Phát huy vai trò hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) của Liên hiệp Hội Việt Nam và các đơn vị thành viên, trong đó có các Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, đó là phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng tại Hội thảo trực tiếp và trực tuyến Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh/thành phố năm 2021, ngày 30/11, tại Hà Nội.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc tại hội thảo
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết thêm, trong thời gian qua, công tác TVPB&GĐXH được Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên luôn được chú trọng, đẩy mạnh, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Kết quả TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao.
Trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội nước ta, tuy nhiên hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn được triển khai tương đối toàn diện. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức góp ý vào các đề án quy hoạch: “Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải. Các buổi hội thảo luôn có sự tham dự và tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho hay.
Bà Bùi Kim Tuyến – Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam
Báo cáo kết quả TVPB&GĐXH năm 2021, bà Bùi Kim Tuyến – Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng theo báo cáo của các Liên hiệp hội địa phương, có thể thấy, trong năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã triển khai rất nhiều hoạt động TVPB&GĐXH. Nhiều địa phương, cấp ủy và chính quyền đã giao Liên hiệp Hội địa phương nhiệm vụ TVPB&GĐXH trên trên cơ sở đề nghị của Liên hiệp Hội. Cũng vì vậy các tổ chức cũng như các cán bộ thực hiện đã có thêm nhiều kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn hoạt động này.
Hoạt động TVPB&GĐXH đã ngày càng chuyên nghiệp, kết quả hoạt động được các cơ quan đánh giá cao. Có sự kết nối giữa Liên hiệp Hội Trung ương và Liên hiệp Hội địa phương trong việc giới thiệu chuyên gia để thực hiện tốt nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Các chuyên gia trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn tâm huyết, sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến về các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án với Đảng và Nhà nước.
Các ý kiến TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên khá độc lập, khách quan, hầu như không có sự ràng buộc, ảnh hưởng bởi các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Về cơ bản, các cấp chính quyền cả trung ương và địa phương đều đánh giá cao hoạt động hoạt động TVPB&GĐXH và quan tâm, tạo điều kiện để Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, theo bà Tuyến vẫn còn một số khó khăn như nhiều hội thành viên thiếu nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để triển khai nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Đối với Liên hiệp Hội Việt Nam và các Liên hiệp Hội địa phương là các đơn vị được hỗ trợ kinh phí TVPB từ ngân sách Nhà nước gặp khó khăn vì định mức chi tiêu quá thấp so với các quy định về tài chính đối với các hoạt động khoa học và công nghệ hiện hành. Ví dụ như: chi thù lao người chủ trì hoạt động TVPB&GĐXH thấp hơn KHCN 7 lần; Thù lao cho Thư ký hội thảo TVPB&GĐXH thấp hơn KHCN 5 lần; chi đại biểu tham dự Hội thảo TVPB&GĐXH thấp hơn KHCN 2 lần; chi tham luận của đại biểu viết bài cho Hội thảo TVPB&GĐXH thấp hơn KH&CN 2 lần. Đối với các đơn vị không sử dụng ngân sách thì rất khó tiếp cận với nguồn lực để tổ chức hoạt động TVPB&GĐXH. Chính vì vậy, chất lượng hoạt động TVPB&GĐXH phần nào bị hạn chế.
Văn hóa phản biện chưa thực sự được coi trọng. Bản chất của TVPB&GĐXH là phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp, trên cơ sở đó phân tích, lý giải đưa ra các luận cứ khoa học và thực tiễn và đề xuất giải pháp, khuyến nghị nhằm hoàn thiện các dự thảo cơ chế, chính sách hoặc nâng cao hiệu quả của chương trình, dự án. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và cá nhân coi phản biện là ý kiến trái chiều phản bác do vậy luôn né tránh việc TVPB của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên.
Việc tiếp cận thông tin bị hạn chế. Trên thực tế, nhiều tổ chức gửi văn bản yêu cầu TVPB, nhưng không gửi đầy đủ các thông tin, tư liệu, tài liệu. Tư vấn, phản biện phải dựa trên cơ sở khoa học, và dựa trên bằng chứng, nhưng nếu không tiếp cận được tài liệu một cách đầy đủ và kịp thời thì kết quả TVPB khó có đạt được chất lượng cao như mong muốn.
Ông Trương Quang Hải – Chủ tịch Liên hiệp Hội Bắc Giang
Theo ông Trương Quang Hải – Chủ tịch Liên hiệp Hội Bắc Giang cho biết, Liên hiệp hội Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động t TVPB&GĐXH, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, làm tốt được hoạt động này mới nâng cao được vai trò, vị thế của Liên hiệp hội. Cần đề xuất, đăng ký đặt hàng với Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngay từ đầu hằng năm. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên VTV, để các bộ, ngành thấy rõ hiệu quả của công tác tư vấn, phản biện.
Theo ông Hải, Liên hiệp hội Việt Nam chia sẻ, chuyển giao cơ sở dữ liệu chuyên gia trên các lĩnh vực đã xây dựng cho Liên hiệp hội các địa phương, để Liên hiệp hội các địa phương có nguồn chuyên gia phong phú phục vụ công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối, mời chuyên gia tham gia tư vấn, phản biện và các hoạt động của Liên hiệp hội địa phương.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến như Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với UBTWMTTQVN quan tâm hơn việc Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tư vấn, giám sát, giám định, phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Liên hiệp Hội Việt Nam đề xuất với Chính phủ có Quy chế quy định tiêu chí rất cụ thể dự án phải qua TVPB&GĐXH. Cần có văn bản quy định cụ thể mang tính bắt buộc đối với các cơ quan, các lĩnh vực phải thực hiện việc tư vấn, giám sát và phản biện, phản biện xã hội.
HT