Phú Yên: cần xây dựng phương án thi công hợp lý hơn cho dự án Hồ Suối Cái
Đó là quan điểm của nhiều nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Phú yên phản biện Dự án Hồ Suối Cái tại Hội nghị Đối thoại trực tiếp giữa Ban Quản lý Các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị chủ đầu tư với các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương cùng người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án Hồ Suối Cái được tổ chức sáng 25/3 tại Ủy ban nhân dân xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa có diện tích đất nông nghiệp và đất có khả năng canh tác nông nghiệp khoảng 900ha. Do không chủ động nguồn nước tưới nên sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh, mất mùa thường xuyên do khô hạn, năng suất cây trồng thấp, hiệu quả kinh tế không cao dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước yêu cầu cấp thiết trong nhiều năm của địa phương, tháng 7/2021, Bộ NN&PTNN phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hồ Suối Cái xã Hòa Hội với tổng mức đầu tư 450 tỷ.Nguồn vốn thực hiện dự án là ngân sách trung ương do Bộ NN&PTNN quản lý.
Theo Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Qui mô đầu tư xây dựng hồ chứa nước Suối Cái có dung tích toàn bộ khoảng 8,85 triệu m3 bao gồm các hạng mục: đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ. Hệ thống dẫn nước tưới bằng đường ống gồm: ống chính dài 6,6km, các ống nhánh cấp 1, cấp 2 dài khoảng 18,6km. Đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 850ha đất nông nghiệp (600ha màu, 250ha mía), và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người. Thời gian thực hiện dự án 04 năm kể từ năm khởi công. Đến thời điểm hiện nay, đã thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đội ngũ trí thức Phú Yên tham gia khảo sát thực địa tại xã Hòa Hội, huyện Phú hòa, tỉnh Phú Yên, nơi triển khai thực hiện Dự án
Đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị đối thoại với người dân ở hai xã Hòa Hội và Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Cung cấp thông tin để người dân biết nhu cầu diện tích đất của dự án, phương án giải phóng mặt bằng, phương án đền bù, quá trình triển khai thi công các hạng mục công trình; trao đổi, tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án và nhân dân được hưởng lợi từ dự án Hồ Suối Cái.
Phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhiều trí thức trong Tỉnh đã tham gia hội nghị đối thoại, trực tiếp đóng góp ý kiến phản biện, nhận xét: Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện dự án thủy lợi Hồ Suối Cái được chuẩn bị công phu, mang tính chuyên môn cao. Báo cáo đã bám sát các căn cứ pháp lý quan trọng của nhà nước, của bộ, của tỉnh về quy hoạch và kế hoạch đầu tư, xây dựng nhằm đạt được mục tiêu dự án đề ra là: Xây dựng hồ chứa điều tiết nguồn nước đến để sử dụng đa mục tiêu gồm: Cấp nước tưới chủ động cho diện tích đất nông nghiệp canh tác đang thiếu nước (đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 850ha đất nông nghiệp gồm: 600ha màu và 250ha mía), tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực hạ du (khoảng 10.000 người). Ngoài hiệu quả về kinh tế, dự án còn có hiệu quả về mặt xã hội và các lĩnh vực khác như: Tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ địa phương. Nâng cao thu nhập của nhân dân trong vùng hưởng lợi của dự án. Cải thiện môi trường sống của người dân trong vùng, cung cấp nước sạch, cải thiện chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hồ Suối Cái sức chứa với dung tích gần10 triệu m3 tận dụng hiệu quả nguồn nước đến của Suối Cái, điều tiết tốt hơn dòng chảy, giảm lũ, cung cấp nước trong mùa kiệt và đảm bảo dòng chảy môi trường.Tạo cảnh quan du lịch và góp phần cải thiện tiểu khí hậu của vùng dự án. Những tác động tích cực từ xây dựng Hồ Suối Cái không chỉ trong ngắn hạn và thuần túy việc phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn bảo đảm tính chiến lược của dự án này cả về kinh tế, xã hội và an ninh nguồn nước trong tương lai của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án và nhân dân được hưởng lợi từ dự án.
