Phát huy tính tự lực, tự cường, quyết tâm xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu bằng khoa học, công nghệ của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam
Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam năm 2005 và Giải thưởng WIPO của Liên hiệp quốc do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích mà các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật và công nghệ vừa đoạt giải thưởng.
Tổng kết 11 năm giải thưởng và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam và Giải thưởng WIPO là một việc làm nhằm tôn vinh, cổ vũ kịp thời các nhà khoa học và các tài năng sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ năm 1995 đến nay, việc tổ chức Giải thưởng ngày càng có nhiều tiến bộ, có ý nghĩa quan trọng và tác dụng thực tế trong việc đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta khi đất nước đang bước vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Năm 2006 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2006-2010) và là năm toàn Đảng, toàn dân ta nỗ lực thực hiện những mục tiêu mà Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng đề ra với những quyết tâm và niềm tin về một tương lai tốt đẹp của Tổ quốc và nhân dân ta. Chúng ta đang và sẽ tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế và hợp tác khu vực và quốc tế. Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị APEC và sẽ tham gia vào Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), điều đó đòi hỏi chúng ta phải tự lực tự cường vươn lên tầm cao mới, nâng cao sức cạnh tranh trên mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, khoa học - công nghệ để phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Bởi vậy, nhiệm vụ của các cơ quan khoa học, các nhà khoa học công nghệ là rất nặng nề, cần phát huy mạnh mẽ năng lực và sự cống hiến của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Năm 2001, Quốc hội đã thông qua luật khoa học và công nghệ, năm nay Quốc hội sẽ xem xét luật chuyển giao công nghệ. Đây là 2 luật quan trọng để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
Tôi được biết năm 2006 các đồng chí tiếp tục tổ chức trao Giải thưởng với trọng tâm là các lĩnh vực công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Đây là điều rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên tôi muốn lưu ý Ban tổ chức là trong thực tiễn đời sống kinh tế sản xuất của nước ta hiện nay còn nhiều lĩnh vực bức xúc cần được giải quyết như nước sạch nông thôn, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu thiên tai, lũ lụt, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam… Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí xem xét đưa những lĩnh vực này vào nội dung xét tặng của Giải thưởng trong năm nay và những năm tới sao cho không chỉ các nhà khoa học mà mọi người dân đều có cơ hội tham gia và đoạt giải thưởng, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân.
Tôi tin chắc rằng nếu các đồng chí làm được việc đó, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam ngày càng có uy tín, được mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành một phong trào thi đua sáng tạo của cả nước, vì cả nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương cần coi việc tổ chức giải thưởng này là công việc thường xuyên hàng năm để khuyến khích các cán bộ khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước phát huy tính tự lực, tự cường, quyết tâm xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu bằng khoa học, công nghệ của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Tôi thân ái chúc các nhà khoa học, các nhà quản lý, các vị khách quý và các bạn có mặt tại đây và qua các vị gửi tới đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong cả nước lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và lập nhiều thành tích mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ X sắp tới của Đảng.