Phú Thọ: Tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện “Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Ngày 16/6, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Th.s Hoàng Văn Tuyển – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ cùng, TS Trịnh Thế Truyền – TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư đồng chủ trì Hội thảo
Dự Hội thảo có một số trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia ở Trung ương: TS. Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên trợ lý Chủ tịch nước, nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng; PGS.TS. Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; GS.TS. Đỗ Năng Vịnh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam; TS. Phan Huy Thông - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; PGS.TS. Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh.v.v. cùng một số giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu xây dựng với quan điểm đây là một văn kiện rất lớn, vừa có tính chính trị, vừa có tính pháp lý cao để xác định hướng đi, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để nhanh chóng hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển của tỉnh theo yêu cầu mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao cho các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực chuẩn bị và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 09/04/2020 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng quy hoạch không chỉ là thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà còn để thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại hội nghị, PSG.TS Ngô Phúc Hạnh – Viện trưởng viện kinh tế và phát triển bền vững đại diện liên danh đơn vị tư vấn đã trình bày các nội dung chính của Quy hoạch gồm: Khái quát thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn của tỉnh giai đoạn 2011-2020; những tồn tại, hạn chế cần giải quyết, phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội thách thức; quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, các đột phá và nhiệm vụ trọng tâm phát triển thời kỳ 2021-2030; phương án phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng, tổ chức không gian kinh tế; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng về phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Lập quy hoạch trên nguyên tắc đảm bảo tính ổn định liên tục, kế thừa, khả thi, phù hợp với khả năng thực tế và khả năng huy động nguồn lực trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các phương án, định hướng phát triển đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Phú Thọ, phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong, ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên trợ lý Chủ tịch nước,nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng phát biểu ý kiến tại hội thảo
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết, chất lượng và có tính lý luận, thực tiễn cao với các nội dung: Báo cáo Quy hoạch khá toàn diện, đã tích hợp đồng bộ của các quy hoạch, phương án phát triển của từng ngành, lĩnh vực đảm tính liên kết với các Chiến lược và Quy hoạch phát triển cấp Quốc gia và cấp Vùng đồng thời đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng trong định hướng phát triển sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động KT – XH. Tuy nhiên cần nhấn mạnh hơn nguy cơ tụt hậu của Phú Thọ so với tiềm năng lợi thế và so sánh với các tỉnh khu vực Trung du như Hòa Bình, Thái Nguyên và Bắc Giang; các yếu tố của vùng, quốc gia và quốc tế tác động với tỉnh; Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực quan trọng cần bổ sung nội dung về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhâp cho chuỗi giá trị nông sản và phát triển nông thôn mới văn minh, hiện đại; trong phương hướng phát triển ngành cần nhấn mạnh xây dựng Phú Thọ thành Trung tâm chế biến nông lâm sản chất lượng cao của Vùng Tây Bắc; Bên cạnh phát triển kinh tế cần coi trọng phát huy văn hóa truyền thống, bản sắc của tỉnh trong các công trình kiến trúc; vấn đề an sinh xã hội, đời sống người dân và bảo vệ môi trường phải được nâng cao; Mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra cần sát thực trên cơ sở đề xuất các ngành, lĩnh vực, lợi thế của tỉnh, từ đó có giải pháp phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực; Quy hoạch tỉnh cần đưa ra các giải pháp và định hướng phát triển xuyên suốt 3 trụ cột chính: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tối ưu hóa quy hoạch sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, thu hút mạnh mẽ đầu tư, sử dụng nguồn vốn một cách chiến lược và hợp lý; danh mục các dự án ưu tiên và ưu tiên thực hiện cần được cụ thể hóa, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; giải pháp đưa ra cần trên cơ sở dự báo về nguồn vốn, đất đai, nhân lực cho thực hiện Quy hoạch.v.v.
TS Nguyễn Ngọc Hải – Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại hội thảo
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học sẽ được ban tổ chức Hội thảo tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và gửi đến cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Quy hoạch, các cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, góp phần xây dựng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo yêu cầu đặt ra.