Bên cạnh kết quả đạt được, các ý kiến phản biện cũng chỉ ra những nội dung cần làm rõ. Theo ông Nguyễn Văn Minh - Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở NN& PTNT cần có các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường có khả thi và mang tính thực tiễn đối với địa phương nơi thực hiện dự án. Việc khai thác, quản lý vận hành công trình phải tuân thủ Luật Thủy lợi, các Nghị định, thông tư quy định hướng dẫn về Luật Thủy lợi và các quy định có liên quan của Bộ NN&PTNT. Hàng năm, vào đầu mùa mưa lũ ở vùng này cần theo dõi dự báo dài hạn, ngắn hạn của đài khí tượng thủy văn khu vực để lập kế hoạch phòng chống bão lụt và vận hành tràn xả lũ trong mùa mưa lũ. Tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa trước và sau mùa lũ nhằm duy trì năng lực công trình, đảm bảo sử dụng được lâu dài và an toàn. Cần kiên quyết thực hiện việc bảo vệ trồng và tái tạo rừng đầu nguồn trên lưu vực Hồ Sông Cái.
Ông Nguyễn Nghĩa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nêu ý kiến: Trong quá trình thi công dự án gây tác động xói mòn, rửa trôi đất, bồi lấp xuống đồng ruộng; nguy cơ gây ô nhiễm do nước thải sinh hoạt của công nhân, các sự cố tràn dầu, mỡ, chất thải sinh hoạt, bụi thi công, tiếng ồn, khí thải là khó tránh khỏi; An ninh trật tự, an toàn lao động trong khu vực việc thi công dự án cũng cần được quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn vận hành: làm thay đổi dòng chảy của suối, chuyển từ chế độ chảy tự nhiên theo mùa sang chế độ vận hành công trình; một đoạn suối phần hạ lưu công trình sẽ giảm lưu lượng dòng chảy thường xuyên về mùa khô; có thể gây ngập khi xã lũ vào mùa mưa nếu không vận hành tốt.
Vì vậy cần xây dựng phương án thi công hợp lý, Phương tiện thi công phải đạt chuẩn và đảm bảo việc phòng chống ô nhiễm môi trường: tiếng ồn, bụi, rơi vãi đất cát trong quá trình vận chuyển, dầu nhớt. Xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải của vật liệu thi công đúng quy định, thu gom về vị trí tập kết được xác định. Đảm bảo an ninh trật tự đối với lực lượng công nhân thi công công trình như đăng ký tạm trú, phòng chống các tệ nạn xã hội có thể xảy ra như: ma túy, bài bạc và các hành động gây mất trật tự, an ninh. Việc hỗ trợ, bồi thường tái định cư đối với vùng dự án phải đảm bảo công khai, chính xác, minh bạch đúng pháp luật đảm bảo cho người bị thu hồi đất được ổn định và an sinh khi phải chuyển đổi nghề.
