Phú Yên: Sự lan tỏa trong xã hội từ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên được UBND tỉnh giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động và Tỉnh đoàn đồng tổ chức 2 năm một lần, đến nay đã tổ chức được 8 lần. Hội thi lôi cuốn được sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân với nhiều giải pháp sáng tạo có tính ứng dụng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Ban tổ chức tặng Bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải
Hội thi được triển khai với hình thức rộng rãi, tuyên truyền đa dạng phong phú, vận động và thu hút được nhiều đối tượng tham gia, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, thành phần kinh tế. Các lĩnh vực dự thi đều liên quan đến các hoạt động sản xuất và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, Hội thi đã được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh tham gia các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông và vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm - ngư nghiệp - tài nguyên và môi trường; y - dược; giáo dục và đào tạo.
Trong Hội thi lần thứ 8, toàn tỉnh có 31 giải pháp vào chung kết, bao gồm: Nông, lâm, ngư nghiệp và Môi trường 06 giải pháp; Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông 14 giải pháp; Cơ khí tự động hóa, xây dựng giao thông vận tải 03 giải pháp; Y dược, Giáo dục & Đào tạo 03 giải pháp và Lĩnh vực vật liệu, hóa chất, năng lượng 05 giải pháp. Qua đó, nhằm phát huy và khuyến khích các hoạt động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thi Nguyễn Minh Song cho biết: “Đa số các giải pháp dự thi được hình thành từ quá trình học tập, nghiên cứu, lao động và sản xuất, nên các giải pháp mang tính thực tiễn, có tính sáng tạo, có hiệu quả kinh tế - xã hội, đã và đang được áp dụng vào sản xuất và đời sống. Qua 2 năm phát động, Hội thi đã nhận được khá nhiều giải pháp tham gia dự thi của các nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân, công nhân, giáo viên, học sinh...”.
Điều bất ngờ trong Hội thi lần thứ 8, tác giả đoạt giải nhất (giải thưởng 25 triệu đồng) là nông dân Nguyễn Văn Nghị (36 tuổi) ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa với giải pháp “Than không khói từ phế phẩm nấm Linh Chi”. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, anh đã nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm này.
Anh Nghị chia sẻ: “Phú Yên có trên 1.000 cơ sở sản xuất nấm Linh Chi (Tổ hợp, Hợp tác xã, gia đình...) sau khi thu hoạch nấm xong, những phế phẩm trong bao bì được thải ra gây mất vệ sinh và môi trường sống của cộng đồng... Hơn nữa, tại tỉnh Phú Yên hiện có diện tích rừng trồng keo lá tràm lớn, hàng năm sau khi thu hoạch những cành, nhánh sót lại người dân tận dụng xay thành bột cây (mùn cưa) để bán lại cho những cơ sở sản xuất trồng nấm hay bán lại cho người dân sử dụng vào việc đun nấu... nhưng hiệu quả không cao. Chính vì vậy mà việc sản xuất “Than không khói từ phế phẩm nấm Linh Chi” là hết sức cần thiết.
Hai giải Nhất nữa là giải pháp iNut Nebi – Giải pháp quản lý nhà yến 4.0 và Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn năng suất tinh bột cao và kỹ thuật thâm canh tại tỉnh Phú Yên, các tác giả cho biết những giải pháp đều sáng tạo từ thực tiễn và từ những trăn trở thực tế của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trúc Mai, đại diện cho nhóm tác giả giải pháp “Tuyển chọn giống sắn năng suất tinh bột cao và kỹ thuật thâm canh tại tỉnh Phú Yên” cho biết: Giải pháp tuyển chọn được giống sắn tốt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại hai huyện Đồng Xuân và Sông Hinh của tỉnh Phú Yên, có năng suất củ tươi, hàm lượng tinh bột và tỷ lệ chất khô cao, ít sâu bệnh hại để bổ sung vào bộ giống sắn hiện tại. Xác định được biện pháp kỹ thuật thâm canh rải vụ sắn ở tỉnh Phú Yên thích hợp cho giống sắn được tuyển chọn, bao gồm: Công thức phân bón NPK kết hợp phân chuồng, hữu cơ vi sinh; Mật độ trồng; Thời vụ trồng và thời điểm thu hoạch hợp lý nhằm đạt năng suất trên 27 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 27%, đem lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng được mô hình trình diễn giống sắn mới và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác sắn thích hợp với điều kiện sinh thái ở Phú Yên.
Chị Phạm Thị Ngọc Tú – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cơ quan đồng tổ chức Hội thi đúc kết: “Nhiều năm tổ chức Hội thi cho thấy, giải nhất, nhì thường rơi vào lĩnh vực cơ khí, máy móc; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường vì khả năng ứng dụng thực tiễn rất cao”. Điều trăn trở của Ban Tổ chức cũng như các tác giả: các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ về cải tiến mẫu mã, khởi nghiệp... cho các tác giả đoạt giải với mô hình giải pháp khả thi, để đưa sản phẩm ra thị trường, tạo sự lan tỏa lớn hơn trong xã hội.