn nhất của tất cả mọi người, cũng là mục tiêu của bất kỳ hệ thống luật pháp nào, đều quy về hai mục tiêu chính: tự do và bình đẳng. Trong cuốn sách, ông lên tiếng chống dân chủ đại diện mà thích dân chủ trực tiếp; chỉ giới hạn ở quyền bỏ phiếu thôi thì đó là dân chủ chập chờn. Ông chế giễu nền dân chủ ở Anh, khẳng định dân chúng chỉ được tự do ngày bầu cử thôi còn sau đó là nô lệ của chính những đại diện do mình bầu ra! Ông cũng phê phán quyền đại diện cho ý chí (quyền tối thượng). Quyền tối thượng không thể lấy ai đại diện cho nó được, bởi lẽ nó không thể chuyển nhượng được, nó là chính thế, hoặc là khác, không có chuyện ở giữa. Các nghị sĩ của dân chúng không và không thể đại diện cho dân được, họ chỉ có thể là các dân ủy mà thôi (người được dân ủy nhiệm nhất thời chứ không thực sự có quyền quyết định). Và ông kết luận: “Bất kỳ đạo luật nào mà không được dân phê chuẩn đều vô hiệu, chẳng thể là luật được”.
Cũng chính vào năm này (1762), ông còn cho ra cuốn “Émile hay là giáo dục”, tiểu thuyết về giáo dục với các nguyên lý hiện đại. Tác giả bị Pháp viện tối cao truy tố do có đoạn văn với tiêu đề: “Công khai tuyên bố ý niệm tôn giáo của phó linh mục ở Savoie”, ông phải trốn sang Thụy Sĩ. Đây là chuyên luận giáo dục tập trung vào Nghệ thuật đào tạo con người. Cho đến nay, nó vẫn là một trong các cuốn sách được đọc nhiều nhất, nổi tiếng nhất về giáo dục. Nổi tiếng đến mức do uy thế phát triển của con em khiến tất cả các thầy cô ở các trường mẫu giáo ở Nhật Bản đều tìm đọc cuốn sách đó. Thì ra người Nhật rất biết người biết của! Chúng ta rất mừng là “Émile hay là giáo dục” đã có bản tiếng Việt từ năm 2008, do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. Nhà xuất bản đã đi tiên phong trong truyền bá kho tri thức đồ sộ của nhân loại đến với người Việt Nam.
Chúng ta cùng trở lại lộ trình cuộc đời của Rutxô cách đây 300 năm. Sau đó ông trở về Pháp và cho ra cuốn: “Từ điển âm nhạc” (1767) và tiếp tục cuốn: “Xưng tội” (Câu chuyện cuộc đời ông, bắt đầu viết năm 1765 và xuất bản năm 1782 – 1789. Năm 1778, một hầu tước đón ông đến Ermenonville (miền Bắc nước Pháp). Tại đây, cuốn “Những mộng tưởng hão huyền của người dạo chơi cô đơn”, bắt đầu năm 1776, sau khi được hoàn thành thì ông đột ngột từ giã cõi đời. Được chôn cất tại đây, sau đó Hội nghị quốc ước quyết định chuyển thi hài ông về đền Panthéon năm 1794, nơi yên nghỉ của các vĩ nhân của nước Pháp, của nhân loại.
Sự nghiệp của Rutxô đã gợi ý cho bản Tuyên ngôn nhân quyền (1789). Năm 2012 là năm thế giới tưởng nhớ Rutxô, lễ kỷ niệm ông được tổ chức ở các nước: Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ. Chắc chắn nhân loại không bao giờ quên sự nghiệp của ông thể hiện trong nhiều lĩnh vực chính trị, giáo dục, đạo đức, tôn giáo và thực vật học.nTheo: Wikipedia, Le Magazine littéraire và Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes.(*) Năm 1530, Công tước Savoie phải thừa nhận nền độc lập của Geneve bằng hiệp ước Saint Julien nhưng người Geneve chỉ thắng lợi khi chấp nhận cải tổ tôn giáo năm 1553 và Geneve trở thành nền cộng hòa tự do. Năm 1814, nước cộng hòa này gia nhập liên bang Thụy Sĩ.