Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 23/09/2005 14:23 (GMT+7)

Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam, những bài học lịch sử

Những lần tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam với Hoa Kỳ

Theo những tài liệu hiện còn được lưu trữ tại Hoa Kỳ, vào tháng 7 năm 1787 Thomas Jefferson, khi ấy đang là đại diện của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Pháp đã viết thư về nước bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới những thông tin do Pierre Poivre về tình hình nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam. Ông đã liên hệ với con trai của Nguyễn Ánh (sau này trở thành Hoàng đế Gia Long) là Hoàng tử Cảnh, khi ấy đang có mặt ở Pháp để nhờ kiếm cho ông ta một số hạt lúa giống của Việt Nam 1. Đây có thể coi là thông tin sớm nhất về sự quan tâm của người Mỹ tới Việt Nam .

Năm 1801 Thomas Jefferson trở thành tổng thống thứ 3 của nước Mỹ. Không hiểu có liên quan gì tới sự quan tâm trước đây của vị tân tổng thống đối với vùng đất phía Nam của Việt Nam mà ngay năm sau thương thuyền Frame do thuyền trưởng Jeremiah Brigg chỉ huy đã được phái sang Việt Nam để thu thập tin tức và tìm hiểu về nguồn cung ứng đường và cà phê cho thị trường Mỹ.

Tàu Frame đến cảng Đà Nẵng ngày 21/5/1803. Tại đây thuyền trưởng Brigg đã gặp hai chiến hạm của hải quân triều Nguyễn do người Pháp chỉ huy. Họ khuyên Brigg nên đến Huế để yết kiến vua Gia Long, nhưng tại đây viên thuyền trưởng Hoa Kỳ chỉ được gặp người đại diện của triều Nguyễn và một số cha cố, sĩ quan hải quân Pháp đang phục vụ vua Gia Long. Sau khi thu thập được một số thông tin, tàu Frame rời Việt Nam đi Manila vào ngày 10/6/1803. Đây là chiếc tàu Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam 4. Sự kiện này có được nhắc đến trong sử liệu Việt Nam 6.

Phải mất 16 năm sau mới có chiếc tàu Hoa Kỳ thứ hai đến Việt Nam . Đó là tàu Franklin do thuyền trưởng John White chỉ huy. Ngày 2/1/1819 tàu Franklin cập cảng Vũng Tàu. J.White đã có cuộc tiếp xúc với quan chức địa phương, được hứa là sẽ cấp giấy phép cho vào Sài Gòn. Nhưng chờ mãi không thấy có hồi âm. Một quan chức địa phương nói rằng phải có giấy phép của triều đình thì tàu ngoại quốc mới đựoc phép vào Sài Gòn. White quyết định đến Huế để trực tiếp yết kiến Hoàng đế. Nhưng tiếc thay khi ấy Hoàng đế Gia Long đang tuần du ở Bắc Hà nên dự định của White không thực hiện được. Viên thuyền trưởng quyết định đưa thuyền đến Manila, hi vọng ở đây sẽ tìm ra được người có thể phiên dịch tiếng Việt rồi sẽ quay trở lại Việt Nam .

Sau khi tàu Franklin rời Việt Namcòn có 3 tàu buôn khác của Mỹ là Marmion, AuroraBeverly ghé cảng Vũng Tàu và Đà Nẵng, nhưng tất cả đều không đạt được mục tiêu thương mại. Các tàu này lần lượt đến Manilavà gặp White đang ở đó. Sau khi tìm được phiên dịch tiếng Việt, White đề nghị thuyền trưởng John Brown đưa tàu Marmioncùng quay trở lại Việt Nam . Hai tàu Hoa Kỳ cập cảng Vũng Tàu ngày 25/9/1819. Lần này White được nhận giấy phép vào Sài Gòn. Ngày 30/1/1820 sau khi gom được một số hàng hóa chủ yếu là đường và tơ thô (row silk) hai tàu Hoa Kỳ rời cảng Sài Gòn. White trở về Salem vào ngày 30/8/1820, sau cuộc hành trình kéo dài 20 tháng.

