Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/01/2005 22:52 (GMT+7)

Réaumur (1683-1757): Nhà sinh học về côn trùng

Mặc dù con đường công danh khoa học đang mở rộng trước mặt nhưng Réaumur quyết địng rời thủ đô Paris hoa lệ để trở về vùng nông thôn ở Bas Poiton (la Bermondière), gần thành phố quê hương, thuộc miềntrung tây nước Pháp. Ông mong ước có thể yên tâm nghiên cứu theo sở thích nhiều vấn đề khoa học khác nhau như: phương cách động vật thân mềm chế tiết dịch để tạo thành vỏ bọc, quá trình hình thànhhạt trai trong con vẹm nước ngọt (1709).

Cuốn sách “Nghiên cứu tơ nhện” (xuất bản năm 1710) chứng tỏ tài năng quan sát tinh tường của Réaumur về một loại côn trùng thật nhỏ bé. Ngay lập tức giới khoa học chú ý đến nhà khoa học trẻ mới 27tuổi này. Sau đó, vua Louis XIV (1638-1715) giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu các ngành nghề mỹ nghệ và công nghệ ứng dụng. Ông đã đến nhiều nơi để quan sát, viết tường trình về những con sông có chứavàng, những mỏ lam ngọc. Ông dành thời gian rong ruổi khắp vùng Languedoc, thuộc miền nam nước Pháp, trải rộng từ thung lũng sông Rhône đến vùng đồi thấp dưới chân núi phía đông dãy Pyrénées. Réaumurđã phát hiện ra những khu rừng rậm, các vỉa đá chứa những răng các động vật cổ xưa đã hóa thạch.

Năm 1720, Réaumur là người đầu tiên cho xây dựng lò nung vòm để làm chảy loại sắt xám. Là người đầu tiên sử dụng kính hiển vi để tìm hiểu cấu trúc các loại kim khí và sáng lập ngành kim tướng học(1722), ông còn nghiên cứu kỹ thuật tráng thiếc, sự nam châm hóa của sắt, xác định sự khác biệt giữa sắt và thép. Réaumur đã trình bày những nghiên cứu, phát hiện quý giá đó trong cuốn sách “Về nghệthuật chuyển sắt thành thép” (1722).

Trong cuốn “Những loài cây tạo đá” (1727), Réaumur giải thích quá trình tạo san hô và những cây mọc trên đá, sự hình thành ngọc trai. Đặc biệt trong bộ sách này ông đã khẳng định san hô là những độngvật biển chứ không thuộc loài thực vật như người ta vẫn lầm tưởng.

Nhờ sáng kiến sử dụng tính chất riêng biệt của cồn là loại chất lỏng có hệ số giãn nở đặc biệt nên ông đã sáng chế chiếc nhiệt kế cồn (1730). Loại này (về sau gọi tên là nhiệt kế Réaumur, loại R) cócấu tạo với phần thân được chia thành 80 vạch với khoảng cách bằng nhau (sau này nhiệt kế Celsius có 100 vạch đã thay thế loại nhiệt kế R). Ông còn tìm hiểu thành phần hóa học của đồ sứ Trung Quốc vàđưa ra công thức để sản xuất loại vật liệu quý này (về sau được gọi tên là sứ Réaumur , 1739)…

Đi theo con đường của nhà côn trùng học nổi tiếng Swammerdam trước đây, qua việc quan sát đời sống, tập tính của nhiều loại côn trùng, động vật thân mềm, loài tôm cua, Réaumur phát hiện quá trình tái tạo các phần phụ ở loài tôm và giải thích loài tôm cua có thể tái tạo vài phần phụ đã bị thiếu hụt do những chồi mầm vẫn tồn dư ở phần cơ thể còn lại. Ông cũng chú ý nghiên cứu các loài chim, bướm, ruồi, rệp cây, loài sâu bọ cánh màng, những côn trùng ăn sâu bọ, loài vật sống ký sinh trên các côn trùng khác, sâu róm, những động vật ký sinh sâu róm, những ấu trùng trên lá, sâu nhậy, rệp hại cây, mụn cây, loại ruồi hai cánh, ruồi bốn cánh, châu chấu, ve, ong. Ông cũng quan tâm đến nhiều sinh vật biển (như động vật ruột khoang, ngành da gai, cá), nghiên cứu sự di chuyển của con sao biển, hiện tượng huỳnh quang của nước biển.

