Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 21/09/2006 14:27 (GMT+7)

Quyết chí theo cách mạng, ra bưng biền kháng chiến

Năm 1945, tại khu la-tinh Paris, hình thành một nhóm trí thức trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết, hết lòng hướng về Cách mạng Tháng Tám, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, gồm: Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hy Hiền (tức Lê Tâm). Trong số đó, Lê Văn Thiêm và Nguyễn Hy Hiền là hai người trẻ khỏe nhất. Cho nên, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Paris dự Hội nghị Fontainebleu, bà con Việt kiều mới cử Lê Văn Thiêm và Nguyễn Hy Hiền đứng hai bên giương cao tấm biểu ngữ khá nặng, khổ lớn mang dòng chữ: "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ! Tất cả nhóm trí thức nói trên, kẻ trước người sau, đều giã từ Paris hoa lệ, trở về nước "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" với đồng bào, đồng chí trong cuộc chiến đấu đầy gian nan, mất mát của cả dân tộc.

Hơn 60 năm đã trôi qua... Biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu! Ðến hôm nay, nhóm trí thức tiên phong ấy chỉ duy nhất còn sót lại một người: kỹ sư Lê Tâm!

Một buổi sáng trời trở gió sang thu, mưa ngâu dai dẳng, tại quán cà-phê đầu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), tôi bồi hồi ngồi nghe câu chuyện cũ...

Phụ thân của Nguyễn Hy Hiền là cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại từng phụng chiếu Hoàng đế Thành Thái "sung phó chủ khảo" khoa thi hội năm Tân Sửu-1901, cùng cụ chánh chủ khảo Cao Xuân Dục, hiệp biện đại học sĩ, phó tổng tài Quốc sử quán, chấm bài làm của các vị cử nhân "lai kinh hội thí", để lấy đỗ tiến sĩ, phó bảng. Hai vị Nguyễn Sinh Huy (còn gọi là Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân Bác Hồ) và Phan Châu Trinh cùng đỗ phó bảng trong khoa thi năm 1901 ấy.

Người xưa từng nói: "Sĩ học hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên". Nghĩa là: Kẻ sĩ học tập với niềm mong ước trở thành người hiền, người hiền mong ước trở thành bậc thánh, còn bậc thánh thì mong ước trở nên anh minh, khoan thứ như lồng lộng trời cao! Cụ Tiểu Cao chọn đặt tên Hy Hiền cho con trai thứ là nhằm gửi gắm ở anh chút kỳ vọng.

Thời trẻ, Hy Hiền học rất xuất sắc. Ông sinh năm 1921, năm 1939 đỗ đầu "tú tài Tây" ở Huế. Lúc bấy giờ Hội Như Tây du học (một tổ chức khuyến học của Nam triều) mỗi năm chỉ cấp một suất học bổng cho học sinh nào xuất sắc nhất trong cả ba kỳ bắc, trung, nam, giúp người ấy có thể sang Pháp học lên đại học. Hy Hiền được nhận suất học bổng duy nhất đó trong cả nước ấy.

Thế là chàng trai xứ Huế rời Sài Gòn lênh đênh mấy tháng trời trên cùng một chuyến tàu thủy với Lê Văn Thiêm, anh "đồ Nghệ" trẻ, sang Pháp học lên. Từ đấy hai người trở thành đôi bạn chí thân. Tháng 9-1939, phát-xít Ðức tiến vào Paris . Việc du học từ Ðông Dương sang Pháp bị đình chỉ hẳn nhiều năm.

Sau khi bổ túc kiến thức tại Trường Saint Luis, Nguyễn Hy Hiền thi đỗ vào Trường Quốc gia Cầu - Ðường, một trong mấy "trường lớn" của nước Pháp. Trước đó mấy năm, Phạm Quang Lễ (sau khi về nước, được Bác Hồ đặt cho "bí danh" Trần Ðại Nghĩa) cũng theo học trường này. Căng-tin của trường nằm trong khu la-tinh, cách Trường Ðại học Sư phạm Paris - nơi Lê Văn Thiêm và Trần Ðức Thảo theo học - chỉ vài trăm mét. Hằng ngày, ba người này và Phạm Quang Lễ thường cùng ăn cơm ở căng-tin. Tại Paris hình thành một nhóm trí thức trẻ người Việt hăng hái hướng về cách mạng.

