Phát triển giống rau, hoa Việt Nam
Từ năm 1969 - 1980, TS Vọng học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản. Khi di cư sang Úc, ông tiếp tục nghiên cứu về rau quả, cà chua và trà. Năm 2007, khi đang làm việc tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc) và giảng dạy ở Đại học RMIT cùng một số trường đại học khác, TS Vọng về nước theo lời mời của lãnh đạo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, với mục đích xây dựng một trung tâm xuất sắc (Centre of Excellence) theo mô hình của Úc. Đây là mô hình nghiên cứu và phát triển nông sản theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, trung tâm đã không ra đời.
Không coi mình là Việt Kiều TS Nguyễn Quốc Vọng tâm sự: “Sau 8 năm về Việt Nam, đến thời điểm này tôi không còn coi mình là Việt kiều nữa vì chỉ có suy nghĩ như người Việt Nam thì mới có thể làm việc được. Chủ trương của tôi là không đầu tư mà muốn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam. Trong nông nghiệp, đó là việc nghiên cứu xây dựng và phát triển theo chuỗi giá trị”. |
Thời gian đầu về nước, TS Vọng làm một số dự án và xây dựng quy trình sản xuất VietGAP cho Bộ NN-PTNT, đồng thời giảng dạy tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội. “Năm 2010, mình chọn Công ty CP giống cây trồng miền Nam vì nó là công ty có nghiên cứu về giống trong khi nhiều công ty chỉ đơn thuần là kinh doanh - nhập giống của nước ngoài về bán”, ông tâm sự. Hiện TS Vọng là thành viên HĐQT, Giám đốc Trung tâm giống rau hoa - SSC của công ty.
Theo TS Vọng, việc phải phụ thuộc vào giống rau của nước ngoài đến 80% là không ổn. Việt Nam cần chủ động được ít nhất 50% về giống, bởi việc phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài rất nguy hiểm, không loại trừ họ sẽ đẩy giá lên rất cao.
Sau khoảng 5 năm đi sâu nghiên cứu phát triển giống rau nội địa, đến tháng 9.2014, Trung tâm SSC đã cung cấp cho thị trường 18 trong tổng số 36 bộ giống rau. “Chúng tôi có thể phát triển nhanh các bộ giống của riêng mình nhờ áp dụng phương pháp cấy mô ở kỹ thuật cao là cấy thụ phấn và cấy noãn. Việc này rút ngắn thời gian lai tạo giống khoảng 5 năm so với phương pháp lai tạo bằng cách chọn lọc tự nhiên”, TS Vọng nói và cho biết đang dồn sức cho việc lập chi nhánh của SSC ở Lâm Đồng để xây dựng bộ giống rau ôn đới cho Việt Nam.
Cũng theo TS Vọng, ông đang nghiên cứu phát triển một bộ giống rau có dược tính cao vì “phát triển một bộ giống rau như vậy là phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới trong tương lai gần”. “Ví dụ như trái khổ qua có dược tính là chống tiểu đường, ung thư (tụy, vú), nhưng khổ qua có nhiều giống khác nhau, nhà khoa học cần chọn ra những giống có dược tính cao để phát triển”, TS Vọng nói.