Phú Thọ: Đánh giá tác động của các chính sách phát triển chè giai đoạn 2010 – 2020
Ngày 26/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo Đánh giá tác động của các chính sách phát triển chè giai đoạn 2010 – 2020, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021 – 2025.
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Khoa học nông nghiệp miền núi phía Bắc; Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè;một số trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia ở trung ương và trong tỉnh; Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật;Đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề chè trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Liên hiệp hội Phú Thọ Hoàng Văn Tuyển chủ trì Hội thảo
Đề tài “Đánh giá tác động của các chính sách phát triển Chè của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021 – 2025”được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12/2021. Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quy hoạch phát triển sản xuất chè tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, huy động, lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung đẩy mạnh phát triển chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Nhờ có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, đến nay tổng diện tích chè của tỉnh Phú Thọ đạt trên 15.700 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 181,8 nghìn tấn, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 118,9 tạ/ha, cao hơn 1,2 lần so với năng suất trung bình cả nước (87,2 tạ/ha). Phú Thọ nhanh chóng vươn lên đứng thứ 4 về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè toàn quốc. Tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 77,6% , trong đó, cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Ðây là loại cây trồng ổn định, đem lại thu nhập bình quân từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, tại Phú Thọ bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Ðoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.
Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc Lưu Ngọc Quyến phát biểu tại Hội thảo
Tuy nhiên, Phát triển Chè và các sản phẩm chè Phú Thọ chưa giải quyết được vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và xây dựng, phát triển thương hiệu; cây chè mới giải quyết được vấn đề sản lượng, năng suất, công ăn, việc làm, gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của cây chè còn thấp. Vùng nguyên liệu, gắn với các giống chè chất lượng cao để phục vụ sản xuất chè xanh và một số sản phẩm chè mới làm chưa được nhiều. Một số làng nghề, hợp tác xã, cơ sở chế biến vẫn duy trì theo phương thức sản xuất, chế biến và kinh doanh cũ đó là sản xuất, chế biến ra nguyên liệu thô và bán sản phẩm thô cho thương lái với giá trị thấp.v.v.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những tác động tích cực, tính hiệu quả của các chính sách về phát triển chètrên địa bàn tỉnh về các mặt xây dựng, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tổ chức quản lý và hiệu quả thực tế; xác định các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện; đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển chè gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, xem xét triển khai tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển chè một cách đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, hạn chế tối đa những tồn tại, bất cập và nâng cao hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển chè gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng chè trong giai đoạn 2021 – 2025.
Khổng Mạnh Tiến PCT Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Phú Thọ