Sau khi về nước, vào năm 1823 White đã cho xuất bản ở Boston một cuốn sách mang tựa đề A Voyage to Cochichina. Cuốn sách này đã có tác động rất mạnh đến thái độ của người Mỹ, nhất là giới thương nhân đối với Việt Nam . Bên cạnh những mô tả chi tiết và sinh động các mặt của đời sống xã hội, rất có giá trị về mặt tư liệu giúp người đọc phần nào hình dung cụ thể về đất nước và con người Việt Nam trên đất Nam bộ hồi đầu thế kỷ XIX, White đã đưa ra những nhận xét làm nản lòng những người Mỹ đang có ý định tìm cơ hội làm ăn ở xứ sở xa xôi này. White nhận định:

“Trong suốt thời gian tôi dừng chân ở đất nước này, những gì tôi hiểu được về họ chỉ là sự xấu xa, đồi bại (villainy and turpitude). Họ hoàn toàn thiếu lòng trung thực nên thường tìm mọi cách để lừa gạt chúng tôi và rất giỏi tìm mọi thủ đoạn để lẩn tránh trách nhiệm. Điều đó thật dễ dàng đạt được trước những thái độ cởi mở và cách làm ăn đứng đắn. Tất cả những việc buôn bán nghiêm túc rốt cuộc chỉ được xem như những chuyện vặt vãnh. Đối với mọi thương vụ hầu như không có một sự đảm bảo chắc chắn nào, trừ phi có được những hợp đồng bằng văn bản mà hình thức này dường như không bao giờ có. Họ có thể dùng mọi thủ đoạn để làm tiền thương nhân khiến họ khó chịu. Cùng với những đặc điểm trên, tính tham lam, tráo trở, bạo ngược và phản thương mại (anticommercial) của chính quyền sẽ là nguyên nhân đưa xứ sở này trở thành nơi kém hấp dẫn nhất ngay cả đối với những thương nhân có tính phiêu lưu...”3.

Sau này có một tác giả người Pháp khi đọc cuốn sách này đã cho rằng White đã xét đoán dân địa phương bằng một cách nhìn hạn hẹp của một người Thanh giáo cực đoan (Rigid Puritan) và không bao giờ tự vấn mình đã đối xử thế nào với dân bản xứ 4.

Những cố gắng ngoại giao nhằm thiết lập quan hệ thương mại

Trong giai đoạn đầu dường như người Mỹ quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn sự quan tâm của triều Nguyễn đối với họ. Dưới triều Gia Long (1802-1820), triều đình có nhiều mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Pháp nên sự xuất hiện của các tàu Hoa Kỳ chưa gây được sự chú ý. Hơn nữa, với sự hiểu biết chưa đầy đủ về phong tục tập quán địa phương của người Mỹ, cách ứng xử của họ còn gây nên những sự ngờ vực của dân chúng và chính quyền các địa phương.