Năm 1946, Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do đồng chí Phạm Văn Ðồng dẫn đầu, sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleu. Các trí thức trẻ Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông, Nguyễn Hy Hiền tình nguyện giúp việc không lương cho Ðoàn.

Khi nghe kỹ sư Hiền tỏ ý muốn về nước tham gia cách mạng, đồng chí Phạm Văn Ðồng tin cậy viết thư giới thiệu để đến khi trở về, nếu bị kẹt lại tại Sài Gòn, thì kỹ sư Hiền có thể liên hệ với cơ sở bí mật của ta ở trong đó. Ðêm 19-12-1946, chiếc tàu thủy chở kỹ sư Hiền ghé cảng Tân Gia Ba ( Singapore ), đúng vào lúc ở trong nước, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 23-12, tàu cập bến Sài Gòn. Ông tìm đến nhà bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, lúc đó đang công khai giữ chức giám đốc Viện Pasteur, đưa thư giới thiệu.

Một tháng sau, kỹ sư Hiền thay bộ đồ Tây sang trọng thường mặc bằng bộ áo quần bà ba đen, lên một chiếc xe thổ mộ lóc cóc chạy về phía Củ Chi. Ðến chỗ vắng, ông xuống xe, lặng lẽ len lỏi qua đồn bốt Pháp, rồi được một chú liên lạc đón, đưa ra bưng biền. Cùng ra bưng biền với ông hôm ấy còn có giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Ngay sau đó, Hoàng Xuân Nhị sáng lập và làm chủ bút tờ báo L"Appel du Maquis (Tiếng gọi Bưng biền) in bằng tiếng Pháp để phát hành vào vùng tạm bị địch chiếm đóng.

Kỹ sư Lê Tâm phụ trách ngành quân giới, và vào năm 1949, trở thành  một trong bảy sĩ quan đầu tiên ở Nam Bộ được phong quân hàm đại tá.

- Tôi phải đổi cả họ tên thành Lê Tâm - ông kể lại - bởi vì nếu cứ để nguyên họ tên khai sinh, thì sẽ liên lụy đến mấy trăm con người thuộc dòng họ Nguyễn Hy đang sống trong vùng địch chiếm.

Chiến trường Nam Bộ không có nơi nào địa hình hiểm trở để có thể xây dựng thành An toàn khu (ATK) như vùng rừng núi Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Cạn. Các xưởng quân giới phải đổi chỗ luôn, lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười, lúc chuyển đến chiến khu Ð, lúc lui về vùng rừng ngập mặn Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu rừng này có loài cây sác chịu mặn, nên gọi là rừng sác. Giặc đến, ta chôn máy xuống đất. Giặc rút, ta lại đào máy lên! Khó khăn là vậy nhưng vẫn xây dựng được những xưởng quân giới lớn, như xưởng của Bộ Tư lệnh Nam Bộ có gần 1.000 cán bộ, công nhân, xưởng của quân khu 8 có 300. Lực lượng quân giới Nam Bộ đông tới 8.000 người. Sống trong rừng lầy lội, đầy muỗi, vắt, thế mà anh em vẫn chế được súng cối, bộc lôi, địa lôi, đạn súng trường, đạn súng lục, sửa chữa súng, và về sau, còn chế cả SS...

Liên lạc giữa Việt Bắc và Nam Bộ vô cùng khó khăn, thường chỉ bằng điện tín mật mã, ngắn gọn. Năm 1949, mới có một đoàn cán bộ quân giới do kỹ sư Trần Ðại Nghĩa cử vào, mang theo một ít tài liệu về ba-dô-ca và SKZ. Nhưng điều kiện ở rừng sác không giống ở Việt Bắc! Nhớ lại hồi 1945, tiến sĩ Lê Văn Thiêm từng mang từ Berlin về Paris  cho kỹ sư Nguyễn Hy Hiền (tức Lê Tâm sau này) một tập "cẩm nang" chế tạo bom bay V1, V2. Hai người cặm cụi dịch sang tiếng Việt. Nhưng rồi cả hai sớm nhận ra rằng, muốn chế tạo được loại vũ khí tối tân đó, phải có nền công nghiệp cơ khí và điện tử phát triển cao!...

