Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 28/09/2005 14:48 (GMT+7)

Robert Hooke (1635-1703): Người phát hiện ra tế bào

Robert Hooke sinh ngày 18 tháng 7 năm 1935 tại một làng quê đảo Wright, gần bờ biển phía Nam nước Anh, trong gia đình một mục sư Tin lành. Thời niên thiếu, cậu bé thường ốm yếu nhưng rất thông minh và chăm học; chỉ trong hai tuần lễ cậu đã học hết bộ sách nhập môn toán của Euclide. Suốt ngày cậu mải mê chế tạo những dụng cụ cơ khí, tàu thủy, cối xay chạy bằng dòng nước chảy, đồng hồ quả lắc, máy bay gỗ... Năm cậu mười ba tuổi, ông bố qua đời, cậu phải đến xin việc tại một xưởng họa, học vẽ chân dung để kiếm sống. Nhưng mùi sơn dầu và thuốc vẽ làm cậu nhức đầu, ốm mệt nên phải thôi việc. Sau đó Hooke đến phụ giúp phòng thí nghiệm của Hội Hoàng gia Anh (vừa mới thành lập), nhận lau rửa các dụng cụ thực nghiệm. Lòng ham muốn hiểu biết thúc đẩy cậu tự học hỏi và đến dự các lớp tại trường Oxford .

Năm 26 tuổi, Hooke cho xuất bản cuốn sách đầu tiên, nghiên cứu về sức căng bề mặt. Vào những năm giữa thế kỷ 17, tại châu Âu, nhiều nhà khoa học có xu hướng chế tạo và dùng các dụng cụ quang học để nghiên cứu thiên nhiên, Hooke cũng là một trong số những người đóng góp cho xu hướng đó phát triển. Sau 4 năm làm việc, ông công bố kết quả nghiên cứu trong cuốn sách nổi tiếng “Hình ảnh vi thể”. Trong cuốn sách, ông ghi chú đầy đủ các phương thức tiến hành nghiên cứu: “... Tôi chọn một căn phòng nhỏ, chỉ có một cửa sổ duy nhất hướng về phía Nam . Cách cửa sổ khoảng một mét, tôi kê chiếc bàn có đặt kính hiển vi để nghiên cứu... Tôi phải sử dụng một quả cầu bằng thủy tinh hoặc một thấu kính 2 mặt (phẳng và lồi), mặt lồi hướng về phía cửa sổ để thu hút được nhiều ánh sáng tạo nên nguồn chiếu, rồi tôi đặt giữa nguồn sáng và vật quan sát một mảnh giấy dầu, một kính lúp có độ phóng đại cực lớn để tập trung thật nhiều ánh sáng đi qua giấy dầu và chiếu trên vật thể, nhưng cũng phải chú ý ước lượng sao cho tờ giấy dầu khỏi bị quá nóng có thể bốc cháy..”. Những ghi nhận của Hooke chứng tỏ sự công phu tỉ mỉ của ông trong công việc nghiên cứu: “Để có thể làm việc cả trong những ngày không ánh sáng mặt trời, và cả lúc đêm khuya, tôi làm một dụng cụ thẳng đứng với 3 giá ngang, trên một giá có đặt một đèn dầu có thể di chuyển gần xa, trên giá kia đặt một quả cầu bằng thủy tinh chứa dịch trong suốt, trên giá thứ ba đặt một thấu kính 2 mặt (phảng và lồi) có thể di động theo nhiều hướng”. Với những dụng cụ tự chế tạo như thế Hooke tiến hành những nghiên cứu thực vật học. Trong cuốn sách, ông ghi nhận những kết quả thu thập được: “Qua kính hiển vi tôi quan sát những mảnh bần (liège), tôi nhận thấy có cấu tạo giống những khoang, lỗ nhỏ. Tôi dùng dao cắt thành nhiều mảnh khác mỏng hơn và rõ ràng tôi lại nhận thấy các mảnh đó có cấu trúc như những tổ ong, những phòng nhỏ. Tôi đếm kỹ và thấy có 60 tế bào (cell - từ nguyên latin cellulate, có nghĩa là: phòng nhỏ, như vậy Hooke là người đầu tiên đặt ra và sử dụng từ “tế bào”), các tế bào đó xếp sát nhau trên một vùng kích thước 1mm, như vậy sẽ có tới trên 1 triệu (tính thật đúng là 1.666.400) tế bào trên mảnh diện tích bần 6,5cm 2, một con số khổng lồ khó tin được”. Sau đó, Hooke quyết định nghiên cứu thêm qua kính hiển vi dạng cấu trúc nhỏ bé mà ông vừa mới phát hiện.