Mặc dù sứ mệnh của Brigg và White trong việc tìm hiểu và thăm dò khả năng thiết lập quan hệ buôn bán với Việt Nam có thể coi là thất bại, cơ quan đại diện của US tại Batavia lại có quan điểm khác. Năm 1826 Công sứ John Shillaber viết thư về nước đề nghị mở rộng hơn nữa hoạt động của các thương thuyền Mỹ tại các nước thuộc Ấn Độ Dương, trong đó có Cochichina ( Nambộ Việt Nam ). Trong khoảng thời gian từ 1826 đến 1832 Shillaber gửi hàng loạt thư thuyết phục Tổng thống cho phép ông được ủy quyền đàm phán để xây dựng hiệp định thương mại. Sự cố gắng của viên công sứ Mỹ ở Batavia đã đạt được kết quả sau khi Tổng thống Andrew Jackson lên nhậm chức vào năm 1829. Một phái bộ do Edmud Roberts được đích thân Tổng thống cử sang Ấn Độ Dương đem theo dự thảo Hiệp định thương mại để có thể thay mặt chính phủ Mỹ ký với triều đình nhà Nguyễn. Đầu tháng1 năm 1832 chiến hạm Peacock chở phái bộ đến Vũng Lấm (nay thuộc tỉnh Phú Yên). Đại diện chính quyền địa phương đã lên tàu để hỏi han rất kỹ mục đích của đoàn. Sau 10 ngày chờ đợi, ngày 17 tháng 1, triều đình cử 2 viên quan và một đoàn tuỳ tùng đến gặp Edmud Roberts để đàm phán, nhưng sau nhiều ngày thảo luận Hiệp định thương mại vẫn không được ký kết. Theo lời của Edmud Roberts thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về triều Nguyễn. Theo ông ta thì các thủ tục ngoại giao rườm rà. Các quan chức cao cấp của triều đình được uỷ quyền thương thuyết lại không có ý kiến rõ ràng và thường lảng tránh trả lời những câu hỏi trực diện do phía Mỹ đặt ra. Trong khi đó phía Việt Nam tỏ ra quá dè dặt, thận trọng và có thái độ nghi kị. Lý do quan trọng nhất khiến các phái viên của triều Nguyễn không đồng ý ký, rốt cuộc, chủ yếu lại là những vấn đề thuộc về hình thức văn bản. Họ cho rằng những lời lẽ viết trong dự thảo Hiệp định không tuân thủ những công thức tôn kính cần phải có đối với Hoàng đế Việt Nam . Thậm chí còn căn dặn phía Mỹ, sau khi được giải thích rằng Tổng thống Hoa Kỳ là do bầu ra nên có nhiệm kỳ (thời hạn), rằng như vậy Tổng thống Mỹ không tương xứng với Hoàng đế Việt Nam 2...

Qua sử liệu Việt Nam chúng ta biết rằng hai viên quan được triều đình giao cho việc đàm phán với Edmud Roberts là Ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức. Sau khi nghe dịch nội dung quốc thư của Tổng thống Mỹ và dự thảo Hiệp định thương mại, thấy không hợp với cách thức đã không trình lên vua rồi viết thư trả lời rằng vua Việt Nam không ngăn cản việc buôn bán, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Tàu Mỹ đến phải đậu ở vịnh Trà Sơn (Đà Nẵng), không được phép lên bờ làm nhà. Nhận được thư này phái đoàn của Edmud đã rời Việt Nam 6.

Thư của Joseph Baslestier, Công sứ Hoà Kỳ tại Singapore viết cho Forsyth, Thư ký Văn phòng phủ Tổng thống lại đưa ra một thông tin khác. Theo nguồn tin mà Joseph Baslestier cho là tin cậy thì nguyên nhân của sự trục trặc trong việc ký Hiệp định thương mại là do việc chuyển thư tới Hoàng đế quá chậm trễ. Sau khi nhận được thư, vua Minh Mạng đã cho mời ngay phái bộ cùng thuỷ đoàn của tàu Peacock đến Huế, nhưng thư đến cảng thì tàu của Edmud Roberts đã nhổ neo ra khơi.

Có thể Joseph Baslestier cho nhận định của mình là đúng nên ngay sau khi được bổ nhiệm làm Công sứ tại Singapore, ông ta đã ra sức thuyết phục Tổng thống tiếp tục việc thương thuyết để ký Hiệp định thương mại với Việt Nam . Một lần nữa Edmud Roberts lại được cử làm sứ giả đi đàm phán. Ngày 14/5/1836 phái đoàn của Edmud Roberts đến vịnh Trà Sơn. Lần này trục trặc lại xảy ra. Khi vừa tới Việt Nam thì Edmud Roberts bị ốm nặng nên phái viên của triều đình Huế đến ông ta không tiếp kiến được. Các quan triều đình Nguyễn coi đó là sự khiếm nhã. Mặt khác, phái đoàn Hoa Kỳ lại yêu cầu phía Việt Nam phải trả lời thư của Tổng thống Andrew Jackson trong vòng 3 ngày nhưng triều đình Huế không thể đáp ứng được vì các phiên dịch giỏi đang đi công cán xa.