Để kiểm tra luận điểm của Swammerdam về cách phân biệt ba loại ong, Réaumur sáng chế một hộp rộng có vách kính trong suốt cho ong làm tổ, nhờ đó có thể quan sát dễ dàng mọi hoạt động của cộng đồng đủ loại ong. Qua kết quả nghiên cứu tỉ mỉ các tập quán loài ong, ông khẳng định rằng con ong vốn được mọi người lầm tưởng là “vua” thì đúng ra nó là “hoàng hậu”, nó là động vật giống cái duy nhất làm nhiệm vụ sinh sản trong tổ còn các con ong thợ khác cũng thuộc giống cái nhưng lại không có khả năng sinh sản. Ông còn phát hiện một điều quan trọng là sau quá trình nuôi dưỡng đầy đủ, một ấu trùng cái có thể trở thành “hoàng hậu”.

Năm 1734 ra đời tập sách đầu tiên của bộ “Ghi nhớ về lịch sử các côn trùng” và sau đó năm tập tiếp theo được xuất bản trong 9 năm (1734-1742) với năm nghìn hình vẽ đầy đủ chi tiết. Trong bộ sách 6 tập này, ông không chỉ ghi nhận những kết quả chính xác các nghiên cứu giải phẫu học mà còn đặt nền tảng cho ngành xã hội học động vật và nhiều khảo cứu sinh học sau này. Tập thứ bảy bàn về sâu bọ cánh cứng được xuất bản sau khi ông qua đời (1795). Đây thực sự là hòn đá tảng đánh dấu chặng đường dài nghiên cứu côn trùng học và đặt Réaumur vào hàng đầu trong số các nhà côn trùng học nổi danh của thế kỷ 18 đồng thời ghi nhận ông là người mở đường cho một ngành khoa học mới, đó là tập tính học (ethology).

Cũng như Swammerdam, ông quan niệm hiện tượng chuyển dạng côn trùng chỉ là một ảo ảnh chứ không hiện hữu thật, do vậy những con sâu róm, con nhộng đều có thể coi là những con bướm ẩn mình trong vỏ và ông đặt câu hỏi: những chuyển dạng hình thức bề ngoài đó quy về thực chất sẽ là gì? Rõ ràng có những khác biệt hình thái và sinh lý khá quan trọng như con sâu róm có 16 chân nhưng 10 chân sẽ biến mất ở con nhộng và rồi 6 chân khác lại tái hiện dưới dạng chân bướm hoàn toàn khác biệt. Con sâu róm tự nuôi dưỡng bằng nhai lá, con bướm bằng hút mật hoa. Tuy nhiên, Réaumur khẳng định: mặc dù không được nhìn thấy rõ nhưng tất cả những tạng của bướm đều hiện diện trong sâu róm. Đây không phải là hiện tượng “thượng tạo” (epigenesis) cũng không phải là sự hình thành mới về phát triển cá thể hoặc thay hình đổi dạng mà hiện tượng “tiền hình” (preformisme) này là hoàn toàn phù hợp với những quy luật siêu hình.

Để giải thích về sự hình thành đầu tiên của những “sinh thái có tổ chức”, Réaumur giả định rằng những hình thái đó đã hiện diện trong thế giới nguyên thủy nhưng quá trình phát triển đã bị ngưng chậm do giá lạnh và chỉ tiếp tục khi có những điều kiện thuận lợi hơn. Như vậy, một côn trùng có thể tồn tại ở dạng trứng, sống lâu dài nhiều tháng ở dạng cực nhỏ bé, kích thước không tăng trưởng. Những kết luận đó rõ ràng mang nặng tư duy Aristotle.

