Phong - chàng thủ lĩnh mê sáng tạo
Bước ngoặt chuyển nghề
25 tuổi, bí thư Đoàn cơ sở, quản đốc phân xưởng cơ điện Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang, Lê Hoài Phong là một gương mặt xuất sắc, ấn tượng trong lễ tuyên dương thanh niên điển hình tiên tiến do Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức vào trung tuần tháng 5/2005.
Giữa phân xưởng ngổn ngang máy móc, anh chàng khá kiệm lời khi nói về mình: “Tôi là con nhà nông, ở quê lúa Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang); tốt nghiệp THPT không có điều kiện theo học đại học nên theo người chú ra thị xã, thi vào Trường Kinh tế kỹ thuật của tỉnh”.
Ra trường, Phong được nhận vào một công ty kinh doanh thủy sản của tỉnh. Nhưng xem ra chuyện kinh doanh không phù hợp với sở trường nên năm 2000, chàng lụi cụi đầu quân cho Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang....
Ở môi trường mới, Phong được bố trí công tác ở bộ phận kỹ thuật của công ty. Đúng sở trường, có dịp tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài (dây chuyền máy móc của công ty do Ý chế tạo), anh chàng cứ như chim sổ lồng, mỗi ngày mỗi chứng tỏ kiến thức, khả năng tay nghề của mình: tiếp thu và vận hành nhanh, thuần thục dây chuyền máy móc mà các chuyên gia chuyển giao. Lãnh đạo chú ý, tạo điều kiện.
Thế là chàng công nhân trẻ vùi đầu với đam mê đầu tiên: cải tiến van đầu rót sản phẩm dứa cô đặc. Phong nhớ lại: đầu năm 2004, vài tháng sau khi nhóm chuyên gia Ý về nước, dây chuyền sản xuất bị trục trặc. Cả công ty đứng ngồi không yên khi loại thiết bị này không có trên thị trường trong nước.
Theo Lê Hoàng Nam - Bí thư Thị đoàn Rạch Giá (Kiên Giang), Lê Hoài Phong không chỉ mê sáng tạo mà còn là một thủ lĩnh thanh niên xuất sắc. Đoàn cơ sở Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang là một trong số Đoàn cơ sở mạnh nhất trong khối doanh nghiệp nhà nước ở thị xã; tham gia hỗ trợ cả cho chi đoàn khu phố nơi công ty đứng chân hoạt động khởi sắc. |
Phong và bạn bè trong bộ phận kỹ thuật lao vào nghiên cứu. Không đầy một tuần lễ sau, cả công ty nhẹ nhõm khi các bạn thông báo: đã có giải pháp khắc phục bằng cách sử dụng van có hai mặt kim loại tiếp xúc với nhau được chế tạo trong nước. Không những thế Phong còn cải tạo luôn cả hệ thống rút chân không của khoang rót, chấm dứt tình trạng nhiễm khuẩn sản phẩm.
Sáng tạo từ thực tế
Từ thắng lợi đầu tay ấy, Phong tiếp tục mày mò nghiên cứu hóa giải thành công “căn bệnh” trục trặc hộp số ma sát băng tải chuyền dứa lâu nay. Cách nào? Cải tiến, thay thế hộp số ma sát phải nhập ngoại bằng một bộ thiết bị truyền động buli đơn giản chế tạo tại địa phương chỉ tốn 200.000 đồng (nhập từ nước ngoài có giá trên 10 triệu đồng).
Rồi anh cùng bộ phận kỹ thuật nghiên cứu, sửa chữa thành công máy ly tâm phân tán - một thiết bị dùng để lọc nước dứa hoạt động với độ chính xác rất cao, tốc độ lớn (5.200 vòng/phút), lưu lượng lọc 7.000 lít/giờ mà trước đây hễ bị trục trặc là công ty phải mời chuyên gia nước ngoài sang rất tốn kém.
Đặc biệt, sau khi sửa chữa máy, nhóm cán bộ kỹ thuật còn điều chỉnh được hàm lượng thịt quả đạt mức 6% theo yêu cầu của khách hàng mà không hề có chấm đen (chuyên gia chuyển giao chỉ điều chỉnh được khoảng 3%).
Mới đây, ngay trong tháng Thanh niên (3/2005), Phong lại cùng nhóm thợ trẻ công ty chế tạo thành công máy xé bông cùi dứa. Cái máy mà theo giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang Đoàn Trọng Tiến, “đơn giản, thiết bị mua tại địa phương chỉ tốn trên 5 triệu đồng”.
Cụ thể hơn, ông Tiến cho biết: Mỗi ngày lượng bông cùi dứa mà công ty thải ra khoảng 30-40 tấn. Trước đây để giải quyết, công ty đã dùng xe ben vận chuyển về bãi rác thị xã Rạch Giá (cách công ty hơn 6km). Do cấu tạo tự nhiên của bông dứa, đổ lên xe chiếm nhiều diện tích không gian (chỉ chở được 3 tấn trong khi tải trọng xe 13 tấn). Qua máy xé bông cùi dứa, mỗi xe đã có thể “gồng” được hơn 7 tấn.
Trừ chi phí xăng dầu, mỗi năm sản phẩm này tiết kiệm cho công ty trên 80 triệu đồng. Không những thế, bông cùi dứa sau khi xé nhỏ có thể bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc hoặc sản xuất phân bón vi sinh, hạn chế chuyện ô nhiễm môi trường lâu nay...www.dantri.com.vn