Robot hớt rác và niềm đam mê sáng tạo của hai cậu học trò nghèo
Sản phẩm này đã giành giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2005 và mới đây tiếp tục đoạt Cúp vàng tại Triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học kỹ thuật tại Hàn Quốc.
Hai anh em sinh đôi Đại và Lượng giống hệt nhau cả về dáng vẻ bên ngoài và niềm đam mê sáng tạo. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mất sớm khi hai cậu mới lên bốn tuổi, người mẹ phải tảo tần đêm ngày trên thửa ruộng và nghề làm bún nuôi chị gái cùng hai cậu ăn học.
Tất bật cả ngày phụ giúp mẹ việc nhà, nhưng hễ rảnh rỗi hai anh em lại hì hụi tìm kiếm đồ vật cũ, phế liệu chế tạo thành đồ chơi, dụng cụ học tập. Mọi vật tưởng như đã bỏ đi, vào tay hai cậu đều có thể biến thành những sản phẩm có ích.
Từ khi học cấp 2, hai anh em đã chế tạo thành công robot bắt vịt, đài thu thanh, thước đo phần trăm vẽ biểu đồ môn địa lý... Khi nhà trường phát động cuộc thi viết Vì biển xanh quê hương em, hai cậu nghĩ chỉ viết bài thôi chưa đủ, cần có hành động thiết thực góp phần giữ gìn môi trường biển.
Ý tưởng chế tạo robot có thể đi lại và hớt rác trên mặt nước ra đời. Nguyên lý hoạt động của robot này khá đơn giản, điều khiển dễ dàng, gồm hai phần phao nổi bằng ống nước và sàn nhựa gắn thùng chứa rác, trên sàn có hai trụ đứng, một bên đỡ trục cánh tay quay tròn, một bên lắp động cơ quay trục. Bộ phận cào nghiêng gắn cố định vào thùng rác, đuôi phao gắn hai động cơ có thể di chuyển các hướng.
Hầu hết các bộ phận đều được tận dụng từ vật cũ, hỏng, còn những thứ không thể tận dụng được, hai anh em xin tiền mẹ, cặm cụi đạp xe gần 30 km lên chợ Sắt mua. Sản phẩm được gửi tham dự cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2005 do T.Ư Đoàn tổ chức khi gần hết hạn, bị bưu điện từ chối chuyển sản phẩm vì cồng kềnh, dễ gẫy, hỏng.
Thương học sinh và trân trọng sức sáng tạo, thầy giáo Lê Văn Trầm đội mưa chở Đại bằng xe máy lên tận T.Ư Đoàn nộp sản phẩm. Hình như trời không phụ công khó nhọc của hai anh em và thầy cô giáo trong trường, sản phẩm đã giành giải nhất tại cuộc thi và còn được cơ quan thường trực cuộc thi VIFOTEC chọn tham dự Triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh năm 2006 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, robot qua nhiều lần trưng bày và thử nghiệm đã không bảo đảm độ chính xác về kỹ thuật và mỹ thuật. Ban giám hiệu trường THPT Đồ Sơn hỗ trợ hai cậu số tiền một triệu đồng mua vật liệu chế tạo mô hình mới. Chỉ còn hai ngày nữa là lên máy bay sang Hàn Quốc thì hai cậu được thông báo mô hình quá cồng kềnh không thể đem đi được.
Quyết tâm không bỏ cuộc, chỉ trong vòng nửa ngày, hai anh em chế tạo một mô hình nhỏ gọn nhưng vẫn có độ chính xác cao. “Đem chuông đi đấm xứ người”, sản phẩm của hai cậu học trò nghèo miền biển đã đoạt ngay Cúp vàng và Hiệp hội sáng tạo Thái-lan tặng giải đặc biệt.
Sau giải thưởng quốc tế đầu tay, hai anh em lại bắt tay vào những niềm say mê chế tạo những công cụ, vật dụng mới thiết thực trong gia đình và cuộc sống. Hai cậu nói về dự định sáng tạo thật giản dị: chế tạo giúp mẹ chiếc máy vặn bún tự động, để mẹ đỡ vất vả trong công việc hằng ngày. Hoặc chiếc gối báo thức, có tác dụng báo thức chính xác nhưng không gây ra âm thanh ảnh hưởng đến người khác. Còn rất nhiều, rất nhiều ý tưởng độc đáo trong óc hai cậu, xuất phát từ sự khát khao được sáng tạo, phục vụ cuộc sống.
Nguồn: nhandan.com.vn 1/9/2006