Phú Thọ: Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp
Ngày 09/8/2024, Liên Hiệp Hội tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. ThS. Khổng Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội tỉnh Phú Thọ; TS. Trần Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đồng chủ trì hội thảo.
Đại biểu Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì chia sẻ về kinh nghiệm và giải pháp xây dựng Đại học số
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở ngành: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Hùng Vương, VNPT Phú Thọ, Viettel Phú Thọ. Lãnh đạo, trưởng các phòng ban thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Lãnh đạo và trưởng các phòng, khoa, trung tâm thuộc Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Đại diện lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học ở trong tỉnh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là động lực lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, là một trụ cột để phát triển nhanh và bền vững, là khâu đột phá góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, bắt buộc, là vấn đề sống còn và không thể đảo ngược đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người" như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ; chuyển đổi số đã và đang đi vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, làm thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 02 trường Đại học lớn đóng trên địa bàn và 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 08 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Hằng năm, số lượng tuyển sinh học các cấp trình độ trong giáo dục chuyên nghiệp, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 40 nghìn người; chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của thị trường lao động ở trong và ngoài tỉnh. Có thể khẳng định kết quả đạt được trong chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục chuyên nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh, hiệu quả đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học, tăng cường chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quản lý, điều hành của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Việc ứng dụng chuyển đổi số đã và đang tạo ra một số mô hình giáo dục thông minh, giúp việc học, tiếp nhận kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng. Sự phát triển của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian...Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức từ vấn đề thay đổi tư duy, nhận thức, đến đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng hạ tầng kỹ thuật - công nghệ, nguồn nhân lực gắn với các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số...
Tại Hội thảo, sau phát biểu đề dẫn, khai mạc Hội thảo của đồng chí Hồ Đình Lưỡng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, tư vấn về: Thực trạng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số; nhận định những cơ hội, tiềm năng thực hiện chuyển đổi số; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số tại một số trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua và kinh nghiệm, công nghệ mới của một số đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số; đề xuất giải pháp có tính then chốt, đột phá để thực hiện chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tổng kết tại Hội thảo, ThS. Khổng Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đánh giá rất cao các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề hội thảo; đảm bảo đúng định hướng, có trọng tâm, có chất lượng tốt, góp phần quan trọng vào thành công của hội thảo; đồng thời đã kết luận thống nhất các nội dung tư vấn, trao đổi tại Hội thảo và giao Tổ Thư ký Hội thảo tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng báo cáo đóng góp ý kiến chung của 2 cơ quan đồng chủ trì hội thảo gửi đến các bộ ngành liên quan và các cấp có thẩm quyền của tỉnh Phú Thọ xem xét, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới.