"Bà chúa nấm"
Ngày nay, nhìn khu trang trại quy mô là vậy, nhưng có lẽ ít ai biết rằng để những cây nấm dược liệu này có thể bám rễ trên đất Việt, bà đã phải trải qua một hành trình nhiều khó khăn thử thách như thế nào. Thế nhưng những khó khăn đó không ngăn nổi bước chân của một nhà nữ khoa học như bà. Chính việc nhận định, đánh giá được tầm quan trọng, cần thiết cũng như sứ mệnh giúp người nông dân thoát nghèo của cây nấm đã là động lực mạnh mẽ giúp bà kiên định để đi đến thành công như ngày hôm nay.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính với giống nấm đầu khỉ đang được trồng tại Công ty TNHH Nấm Linh Chi.
Nấm đầu khỉ là một trong những loại nấm dược liệu được giới khoa học đánh giá rất cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính giới thiệu túi nấm linh chi được hơn 3 tháng tuổi với khách hàng.
Những cây nấm linh chi hơn một tháng tuổi tại trang trại nấm của Công ty TNHH Nấm Linh Chi.
Trên con đường bê tông trải dài đến các khu nhà trồng nấm trong trang trại, chúng tôi được bà tâm sự về hành trình đưa cây nấm về cắm rể trên đất Việt. Đó là thời điểm những năm 70 của thế kỷ XX. Khi đó bà đang học tập và làm nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc (cũ). Trong thời gian học tập tại đây, bà đã quan sát thấy rằng, ở Tiệp Khắc và các nước Châu Âu, người nông dân sử dụng các chất thải nông nghiệp để sản xuất nấm với quy mô lớn và đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Thế nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều chất thải nông nghiệp như rơm rạ, bã mía, mùn cưa,… nhưng người nông dân Việt Nam lại không biết tận dụng chúng nên vừa gây lãng phí lại ảnh hưởng đến môi trường. Thêm vào đó, khí hậu nóng ẩm của Việt Nam được đánh giá là vô cùng thích hợp để phát triển các chủng nấm.
Chính từ thực tế bà quan sát được cộng với những lợi thế sẵn có của Việt Nam, năm 1973 sau khi tốt nghiệp bằng Thạc sỹ tại Tiệp Khắc, bà đã quyết định chọn một số chủng nấm năng suất nhất của các nước Châu Âu lúc bấy giờ để mang về trồng thử nghiệm trong nước.
Vào thời điểm đó, cây nấm còn quá xa lạ với người dân Việt Nam. Bởi vậy, từ phòng thí nghiệm, nơi nhân giống cho đến công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ gần như chưa có gì. Có những thời điểm bà đã phải dùng chiếc giường duy nhất trong nhà để cấy nấm. Và căn nhà chỉ có 16m 2 của gia đình bà đã trở thành phòng thí nghiệm và nơi trồng thử nấm.
Sau nhiều lần thử nghiệm vẫn chưa thành công, bà quyết định quay trở lại Tiệp Khắc vừa để tiếp tục làm luận án Phó tiến sỹ vừa thực hiện mục tiêu phải tìm hiểu và nghiên cứu cây nấm cho bằng được. Sự kiên trì đó của bà cuối cùng cũng được đền đáp. Năm 1986, bà vinh dự nhận bằng phát minh sáng chế do Tiệp Khắc trao tặng với công trình nghiên cứu “Sản xuất nấm sò bằng công nghệ lên men vi sinh không thanh trùng”. Năm 1987, bà bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với đề tài “Vi sinh vật trong công nghệ sản xuất nấm”. Những công trình của bà được áp dụng ở các cơ sở sản xuất nấm của Tiệp Khắc đã mang lại năng suất gấp đôi cho người nông dân.
Con đường trở thành “Bà chúa nấm”
Ở Việt Nam, sau khi trồng thử nghiệm thành công một số giống nấm, bà đã cho triển khai ngay về một số vùng nông thôn. Ở vùng nào, bà cũng trực tiếp đến hướng dẫn nông dân và nhiều chủ trang trại cách trồng nấm trên các loại chất thải nông, lâm nghiệp có sẵn của địa phương đó.
Tại đây, bà cho áp dụng chính công trình nghiên cứu đã được áp dụng thành công tại Tiệp Khắc, đó là công nghệ sản xuất nấm sò trên nguyên liệu rơm rạ không thanh trùng và cũng đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Từ thành công này đã mở ra hướng sản xuất lớn cho các cơ sở, trang trại trồng nấm vì nó đơn giản, dễ làm, năng suất lại cao, đạt từ 80-100% quả thể so với nguyên liệu khô. Hiện nay, loại nấm này đang được triển khai ở nhiều tỉnh thành trong nước như: Sơn La, Lai Châu, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Vĩnh Long…
PGS.TS Nguyễn Thị Chính tiến hành quy trình thu hoạch loại nấm đông trùng hạ thảo cấy trong ống nghiệm.
Nấm đông trùng hạ thảo được đánh giá là một loại "thần dược".
PGS.TS Nguyễn Thị Chính (thứ hai từ phải sang) lại Lễ công bố Giải thưởng cuộc thi doanh nhân nữ Mekong
và giới thiệu “Ngày phụ nữ sáng tạo Việt Nam 2013”.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính (thứ nhất từ phải sang) nhận giải thưởng tại Ngày hội sáng tạo phụ nữ Thủ đô 2013.
Mặc dù nghiên cứu thành công được rất nhiều loại nấm ăn và nấm dược liệu, nhưng bà quyết định tập trung vào sản xuất nấm linh chi chất lượng cao bằng cách thành lập Công ty TNHH nấm Linh chi. Bởi bà cho biết, ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… họ rất chú trọng việc nghiên cứu và ứng dụng các loại nấm dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng trong việc hỗ trợ chữa một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan B, đặc biệt là bệnh ung thư.
Bởi vậy, công nghệ sản xuất nấm linh chi sinh khối do bà nghiên cứu là công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Với công nghệ này, bà đã được nhận giải thưởng WIFOTEC 2002. Các công trình nghiên cứu về nấm linh chi của bà được đánh giá cao cả trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm do Công ty của bà nghiên cứu ra đã được sử dụng rộng rãi như: sản phẩm Sinh Linh ( bột sinh khối nấm Linh chi ); Bào tử nấm Linh chi nguyên chất và viên bào tử; Nấm Đông trùng Hạ thảo, nhộng trùng thảo ( Cordyceps militaris); nấm đầu khỉ…
Hiện nay, ngành trồng nấm của Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng. Những chủng nấm mang thương hiệu “made in Việt Nam” không chỉ có mặt trên khắp các tỉnh thành mà còn được xuất khẩu. Cây nấm đã làm được những việc đúng như tâm niệm ban đầu mà bà theo đuổi đó là loại cây không chỉ giúp người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình mà còn là cây mang lại giá trị xuất khuẩu cao, góp phần phòng và chữa các bệnh hiểm nghèo cho người dân./.