Phú Yên: Người nông dân sáng chế máy làm đất đa năng
Đó là ông Dương Văn Vân, 62 tuổi, ở thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa. Là người nông dân linh hoạt trong sản xuất, biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nên gia đình có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Không chỉ ứng dụng KHKT vào sản xuất, ông Vân còn tự sáng chế máy làm đất đa năng, phục vụ canh tác, giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí trong sản xuất. Đây là những giải pháp được quan tâm, động viên, khuyến khích tham gia vào Hội thi Sáng tạo kỹ thuật vì mang tính thực tiễn.
Ông Dương Văn Vân bên chiếc máy làm đất đa năng sáng tạo của mình
Chia sẻ khi tiếp xúc với chúng rôi, ông Dương Văn Vân cho hay: Hai vợ chồng sinh ra trong gia đình làm nông, toàn bộ kinh tế gia đình phụ thuộc hết vào ruộng lúa và rẫy sắn. Tuy nhiên, vì diện tích canh tác không nhiều nên nguồn lợi mang lại có hạn. Do đó, bản thân ông bàn bạc cùng gia đình phải chịu khó tích lũy, tìm mua thêm đất để mở rộng diện tích canh tác, sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã có được 6ha đất. Trên diện tích đất này, ông Vân chọn những khu vực thuận lợi về nguồn nước tưới để trồng bắp và lúa, những vùng thiếu nước thì trồng sắn. Để đạt được năng suất tốt nhất, ông ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như bón phân hợp lý, chọn giống sạch bệnh…
Nhờ vậy, năng suất thu hoạch luôn đạt khá cao. Ông Vân cho hay: Bình quân mỗi vụ mùa, các rẫy bắp của gia đình cho sản lượng khoảng 70 tạ, với giá bán bình quân hơn 7.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Riêng 2ha sắn, mỗi năm gia đình tôi cũng có nguồn thu trên 40 triệu đồng. Đồng thời, mỗi năm nhà tôi còn canh tác 2ha lúa, vừa chủ động được nguồn lương thực cho gia đình, vừa tăng thêm thu nhập và có rơm rạ dự trữ chăn nuôi. Bên cạnh trồng trọt, sản xuất, gia đình ông còn tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp để nuôi bò. Hiện ông nuôi 2 con bò cái sinh sản, mỗi năm đẻ được 2 bê con, mang về nguồn thu khoảng 30 triệu đồng/năm.
Bình quân, mỗi năm từ trồng trọt và chăn nuôi, gia đình ông có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng. Kể từ khi có thêm diện tích canh tác, nhu cầu về công lao động ngày càng tăng cao, trong khi đó việc thuê công khó khăn vì nguồn lao động tại địa phương thiếu. Có những mùa phải vào vụ rất trễ vì không tìm ra công, lại không thuê được máy. Từ đó, ông Vân bắt đầu tìm hiểu về các thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi xem rất nhiều chương trình giới thiệu về máy làm đất đa năng, ông thấy đây là một thiết bị hữu ích cho việc canh tác của gia đình. Tuy nhiên, giá thành mỗi chiếc máy này của các hãng có uy tín lên đến hàng chục triệu đồng. Do đó, sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu, ông thấy cơ chế hoạt động của máy cũng khá đơn giản nên mày mò mua thiết bị về tự chế.
Ông Vân chia sẻ: “Động cơ để máy hoạt động tôi sử dụng động cơ của xe máy Honda, còn các thiết bị như tay cầm lái, lưỡi cày, lưỡi xới, bình nhiên liệu… đều là những đồ mua từ hàng phế liệu gần nhà. Sau nhiều tháng mày mò chế tạo, tôi đã hoàn thiện được sản phẩm máy làm đất đa năng với chi phí chỉ khoảng 3 triệu đồng”. Máy làm đất của ông có kích thước khá nhỏ gọn. Phần dưới là 1 bánh lồng để lắp ráp các lưỡi cày, phần trên là bộ phận động cơ máy nổ và bình xăng tự chế. Máy có nhiều bộ lưỡi cày như: cày lật đất, băm nhỏ, đảo đất, đánh rãnh, xới cỏ... Toàn bộ máy chỉ nặng 25kg nên khi vận hành không mất nhiều sức và tiết kiệm nhiên liệu.
Theo ông Vân, từ khi có chiếc máy này, tất cả công việc sản xuất của gia đình ông trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Nếu như lúc trước để làm cỏ cho mỗi hécta phải mất 20 ngày và tốn khoảng 7 triệu đồng tiền thuê công, nay ông sử dụng máy này có thể làm sạch cỏ cho 1ha trong vòng 2 ngày chỉ với 2 công lao động và 8 lít xăng, tổng chi phí chỉ khoảng 600.000 đồng. Tận dụng hiệu quả của máy làm đất, ông Vân còn làm dịch vụ cày thuê cho người dân quanh vùng với chi phí khá “hữu nghị” 50.000 đồng/sào (500m2).
Ông Vân cho rằng: Với chiếc máy làm đất đa năng này, việc đồng áng của bà con nông dân sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn, đỡ tốn công sức đồng thời vẫn cho ra kết quả tốt. Nhờ vậy, người nông dân có thể giảm thiểu chi phí nhân công cũng như nâng cao năng suất cây trồng.
Tác giả bài viết: Thùy Trang– LHH Phú Yên