ROUSSEAU: COPERNICUS TRONG GIÁO DỤC
LẤY TRẺ EM LÀM TRUNG TÂM
Trong bài giới thiệu kiệt tác "Émile hay về giáo dục" của Rousseau qua bản dịch tuyệt vời của hai dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương (NXB Tri Thức 2008, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2009), chúng tôi có viết: "Bước ngoặt trong tư duy giáo dục được thể hiện dày đặc trong từng trang sách khiến người đọc dường như luôn cảm thấy muốn dừng lại, dùng bút để gạch dưới hay tô đậm hàng loạt những câu đặc sắc! Vượt qua khoảng cách 250 năm, tưởng như Rousseau là người sống đồng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với mọi hậu quả đáng sợ cho phụ huynh lẫn con cái. Ta hãy thử nghe ông nói: "chúng ta xót thương cho số phận của tuổi thơ, thế nhưng chính số phận chúng ta mới cần xót thương! Những nỗi đau lớn nhất của chúng ta là do chúng ta mà ra". Vì đâu nên nỗi? Vì "người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ thì càng đi càng lạc lối (...) Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn". Nói cách khác, đó là nền giáo dục không hề "nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình". Và cũng vì không hiểu rõ "chủ thể" của giáo dục là người học nên người lớn tha hồ sử dụng phương pháp áp đặt: "thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy; thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi". Trong khi đó, đúng ra "vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn đó là nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào".
Thiếu các nguyên lý đúng đắn dẫn đạo, ta chỉ tạo ra những con người "được gia công", vừa được nuông chiều quá đáng trong vòng tay cha mẹ, vừa bị kiềm tỏa dưới mái nhà trường: "Những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và khuất phục! Nó hạ lệnh trước khi biết nói, nó vâng theo trước khi có thể hành động, và đôi khi người ta trừng phạt nó trước khi nó có thể biết lỗi, hay nói đúng hơn là có thể phạm lỗi. Như vậy là người ta sớm rót vào trái tim non nớt của nó những đam mê mà sau đó người ta quy tội cho tự nhiên, và sau khi đã nhọc công làm cho nó thành tai ác, người ta lại phàn nàn vì thấy nó tai ác!". Sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục áp đặt như thế thật đáng sợ: ... "vừa là nô lệ vừa là bạo chúa, đầy kiến thức và thiếu lương tri, yếu đuối bạc nhược về thể chất cũng như tâm hồn, và bị quẳng vào xã hội"...
Đóng góp lớn của Rousseau là vạch rõ sự sai lầm của quan niệm xem đứa trẻ là “người lớn thu nhỏ”, và tiến trình giáo dục không gì khác hơn là "gia tăng" kích thước của thể xác và trữ lượng của kiến thức! Người ta kỳ vọng trẻ em hiểu những chủ đề và quan tâm những ý tưởng giống hệt như người lớn. Chúng bị buộc phải tập tành những quy củ của đời sống xã hội và những chuẩn mực đạo đức của người lớn. Vì thế, theo ông, phải làm ngược lại! Nếu trẻ em phải trở thành trung tâm của giáo dục, thì giảng dạy không còn là nhồi nhét kiến thức mà là cung cấp những cơ hội để "vận hành" những hoạt động mang tính tự nhiên đối với từng lứa tuổi và từng giai đoạn.
Vấn đề khác của quan niệm cổ truyền là thói quen đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân. Đứa trẻ được huấn luyện để thích hợp với xã hội hiện tồn. Cá nhân bị hy sinh cho yêu cầu của xã hội. Rousseau rất phẫn nộ trước điều này, vì, theo ông, tính thiện và hạnh phúc của cá nhân là thiết yếu hơn nhiều so với việc phát triển tài năng nhằm phục vụ cho xã hội! Đặt nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân lên trên xã hội có tổ chức, Rousseau đã đảo lộn trật tự cố hữu. Trái tim của triết thuyết giáo dục Rousseau là tìm hiểu bản tính tự nhiên của trẻ em Nguyên tắc của triết thuyết ấy là phải hiểu những gì bản thân tự nhiên phát triển trong đứa trẻ.
MỤC ĐÍCH TỐI HẬU CỦA GIÁO DỤC
Mục tiêu tối hậu của Rousseau là bảo tồn cái thiên chân và những đức tính tốt đẹp của con tim và của xã hội hài hòa với những đức tính ấy. Trong thiên nhiên, Rousseau thấy trật tự, hài hòa và vẻ đẹp. Trong đời sống con người, ngược lại, đầy rẫy những xấu xa, đê tiện, xung đột và nghèo đói. Chính sự tương phản giữa hai thế giới này dẫn đến những tệ trạng cho xã hội và cho nền giáo dục. "Cứu cánh tối cao phải đạt được là một xã hội trong đó những đức tính cao thượng cơ bản như dũng cảm, kiên trì, điều độ, bình đẳng, bác ái, giản dị và tự do... phải được thực hiện".
Thật ra, Rousseau không hề chống lại đời sống xã hội, trái lại, như đã thấy, ông tha thiết mong mỏi cá nhân có thể toàn tâm toàn ý đi vào cuộc sống chung trong tình nhân loại đích thực.
Vì thế, trước thực trạng khắc nghiệt, ông thấy cần thiết phải phác họa hai hệ thống giáo dục khác biệt triệt để với nhau: một hệ thống giáo dục chủ động dành cho một xã hội tốt đẹp, hợp tự nhiên; và một hệ thống giáo dục phòng vệ dành cho xã hội "văn minh" đang thịnh hành.
"Émile hay về giáo dục" sẽ làm công việc ấy. Một việc làm vừa mới mẻ, tiến bộ, vừa có không ít nghịch lý, cực đoan như bản thân cuộc đời và toàn bộ học thuyết của ông. Nó là một "thử nghiệm tư duy" kiệt xuất, "khiêu khích" và buộc ta phải suy nghĩ hơn là quá "trơn tru" như một "đề án" được cắt gọt để dễ được thông qua và mọi người nhắm mắt làm theo!