Phú Yên: Phạm Hồng Chức – Người đam mê sáng tạo
Anh Phạm Hồng Chức (12/1967) ở thôn Định Thành, Hòa Định Đông, Phú Hòa, Phú Yên. Hiện anh nhân viên làm nhiệm vụ Quản lý giáo dục học sinh của trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa-Phú Yên). Ngoài công việc của nhà trường anh Chức còn đam mê sáng tạo những mô hình thiết bị máy móc hữu dụng trong cuộc sống để tham gia các kỳ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật ở Phú Yên đạt nhiều giải thưởng cao.
Mô hình “Relay bơm nước tự động, an toàn, tiết kiệm điện” của Anh Phạm Hồng Chức, tham gia Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ VIII
Vượt lên chính mình
Phạm Hồng Chức, tốt nghiệp PTTH năm 1985. Anh mê làm nghề ”gõ đầu trẻ” nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ khả năng kinh tế để thực hiện ước mơ trên, nên anh chọn Trường Trung cấp Nông nghiệp Hòa An (thị xã Tuy Hòa-tỉnh Phú Khánh, nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Năm 1987 anh Chức tốt nghiệp nghề trồng trọt cây lúa, xin việc làm không được đành về nhà làm nghề ”tay trái” là điều trị thú y...để có mưu sinh trong cuộc sống. Anh Phạm Hồng Chức nói đùa rằng “Tiếng là điều trị thú y, nhưng chuyên đi chích thuốc chữa bệnh cho heo (lợn) và chữa lở mồm long móng cho bò- Có nghề này là học thêm từ thầy cô chuyên ngành Chăn nuôi-Thú y ở Nha Trang ra Tuy Hòa dạy lúc tôi còn học Trung cấp nông nghiệp”
Chúng tôi về trường THPT Trần Quốc Tuấn để tìm hiểu thêm về anh Phạm Hồng Chức và được nghe anh tâm sự: Năm 2001 tôi may mắn được trường cấp 3 Trần Quốc Tuấn (nay gọi là PTTH) nhận vào làm việc ở bộ phận văn phòng của trường. Năm 2008 nghe tin trường Trung cấp Văn thư lưu trữ TW II ở TP. Hồ Chí Minh có tuyển sinh hệ vừa làm vừa học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên ở Tuy Hòa. Năm 2010 tôi tốt nghiệp và công tác ở trường từ đó đến nay là 18 năm ( 2001-2019).
Để chia sẻ sự tò mò của chúng tôi khi phân vân về anh là một cấn bộ văn phòng làm lưu trữ hồ sơ và có sản phẩm tham gia Hội thi STKT? Phạm Hồng Chức, bộc bạch: Cơ hội có được khi tôi kiêm thêm nhiệm vụ quản lý thiết bị đồ dùng dạy học của trường, lúc này tôi tò mò xem một số mô hình kỹ thuật thấy hay hay từ đó tôi có ý tưởng sẽ làm một thiết bị nào đó phục vụ dạy học cho trường. Đặc biệt khi Liên hiệp Hội Phú Yên về trường tuyên truyền Hội thi STKT lần thứ II (2010-2011) tôi liền ”Xoắn tay áo vào cuộc chơi này” để thử mình xem sao sao!”
Thầy giáo Trần Văn Tuyên - Hiệu trưởng trường THPT Trần Quốc Tuấn và quý thầy cô giáo ở trường nhận xét về Phạm Hồng Chức: Không chỉ đam mê sáng tạo, trong chuyên môn tại trường, anh Chức nhận nhiệm vụ quản lý và giáo dục học sinh thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra, không vi phạm các tệ nạn xã hội. Đồng thời, anh giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi, chuyển giao những tài sản từ học sinh nhặt được đến tận tay người bị mất, Những năm học qua, Trường THPT Trần Quốc Tuấn không có học sinh bị đưa ra hội đồng kỷ luật.
Phạm Hồng Chức (Bìa trái) tại buổi Lễ trao thưởng Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ VII
Kết quả từ đam mê sáng tạo
Không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng nhiều năm gắn bó với công tác quản lý thiết bị dạy học, vốn là người đam mê sáng kiến, anh Phạm Hồng Chức luôn ấp ủ và mong muốn đóng góp một phần công sức của mình để cải tiến mô hình, trang thiết bị dạy học trong nhà trường.
Sau thời gian trăn trở, bỏ công nghiên cứu, anh đã cho ra đời 2 giải pháp sáng tạo: “Robot luật giao thông” và “Thiết bị đa năng kiểm tra điện”, được áp dụng rộng rãi, giá trị làm lợi lên đến hàng tỉ đồng.
Với giải pháp “Robot luật giao thông”, gồm bộ điều khiển và bộ thi hành rất thích hợp cho cán bộ tuyên truyền giảng dạy, nhất là bộ môn Giáo dục công dân ứng dụng luật giao thông để giảng dạy, giúp người học hứng thú, tiếp thu nhanh.
Còn bộ sản phẩm “Thiết bị đa năng kiểm tra điện” được áp dụng trong ngành Giáo dục, ngành Giao thông để làm thiết bị dạy và học; dùng làm đèn pin, đèn ngủ mà không cần công tắc; dùng đo nguồn, xác định pha hay dùng đo trở, xác định mạch kín, hở. Nhà rường đã chọn 2 giải pháp này gửi tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VII năm 2016-2017. Kết quả giải pháp “Robot luật giao thông” đạt giải nhì và giải pháp “Thiết bị đa năng kiểm tra điện” đạt giải ba; sản phẩm được lựa chọn là một trong những sản phẩm có tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng thực tiễn.
Chia sẻ về những giải pháp sáng tạo của mình, anh Chức cho biết: “Những sáng chế của tôi bắt nguồn từ việc nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình. Tính tôi hay để ý, thấy cái gì sáng tạo ra có thể giúp mọi người đỡ nhọc hơn là tìm cách. Nhiều khi trong những lúc ngủ, tôi nghĩ về mọi chuyện xung quanh và cảm thấy các sáng chế này tự tìm đến với tôi. Tôi chỉ mong những nghiên cứu của mình có thể giúp ích cho xã hội và phục vụ việc giảng dạy”.
Theo anh Chức ”bật mí” với chúng tôi ”Hiện nay tôi đã làm xong 2 sản phẩm và đã đăng ký 2 đề tài tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VIII năm 2018-2019 là “Relay bơm nước tự động, an toàn, tiết kiệm điện” để phục vụ cho đời sống con người, giảm sức lao động và “Robot an toàn giao thông” giải quyết việc ùn tắc giao thông và đưa ra quy tắc tham gia giao thông có khoa học.
Điều phấn khởi là ngoài các tặng thưởng có giá trị khi anh tham gia Hội thi STKT tỉnh Phú Yên, năm 2018 anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, nhận xét: “Anh Phạm Hồng Chức là đoàn viên tận tâm, nhiệt huyết với công tác chuyên môn, cũng như trong nghiên cứu khoa học; là một tấm gương sáng về tinh thần lao động sáng tạo vì lợi ích cộng đồng, xã hội”.
Chia tay anh Phạm Hồng Chức, chúng tôi hy vọng với lòng nhiệt huyết đam mê sáng tạo của anh chắc chắn sẽ đạt giải thưởng cao trong Hội thi STKT Phú Yên lần thứ VIII (2018-2019)./.