Kết cục của lần thương thuyết thứ hai cũng không khác gì lần thứ nhất. Hiệp định thương mại vẫn không được ký kết.

Sự kiện khu trục hạm Constitution

Trong khi vị Công sứ Hoa Kỳ tại Singapore Joseph Baslestier đang tìm cách khai thông bế tắc trong việc ký kết Hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ và triều Nguyễn thì một vụ đáng tiếc trong quan hệ hai nước đã xảy ra. Ngày 14/5/1845 khu trục hạm Constitutioncủa Mỹ do John Percival chỉ huy ghé vào vịnh Đà Nẵng để mua lương thực và nước ngọt thì gặp cảnh quan quân địa phương đang truy đuổi một cha cố người Pháp. John Percival đã ra lệnh tấn công đội quân này để giải cứu vị cha cố. Triều đình cử quan đến để giải quyết thì viên thuyền trưởng đã cho bắt họ lên tàu làm con tin 4. Theo sử liệu Việt Nam, vụ này xảy ra năm 1844 và hai viên quan bị bắt lên tàu làm con tin là viên Ngoại lang Nguyễn Long và Kinh lược Nguyễn Đăng Giai 6. Sau vụ này, quan hệ giữa triều Nguyễn với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng. Đích thân Tổng thống Zachary Taylor đã cử Baslestier làm phái viên đặc biệt để dàn xếp vụ này, đồng thời vị Công sứ Hoa Kỳ còn được giao nhiệm vụ thúc đẩy việc đàm phán để ký Hiệp định thương mại. Phái đoàn của Baslestier đến Đà Nẵng ngày 13/3/1850. Người được giao đón tiếp đoàn là quan đứng đầu tỉnh Quảng Nam . Theo mô tả của Baslestier thì viên quan Việt Namtừ chối không tiếp nhận thư của Tổng thống Hoa Kỳ vì ông ta cho phép hải quân của mình giết người Việt Namngay trên lãnh thổ Việt Nam . Baslestier đã thuyết phục ông ta rằng không tiếp nhận thư là sự sỉ nhục đối với Tổng thống Mỹ, nhưng viên quan Việt Nam vẫn không thay đổi thái độ. Cuộc hội kiến kéo dài chừng 3 tiếng đồng hồ thì kết thúc. Baslestier nán tàu lại 3 ngày để chờ xem phía Việt Nam có động thái gì mới, nhưng không thấy gì. Ngày 16/3 phái đoàn Mỹ rời Đà Nẵng đi Thái Lan 5. Theo sử liệu Việt Nam mô tả thì việc phái đoàn Baslestier đến đơn thuần chỉ là sự xin lỗi cho hành động của chiếc tàu chiến Mỹ đã gây ra 5 năm về trước. Sau sự kiện này hầu như không thấy có các phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ tới Việt Nam .

