Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/10/2005 14:30 (GMT+7)

Phía sau vòng nguyệt quế của nhà vô địch: Cổ tích Olympia từ... mái nhà tranh

Dù đã là học sinh lớp 12 nhưng trông Hoàng rất nhỏ con.

Ba Hoàng tên là Lê Công Túc, dù chưa được một ngày sung túc. Trước năm 1998, ông và bà Phan Thị Hoa, mẹ Hoàng, đều là công nhân ở Đồng Hới (Quảng Bình). Do việc làm quá khó khăn nên năm 1999 cả hai phải xin nghỉ về quê. Đất đai ở quê không có để làm nhà, cả nhà xin ở nhờ trong khu tập thể của cơ quan ngoại thương huyện Bố Trạch.

Năm 2002, khu tập thể bị giải tỏa, bà Hoa đành xin bà ngoại Hoàng về ở nhờ. Chắt chiu mãi từng đồng, ông Túc, bà Hoa mới làm thêm được căn nhà tranh tre cạnh nhà bà ngoại. Trong căn nhà ấy, vật có giá trị nhất là chiếc tivi nội địa đen trắng.

Nhận tin chiến thắng của con từ bệnh viện:

“Cô chẳng có gì cho Hoàng ngoài niềm tin”

Hoàng tâm sự sau trận đấu: “Em cảm ơn mẹ nhiều lắm. Chính mẹ đã cho em niềm tin chiến thắng”.

Cô Phan Thị Hoa, mẹ Hoàng, biết tin chiến thắng của con khi vẫn còn trong bệnh viện. Người mẹ này đã truyền cho con trai một nghị lực: “Cô rất tin Hoàng, bố mẹ không được học đến nơi nên bằng mọi cách phải cho con đi học. Cô chẳng có gì cho Hoàng ngoài niềm tin”. Sau ca mổ u não cách đây 20 ngày, mẹ Hoàng đã khá lên nhiều tuy vẫn còn liệt nhẹ nửa người bên trái. Người mẹ giọng còn yếu ớt nói thêm: “Ước mơ của cô là cho cháu đi du học thành tài rồi về xây dựng quê hương”. 

N.BÌNH

Năm 2000, ông Túc xin được làm bảo vệ cho cơ quan Huyện ủy Bố Trạch. Với đồng lương 450.000 đồng/tháng ông phải chi ăn hằng ngày và cho bao nhiêu việc khác. Cậu ruột Hoàng kể: “Nhiều ngày cả nhà chỉ dám bỏ ra 5.000 đồng để mua thức ăn”.

Gần đây, mẹ Hoàng lại đau ốm liên tục vì căn bệnh u não. Tất cả tiền đều gom góp dành chữa bệnh cho mẹ. Hoàng vừa đi học vừa kiếm tiền phụ với ba lo cho gia đình. Hai sào (1.000m2) ruộng lúa của bà ngoại thành nguồn lương thực chính của cả nhà. Từ năm học lớp 4 đến giờ, Hoàng đã biết làm ruộng, rồi tranh thủ đi câu cá ngoài ruộng, ao hồ.

Được cá, Hoàng nhờ mẹ bán, khi mẹ bệnh thì Hoàng đi thẳng về chợ thị trấn Hoàn Lão bán, tiền thu được một phần lo tiền trường, còn lại đưa cho ba mẹ. Đi học ở trường về là Hoàng quần quật với ruộng vườn, nuôi gà, heo cả ngày nên phần lớn thời gian học tập ở nhà của Hoàng đều vào ban đêm. Hiếm khi Hoàng được ngủ trước 23g. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà ngoại Hoàng giàn giụa nước mắt, chỉ nói được mấy tiếng: “Thương hắn lắm!”.

Thế nhưng nỗi cơ cực ấy không ngăn được lòng say mê đọc sách của cậu bé. Từ nhỏ, Hoàng là một học sinh rất chăm chỉ, say mê đọc sách. Có hôm Hoàng đọc sách mà quên cả bán hàng, có người vào lấy mất đồ mà không biết. Đến cả tủ sách của nhà một người bạn, Hoàng đọc và còn biết rõ hơn cả người ấy.

Vậy mà chẳng bao giờ Hoàng có cuốn sách giáo khoa mới để học, thường phải xin từ anh chị học khóa trước. Ngay từ nhỏ Hoàng đã biết tự đặt câu hỏi cho mọi người và luôn tìm ra câu trả lời rõ nhất. 11 năm qua Hoàng luôn là học sinh giỏi, là lớp trưởng gương mẫu và là người bạn đáng mến của trường.

Ngày Hoàng ra Hà Nội thi tuần thì mẹ bị bệnh. Ngày Hoàng bước vào thi quí mẹ bị nặng hơn vì hai khối u trong não bọc nhau, phải vào Bệnh viện Huế chờ mổ. Trước khi ra Hà Nội thi năm, Hoàng yên tâm hơn vì mẹ được Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới và giáo sư, chuyên gia y tế Cuba là Esteban Roig Fabréy nhận giúp đỡ, mổ ca này.

Sáng 2/10/2005, sân Trường THPT số 1 Bố Trạch có rất đông bạn bè, thầy cô giáo đến động viên Hoàng qua màn hình trực tiếp của Đài truyền hình Việt Nam tại sân trường, nối với trường quay S9 ở Hà Nội. Người dân vùng quê nghèo khó nhưng hiếu học này chỉ một ước mong: Hoàng lên được đỉnh Olympia . Có như thế Hoàng mới có điều kiện theo học lên nữa.

Khi cuộc thi vào vòng về đích, Hoàng có 130 điểm, bằng với bạn Đức ở bàn số bốn. Sân trường với gần 1.000 cổ động viên của Hoàng gần như im lìm vì lo lắng. Vào cuộc thi ở vị trí số 1, Hoàng chọn câu hỏi 20 điểm và cũng rất bất ngờ quyết định chọn luôn ngôi sao hi vọng nhằm tăng gấp đôi số điểm. Cả sân trường vỡ tung tiếng hò reo khi người dẫn chương trình báo Hoàng trả lời đúng câu hỏi.

Nhìn căn nhà nền đất lụp xụp, nhiều người tự hỏi không biết cậu bé ấy lấy đâu ra ngần ấy kiến thức để “xung trận” với những anh tài từ các thành phố lớn. Còn Hoàng, nỗ lực cuối cùng đơn giản chỉ là “để mẹ vui hơn và để trang trải thêm tiền phẫu thuật cho mẹ”.

Và ngày 2-10-2005, Lê Vũ Hoàng đã leo tới đỉnh Olympia từ ngôi nhà tranh và những tháng ngày gian khó. Trên sân Trường THPT số 1 Bố Trạch, chúng tôi đã chứng kiến phút giây yên lặng của ông Lê Công Túc khi Hoàng đội vòng nguyệt quế lên đầu.

Giờ đây ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin ngành viễn thông của cậu bé rất thích vẽ này gần hơn bao giờ hết. Suất học bổng trị giá 35.000 USD và ước vọng của người mẹ nghèo sẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích “ Olympia từ mái nhà tranh”.    

Nguồn: www.tuoitre.com.vn ngày 3/10/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.