Kỹ sư Lê Tâm nghĩ tới một loại súng có sức công phá bằng cỗ đại bác nặng hàng tấn thép, nhưng chỉ nhẹ khoảng 5-10 kg để anh vệ quốc có thể vác trên vai. Muốn vậy, phải tự chế tạo được đạn lõm, loại đạn mới xuất hiện trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi bị kích nổ, đạn lõm chỉ tập trung năng lượng vào một luồng, đủ tạo ra sức nóng tới 3.000 độ C, áp suất hàng trăm át-mốt-phe, chọc thủng vỏ thép xe tăng dễ như chiếc đũa xuyên qua... cục bơ! Lính địch ngồi trong xe cháy thành than! Loại súng này không đòi hỏi thuốc đẩy tốt như thuốc con bài, mà có thể dùng thuốc đẩy thông thường của súng cối. Viên đạn lõm to hơn nòng súng, chỉ có chuôi đạn nằm trong nòng. Thuốc đẩy viên đạn bay ra phía trước và, cùng một lúc, đẩy khối lùi (có thể tiện bằng gỗ) bay lại phía sau, do đó triệt tiêu lực giật. Kỹ sư Lê Tâm đặt tên cho loại vũ khí mới này là SS,  nghĩa là Súng Rừng Sác.

Lúc bấy giờ, binh lính Pháp thường ngồi vểnh râu trong xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, nghênh ngang càn quét vùng căn cứ kháng chiến. Súng trường, súng máy, lựu đạn  của ta chỉ "gãi ngứa" cho chúng!

Nhưng bỗng xuất hiện SS-AT bắn cháy xe tăng! Dòng kênh Nam Bộ bề ngang chỉ rộng chừng 80 mét. Từ trên bờ kênh, anh du kích nấp trong rừng sác, kẹp khẩu SS-B, SS-L hay SS-88 (cỡ lớn hơn SS-AT) phụt một quả đạn lõm, đạn chỉ cần bay khoảng 40 mét là đã có thể va vào thành tàu, nổ tung, vỏ tàu thủng, nước ùa vào, tàu chìm nghỉm!

Ta chỉ mới dùng SS đánh mấy trận, Tây đã chùn bước, không còn dám ngông cuồng như trước! - Kỹ sư Lê Tâm nói.

Năm 1952, được Trung ương điều động, kỹ sư Lê Tâm "tháp tùng" đồng chí Lê Duẩn, đi bộ một mạch sáu tháng rưỡi từ Nam Bộ ra Việt Bắc, dọc theo con đường mòn sau này sẽ được mở rộng thành đường Hồ Chí Minh. Ðể có thể tiếp nhận vũ khí hạng nặng từ Trung Quốc chở sang, nước bạn đề nghị ta mở đường mới rộng 8 mét, rộng hơn mặt đường quốc lộ ở Ðông Dương thời ấy (6,5 mét), với độ dốc, độ cua thấp hơn. Ðó chính là  con "đường ta rộng thênh thang tám thước/đường Bắc Sơn - Ðình Cả - Thái Nguyên" mà Tố Hữu ngợi ca trong bài thơ nổi tiếng Ta đi tới. Có cuốc bộ trên những lối mòn nhỏ hẹp xuyên rừng Việt Bắc thời chống thực dân Pháp, mới cảm nhận được hết niềm khoái cảm khi bước chân trên con đường chiến dịch mới mở "rộng thênh thang tám thước". Thật ra, con đường này bắt đầu từ Mục Nam Quan, qua Ðồng Ðăng, rồi mới đến Bắc Sơn, và chạy tiếp về Ðình Cả, Thái Nguyên, dài 150 km, chỉ làm trong sáu tháng, bằng sức người và cuốc xẻng. Tốt nghiệp ngành cầu - đường tại Paris, kỹ sư Lê Tâm được điều từ Nam Bộ ra đây để tham gia chỉ đạo mở đường, chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ...

Hòa bình trở lại trên nửa nước. Ông về Hà Nội, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật đường sắt, tham gia chỉ đạo phục hồi các tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan,  Hà Nội - Vinh, rồi làm chủ nhiệm Khoa Xây dựng Trường đại học Bách khoa, Cục trưởng Cục Ðo lường, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng biên tập tạp chí Hoạt động khoa học, v.v.

Năm 1986, Nhà nước ta phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) trong đó có vũ khí SS do ông và các cộng tác viên nghiên cứu, chế tạo thành công trong rừng Sác Nam Bộ.

Nguồn: nhandan.com.vn 30/8/2006

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.