Bùi Viện sang Hoa Kỳ

Năm 1858 hải quân Pháp nổ súng tấn công cảng Đà Nẵng, mở đầu công cuộc chinh phục Việt Nam bằng vũ lực. Triều Nguyễn đã tổ chức chống lại nhưng không thành công. Nhiều vùng đất quan trọng lần lượt bị quân Pháp chiếm đóng. Trong bối cảnh đó nhiều ý kiến được đề xuất nhằm cứu vãn tình thế, trong đó có giải pháp tìm kiếm sự giúp đỡ của các cường quốc. Lúc này Hoa Kỳ được coi là một quốc gia hùng mạnh lại thi hành chính sách chống thực dân có thể giúp Việt Nam . Năm 1873 triều Nguyễn đã cử Bùi Viện sang Hoa Kỳ để thực hiện sứ mệnh đó. Đầu tiên Bùi Viện đến Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông và được vị đại diện Hợp chủng quốc cổ vũ. Nhân cơ hội thuận lợi đó, Bùi Viện đã đi thẳng từ Hồng Kông sang Yokohama rồi đi tiếp sang Hoa Kỳ. Tại đây với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè, ông đã được yết kiến Tổng thống Simpson Grant. Tổng thống Hoa Kỳ đã có thái độ ủng hộ cuộc chiến chống thực dân của Việt Nam , nhưng không thể hứa hẹn gì vì Bùi Viện không có trong tay một Quốc thư chính thức. Ông quyết định quay trở về nước để xin Quốc thư, nhưng trong thời gian đó, Việt Nam biết rằng chính phủ Hoa Kỳ đã thay đổi quan điểm. Họ có nhiều quyền lợi hơn khi xây dựng quan hệ thân thiện với chính phủ Pháp và điều đó đồng nghĩa với việc họ không thể giúp Việt Nam chống Pháp.

Những bài học lịch sử

Qua những sự kiện lịch sử trên đây có thể nhận thấy sự khởi đầu cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là những ý tưởng tốt đẹp, bắt đầu từ sự quan tâm của Thomas Jerrferson đến Việt Nam, một vùng đất mà trước đó người Mỹ hầu như chưa biết tới. Đựơc hấp dẫn bởi tiềm năng thương mại ở vùng đất Nam bộ và với những hoạt động tích cực của đại diện Hợp chủng quốc tại Singapore, chính phủ Mỹ đã có những bước đi chủ động trong việc thiết lập quan hệ thương mại với Việt Nam.

Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán đã là rào cản lớn khiến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không tiến triển. Về phía Hoa Kỳ tuy có những nỗ lực đáng kể trong việc chủ động đưa ra những sáng kiến để thiết lập quan hệ, nhưng lại thiếu những hiểu biết và sự kiên nhẫn cần thiết khi tiến hành thương thuyết với triều Nguyễn. Sự kiện tàu Constitutiontấn công quân Nguyễn và bắt quan lại triều đình làm con tin đã làm cho sự tin cậy vốn đã rất ít ỏi càng xấu đi tới mức khó có thể vượt qua.

Về phía triều Nguyễn, sự hiểu biết về Hoa Kỳ cho đến trước khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng hầu như không có gì. Các vua Nguyễn thường tự cho mình là văn minh còn Hoa Kỳ là giống người “man rợ” nên không thiết tha với những đề xuất của họ. Các quan lại cao cấp thường đưa ra những nhận xét cho rằng người Mỹ “xảo quyệt, lắm mưu mô” nên thái độ ứng xử rất dè dặt, thận trọng.

Khi Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn vì bị thất bại liên tiếp trước những cuộc tấn công quân sự của Pháp, triều Nguyễn từng bước có những nhìn nhận thực tế hơn, thậm chí muốn tìm kiếm ở Hoa Kỳ sự giúp đỡ, nhưng khi ấy thời cơ thiết lập quan hệ hòa hữu giữa hai nước đã qua.

Bài học lịch sử lớn nhất có thể rút ra từ những quan hệ đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là phải hết sức chú trọng việc tìm hiểu về nhau và kiên nhẫn tìm cách giải quyết những bất đồng hoặc hiểu lầm. Ngày nay, bài học lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị.

1 . The Papers of Thomas Jefferson,Princeton University Press, 1958, Vol.11, p.645

2. Edmund Robert, Embassy to the Eastern Courts of Cochichina , New York, 1837, p.5

3. John White, A Voyage to Cochichina,Oxford University Press, 1972, p.247

4. Robert Hopkins Miller, The United States anh Vietnam 1787-1941,National Defense University Press, Washington DC 1990, p.3

5 . Senate Documents 32 ndCongress, Vol.7. Doc.18, (Report of Joseph Balestier to Secretary of State) 25 September 1851, p.37

6 . Đại Nam thực lục chính biên,Nxb Khoa học, 1963

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 238 tháng 6/2005

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.