Quang cảnh Hội nghị
Ông Lê Thanh Tú - Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT đề cập đến sử dụng các phương tiện máy móc sẽ phát sinh ra chất thải bao gồm khí thải, nước thải và chất thải rắn. Các chất thải này sẽ gây ra những tác động đối với môi trường như: gây mất cảnh quan khu vực, làm suy giảm chất lượng không khí, nguồn nước mặt, gây ra tiếng ồn, độ rung ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư khu vực dự án…
Đồng thời việc giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến việc công ăn việc làm, sản xuất của người dân trong khu vực dự án, có thể xảy ra tranh chấp nếu không được đền bù thỏa đáng. Trong quá trình thi công công trình có thể gây ra xói mòn, sạt lở và bồi lắng dòng chảy do đào đắp. Xói mòn đất bề mặt dẫn đến làm tăng độ đục của nước tại một số vị trí thi công trình vào mùa mưa; đất sau khi đào đắp dư thừa nếu không được đầm nén sẽ bị rửa trôi đưa xuống đồng ruộng, sông hồ. Sự cố lũ lụt trong quá trình thi công xảy ra khi lũ lụt xảy ra vượt quá mức độ tính toán dẫn dòng sẽ làm cuốn trôi khối lượng lớn đất đá, nguyên vật liệu về hạ lưu, gậy thiệt hại về người và tài sản. Phát sinh nước thải sinh hoạt của công nhân lao động trong thời gian thi công làm tăng nguy cơ ô nhiễm khu vực lân cận. Việc thi công công trình sẽ có những ảnh hưởng đến thảm thực vật và động vật trong khu vực nhưng không phá vỡ tính đa dạng sinh học trong quần thể. Lưu ý rủi ro an toàn đập do hồ chứa có dung tích lớn, khi vỡ đập có thể gây ra lũ lụt lớn cho hạ du, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân nếu hồ chứa thi công không đảm bảo chất lượng, bị phá hoại, không được quản lý tốt. Thay đổi vi khí hậu, gia tăng mực nước ngầm và độ ẩm đất khu vực xung quanh hồ. Gia tăng rủi ro đuối nước do hồ chứa có thể là nơi tắm giặt, vui chơi của người dân địa phương. Do đó nguy cơ đuối nước luôn tiềm ẩn nếu không có biện pháp ngăn ngừa thích hợp. Gia tăng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu do khi có hồ chứa sẽ tăng diện tích đất sản xuất làm tăng lượng phân bón và thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Hoài Sơn – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa họ và Kỹ thuật tỉnh, thành viên Hội đồng Tư vấn KT-VH-XH thuộc UBMTTQVN tỉnh lưu ý những tác động xã hội: Với diện tích gần 200ha các loại đất bị chiếm của công trình phải chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất, đền bù trong đó diện tích đất rừng và đất trồng cây hàng năm là 177.50ha, phần lớn diện tích này người dân đang canh tác làm kế mưu sinh, khi thu hồi đất và đền bù tiền một lần, người dân không còn đất canh tác phải tự chuyển đổi ngành nghề rất khó tránh khỏi tác động tiêu cực và những bất cập. Đối với các gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được đền bù về tài sản gắn với đất bị thu hồi, đền bù về hoa màu, cây lương thực, cây lâu năm…phù hợp chính sách đền bù hiện hành là đúng. Tuy nhiên giá cả thực tế lại biến động rất nhanh do tác động từ nhiều nguyên nhân và phù thuộc vào qui luật thị trường; do vậy để tránh những tác động tiêu cực giữa lợi ích cá nhân, hộ gia đình với lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng thì công tác thông tin minh bạch, công khai về chính sách đền bù cần chú trọng; mặt khác tăng cường tuyên truyền vận động, giải thích, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thu hồi, đền bù phải được quan tâm đặc biệt, giảm những tác động tiêu cực, tạo sự đồng thuận cao thực hiện dự án. Các hộ gia đình, cá nhân bị giảm diện tích canh tác nông lâm nghiệp gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ có đất nằm trong dự án phải thu hồi để thi công công trình, vấn đề hỗ trợ bồi thường tái định cư giải quyết chuyển đổi nghề (nếu có) để ổn định đời sống của nhân dân. Ảnh hưởng về văn hoá xã hội do việc tập trung đông công nhân ở khu vực xây dựng công trình nên thành phần dân cư sẽ phức tạp, có thể sẽ xảy ra các hoạt động tiêu cực cũng như các tệ nạn xã hội nếu không có biện pháp quản lý tốt. Quá trình thi công làm tăng mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường trong khu vực, gây nguy cơ hư hỏng, sụt lún mặt đường, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân cũng cần được quan tâm giải quyết kịp thời.
Hội nghị phản biện thông qua đối thoại trực tiếp với nhiều ý kiến tâm huyết, có cơ sở khoa học, có trách nhiệm của trí thức được nhân dân đánh giá cao. Đơn vị Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ ý kiến phản biện, nhằm tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự án một cách tốt nhất, đảm bảo công trình thủy lợi Hồ Suối Cái khi thi công và đưa vào sử dụng được an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực, góp phần phát triển địa phương.