Đúng vào lúc cuốn sách “Hình ảnh vi thể” của ông ra đời, năm 1665, Hooke trình bày trước Hội Hoàng gia Anh những kết quả quan sát trong bản tường trình “Cấu trúc của bần qua thấu kính phóng đại”. Năm sau, ông được bầu làm Uỷ viên kiêm Thư ký Hội Hoàng gia và ở cương vị này suốt 15 năm. Năm 36 tuổi, ông tiến hành thử nghiệm ngay trên bản thân về ảnh hưởng của môi trường áp suất thấp: ông ngồi trong một căn buồng nhỏ và chịu đựng một áp suất rất thấp (chỉ bằng 1/4 áp suất bình thường) và ghi nhận các triệu chứng bản thân ông đã cảm thụ được như: nhức đầu, đau tai đến mức gần điếc đặc v.v... Ông còn làm nhiều thử nghiệm về ghép da, hô hấp nhân tạo, truyền máu...

Hooke là một con người say mê khoa học, từ sáng sớm trong phòng thí nghiệm đã thấy bóng dáng ông: nhỏ bé, thấp gầy, dáng đi hơi khom lưng, nét mặt không đẹp lắm vì miệng hơi rộng và cằm quá nhọn. Ông giản dị và rộng lượng: suốt những năm làm việc tại Hội Hoàng gia và trường đại học, ông không hề phàn nàn về lương bổng. Tính nết ông thẳng thắn cương trực đến mức dễ nóng nảy, va chạm với đồng nghiệp (về sau người ta mới biết đó là do tình trạng ốm yếu từ lúc còn nhỏ làm ông ăn uống kém và mất ngủ thường xuyên). Cuộc tranh luận của ông với Issac Newton (1642-1727) đã trở thành nổi tiếng: có lẽ Hooke đã thông báo cho Newton biết những kết quả nghiên cứu vật lý học của ông và tạo điều kiện để Newton phát hiện ra một số định luật mới nhưng cũng có thể là tự bản thân mình phát hiện ra các định luật đó nên Newton đã không nêu rõ vai trò đóng góp của Hooke. Dẫu sao, sự va chạm này đã trở thành mâu thuẫn đến mức chỉ sau khi Hooke qua đời thi Newton mới được bầu làm Chủ tịch Hội Hoàng gia Anh (trong thời gian 1703-1727).

Hooke không chỉ là nhà thực vật học nổi tiếng với việc phát hiện ra tế bào, ông còn là một nhà thiên văn học lỗi lạc. Ông có nhiều đóng góp khoa học lớn như chế tạo ra kính viễn vọng, quan sát sự chuyển động quay của các thiên thể, đề nghị dùng nhiệt độ đóng băng của nước là 0 O, đưa ra lý thuyết cơ học của nhiệt, nghiên cứu nguồn gốc vật thể hóa thạch. Ông cũng là một kiến trúc sư tài năng: sau vụ dịch lớn (vào năm 1665) và đám cháy lớn (năm 1666) tại Luân Đôn, chính ông đã tham gia thiết kế xây dựng lại nhiều ngôi nhà lớn và các khu vực rộng của thủ đô Anh.

Danh tiếng Robert Hooke vang dội không chỉ lúc sinh thời mà còn lưu truyền nhiều thế kỷ sau, có điều đặc biệt là không ai lưu trữ được một bức hình nào của ông và cũng không ai biết rõ phần mộ của ông đặt nơi nào.

Bảy năm sau khi Robert Hooke phát hiện ra tế bào, vào năm 1672, Malpighi cũng mô tả những túi nhỏ trong cấu trúc thực vật. 140 năm sau đó, vào năm 1805, một thầy thuốc và nhà khoa học tự nhiên người Đức, Lorenz Oken (1779-1851) cũng khẳng định: “Mọi cơ thể sinh vật đều do những tế bào cấu tạo nên”. Nhưng phải 174 năm sau phát hiện của Hooke, cuối cùng tế bào mới được xác nhận là đơn vị cấu trúc cơ bản của cả động vật và thực vật, nhờ công lao của Schleiden và Schwann.

Nguồn: “20 nhà sinh học tài danh” – Nxb Thanh niên

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.