Ít lâu sau, ông cho xuất bản cuốn sách “Về nghệ thuật nuôi dưỡng các loài gia cầm” (2 tập, 1749 và 1751), trong đó Réaumur mô tả những nghiên cứu phôi học qua việc xác định phương thức thụ tinh trứng ếch, thời gian ấp nở trứng chim, kết quả giao phối của nhiều loại gia cầm khác nhau biểu hiện trên thế hệ mới sinh.

Năm 1752, Réaumur trở lại với niềm say mê từ tuổi thanh niên và tiến hành nhiều thử nghiệm nghiên cứu quá trình tiêu hóa ở động vật. Chọn lựa những gia cầm, có vách dạ dày to và nhiều cơ (như chim, gà mái), ông cho chúng nuốt những ống kẽm nhỏ mở ngỏ ở hai đầu, lòng ống chứa đầy hạt hoặc thịt, kèm dây buộc để kéo ra nghiên cứu. Sau nhiều lần làm đi thử lại, ông chứng minh rằng các thức ăn đã không bị tiêu hóa sau 48 giờ, như vậy chứng tỏ quá trình nghiền bóp trong diều mề (chim, gà) không hề có tác động tiêu hóa như mọi người thường nghĩ. Sau đó, chọn con chim diều mốc có dạ dày vách màng mỏng, ông cho nuốt những ống kẽm tương tự và nhận thấy hôm sau, chim ói mửa ra các ống chứa thức ăn đã gần tan biến, trên cơ sở đó, ông kết luận “tiêu hóa là do một chất hòa tan ở trong màng dạ dày chim”. Rồi ông lại cho chim nuốt ống chứa mảng xốp dễ thấm để thu hồi dịch vị và thử nghiệm tính chất của dịch vị trong ống khác có đựng thịt. Réaumur có nuôi một con chim diều hâu rất được cưng chiều, chim này có thói quen luôn ói mửa những thức ăn dạ dày không tiêu hóa được, vì vậy đã tạo điều kiện giúp ông phân lập được dịch vị để nghiên cứu và khẳng định dịch vị có vai trò hòa tan và lên men trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Trong thông báo nghiên cứu, ông ghi nhận “…Khi đặt một chút dịch dạ dày của chim diều hâu trên lưỡi, tôi nhận thấy có vị mặn chứ không chua, nhưng mảnh xương đã chịu tác động của dịch đó lại có vị chua chứ không mặn…”. Đáng tiếc là con chim diều hâu này bị chết sau vài thử nghiệm nên ông đã gặp khó khăn khi phải thay thế bằng vịt và gà con.

Trong những năm tháng nghiên cứu, ông được cô Moutier và Tu viện trưởng J.A.Nollet (1700-1770) cộng tác, đặc biệt người học trò của ông là M.J.Brisson (1723-1806) luôn giúp đỡ trong việc sử dụng kính hiển vi, đồng thời là người gìn giữ bộ sưu tập Động vật học của Réaumur và bổ sung thêm bộ sưu tập của Văn phòng Hoàng gia (sau khi ông qua đời) để trở thành tập lưu trữ của Viện Bảo tàng Khoa học tự nhiên. Những ngày cuối đời, ông viết di chúc tặng toàn bộ những sưu tập về khoáng vật, thực vật và động vật quý hiếm cho Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Réaumur qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1757, lúc ông 74 tuổi tại vùng quê La Bermondière thuộc Saint Julien du Terroux, nơi ông đã toàn tâm phục vụ khoa học.

Với tài năng lỗi lạc xuất chúng, Réaumur là một con người đầy tư duy sáng tạo, một nhà khoa học toàn tài, đóng góp cho nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý học và kỹ thuật. Giới khoa học châu Âu đã tôn vinh ông là “Plinius của thế kỷ XVIII”.

Nguồn: Trần Phương Hạnh, 17 nhà khoa học lỗi lạc, NXB Trẻ, TP. HCM, 2003.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.