Phó giáo sư tuổi 8x tâm sự về công trình bản đồ gen người Việt
Dưới đây là cuộc trò chuyện với Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh, trưởng nhóm nghiên cứu.
-Anh có thể cho biết những điểm mới trong đề tài nghiên cứu của anh và các cộng sự so với các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế trước đó?
Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh: Công trình nghiên cứu hệ gen 3 người trong một gia đình là bước mở rộng của công trình nghiên cứu hệ gen một người của nhóm trong thời gian vừa qua. Năm 2013, chúng tôi cũng nghiên cứu phân tích và xây dựng thành công hệ gen của một cá thể người Việt.
Quan trọng là kết quả nghiên cứu này đã được phản biện quốc tế và đăng tải trên tạp chí quốc tế có uy tín (tạp chí Journal of Biosciences số tháng 3/2015, được xuất bản bởi “Indian Academy of Science” và Nhà xuất bản Springer), qua đó chứng tỏ độ tin cậy, ý nghĩa đóng góp về mặt khoa học của nghiên cứu đối với cộng đồng Việt Nam và thế giới. Nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều điểm khác biệt mới trong hệ gen của 3 cá thể người Việt này khi so sánh với các hệ gen người đã được công bố trước đó.
-Được biết anh và các cộng sự đã thực hiện đề tài trong nhiều năm. Quá trình nghiên cứu có gặp nhiều khó khăn và nhóm đã khắc phục như thế nào?
Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh: Nghiên cứu hệ gen là mong muốn của tất cả các quốc gia trên thế giới do vai trò và ảnh hưởng của nó đối với nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là nhân chủng học, y-sinh-dược học.
Chúng tôi đã tiến hành chuẩn bị và nghiên cứu trong suốt 3 năm vừa qua. Được sự đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ, với sự kết hợp của các chuyên gia hàng đầu tại Đại học Oxford, Vương Quốc Anh chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu một cách bài bản.
Xây dựng và phân tích hệ gen người là một bài toán lớn và phức tạp, với nhiều công đoạn khác nhau, yêu cầu một kiến thức tổng hợp từ công nghệ sinh học phân tử đến công nghệ thông tin, đặc biệt là xử lý dữ liệu lớn. Vì thế, chúng tôi phải đối mặt với thách thức là xây dựng một quy trình đầy đủ để có thể xây dựng và phân tích hệ gen của một người, sau đó mở rộng ra nhiều người; từ thu thập dữ liệu cho đến phân tích dữ liệu để hiểu cũng như tìm ra các tri thức mới.
Việc xây dựng một quy trình hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện Việt Nam là bài toán khó nhất. Đơn cử, có những phần mềm phải chạy trên máy tính cấu hình cao, vậy chúng ta phải chia tách dữ liệu thế nào để xử lý được trên hệ thống máy tính thực tế ở Việt Nam.
-Ba năm trăn trở, cảm xúc của anh thế nào khi kết quả nghiên cứu đã đạt nhiều bước tiến lớn như hôm nay?
Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh: Khi nghiên cứu thành công, đương nhiên là chúng tôi rất vui, rất hạnh phúc vì những nỗ lực đã mang lại kết quả. Nhưng cảm xúc nhớ mãi lại là những ngày đầu tiên khi thu nhận được dữ liệu để tiến hành phân tích, cả nhóm nghiên cứu gần như là liên tục suốt ngày để thực hiện phân tích dữ liệu, kể cả ngày tết chúng tôi cũng làm việc qua mạng. Phòng thí nghiệm luôn sáng đèn, đồ ăn luôn đầy đủ tại phòng để mọi người có thể tiết kiệm thời gian và tập trung cao độ vào công việc.
Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
- Với kết quả đã đạt được, anh có dự định gì cho việc sử dụng, ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã có và hướng phát triển hơn nữa cho đề tài của mình như thế nào?
Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh: Nghiên cứu hệ gen có rất nhiều ý nghĩa trong thực tế, đặc biệt là trong y-sinh-dược học. Các nghiên cứu và phân tích hệ gen để phục vụ cho mục đích chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh đang là một xu hướng trên thế giới.
Các thay đổi trên hệ gen là nguy cơ dẫn đến hàng ngàn loại bệnh khác nhau trong cuộc đời của mỗi con người. Phát hiện và chẩn đoán sớm các bệnh sẽ giúp chúng ta có phương pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh một cách hiệu quả.
Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch hợp tác với các bệnh viện tại Việt Nam để phát triển ứng dụng, xây dựng hệ thống phân tích và chẩn đoán bệnh dựa vào phân tích hệ gen. Đây là một hướng phát triển tiềm năng và có ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần.
Nếu có sự đầu tư từ nhà nước, chúng tôi rất muốn tiến hành các nghiên cứu liên quan đến nguồn ngốc và mối quan hệ của người Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn triển khai việc xây dựng hệ thống và quy trình chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh bằng phân tích hệ gen để có thể đưa vào phục vụ thực tế cho cộng đồng.
Phó giáo sư Lê Sỹ Vinh sinh năm 1980, tại Hà Đông, Hà Nội. |