Pháp luật Canada về an toàn vệ sinh thực phẩm
1. Triết lý trong xây dựng chính sách và pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm
Mặc dù về lý thuyết lập pháp và thi hành pháp luật, giữa Việt Nam và Canada giống nhau trên nét tổng quát, nhưng thực tế, trong lĩnh vực pháp luật an toàn thực phẩm, người Canada nghĩ và làm khác ta nhiều.
Ở Việt Nam , nhiều khi chính sách, luật được ban ra vì mong muốn hơn là vì cần thiết. Còn ở Canada , xây dựng và ban hành mọi chính sách và pháp luật vì nó cần cho đời sống thực, chứ không phải vì mong muốn của nhà cầm quyền. Mặc dù ở Canada không có tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng, không có nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm thường trực như ở nước ta, nhưng Chính phủ Canada vẫn đề ra, tuyên bố trước dân cam kết thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc đó cần, vì Canada đứng trước thách thức hiện thực mà tình hình ấy, rồi sớm muộn, người Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt, song khi xây dựng và thông qua luật An toàn thực phẩm, ta chưa nhận biết rõ.
Ở Canada , một mặt, 65% thực phẩm tiêu dùng hiện nay là sản phẩm nhập khẩu. Nhiều loại thực phẩm sản xuất tại Canada được làm từ nguyên liệu nhập. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh không nhận biết trước được luôn tiềm ẩn từ các thực phẩm và nguồn nguyên liệu ấy. Mặt khác, ai cũng ao ước tiêu dùng sản phẩm có chất lượng. Do mức sống cao nên người tiêu dùng Canada ngày càng có nhu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, thông tin về mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẵn sàng được truyền đi tức thì trên Internet, các website, các loại phương tiện thông tin đại chúng khác sẽ tác động ngay, gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần như thế nào đều được các nhà quản lý Canada tiên liệu. Xuất phát từ những thách thức này, nên từ tháng 12/2007, trên cơ sở hàng chục văn bản pháp luật đã có về an toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Canada đã phê chuẩn Chương trình hành động 5 năm nâng cao việc bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm cho giai đoạn hiện nay.
2. An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm mục tiêu con người khỏe, nền kinh tế tăng trưởng khỏe và môi trường khỏe
Ở nước ta, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ động vật, bảo vệ thực vật và bảo vệ môi trường là những lĩnh vực được quản lý tách riêng. Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 chỉ tập trung vào mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm theo nghĩa là để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người (Điều 2, khoản 1).
Mục tiêu của pháp luật Canada về an toàn vệ sinh thực phẩm thì khác. Toàn bộ chính sách, pháp luật Canada về an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ ba mục tiêu không chia cắt: 1) Người Canada khỏe; 2) Nền kinh tế tăng trưởng khỏe; 3) Môi trường sạch và khỏe.
Để đạt mục tiêu đó, tất cả mọi hoạt động thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm ở Canada tập trung vào ba việc: 1) Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; 2) Bảo vệ động vật; 3) Bảo vệ thực vật. Động vật, thực vật được bảo vệ, sạch, tốt tươi, khỏe mạnh thì rất yên tâm về thịt, cá, rau quả xanh dùng để chế biến thực phẩm.
Cách tiếp cận như thế dẫn đến việc quản lý nhà nước ở Canada đối với thực phẩm được thực hiện theo chuỗi (quá trình) sản phẩm - “filed to fork” (tạm dịch: từ trang trại đến bàn ăn). Nghĩa là an toàn vệ sinh thực phẩm đã được kiểm soát ngay từ ngoài cánh đồng, trang trại. Trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm sau khi thu hoạch, người Canada chỉ còn việc chọn ra những khâu, những điểm nào quan trọng nhất, nhạy cảm nhất để bảo vệ an toàn vệ sinh.
Suy nghĩ thông minh thì quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thông minh hơn. Quả vậy, động vật khỏe, thực vật khỏe, con người khỏe mạnh, thực phẩm an toàn thì môi trường tự nhiên phải tinh khôi, môi trường xã hội phải trong sạch. Nhờ đó người ta làm việc hăng, sản xuất giỏi, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, công nghiệp thực phẩm vì thế phát triển, sẽ góp phần bền vững vào sự tăng trưởng khỏe của nền kinh tế.
Theo cách nghĩ ấy, nếu hỏi rằng muốn bảo vệ tốt môi trường thì phải làm gì? Ví tôi là người Canada , tôi sẽ trả lời theo lôgic pháp lý của họ - phải tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Pháp luật và căn cứ khoa học - hai cơ sở nền tảng của công tác quản lý nhà nước ở Canada về an toàn vệ sinh thực phẩm
Hoạt động quản lý nhà nước ở Canada về an toàn vệ sinh thực phẩm dựa đồng thời trên hai căn cứ nền tảng:
- Một là, pháp luật: Ở Canada , công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm bắt đầu từ các đạo luật. Các đạo luật có hiệu lực pháp lý bất di bất dịch. Trên cơ sở đó, Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm Canada làm cho chính sách và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực thực tế và quản lý toàn bộ thực phẩm ở Canada.
- Hai là, căn cứ khoa học: Một mặt, mỗi sản phẩm nói chung, thực phẩm nói riêng có nhiều đặc tính. Mỗi mặt hàng thực phẩm được bán dưới tên một thương hiệu. Mỗi sản phẩm đều có vòng đời, đều có thể có sản phẩm thay thế. Mặt khác, thế nào là thực phẩm an toàn vệ sinh là vấn đề chuyên môn sâu của nhiều lĩnh vực khoa học, về cơ bản không phải là vấn đề của khoa học pháp lý. Vì vậy, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm không thể chỉ dựa vào pháp luật, mà còn phải đồng thời dựa vào căn cứ khoa học. Để xác định chất lượng hoặc xử lý một vấn đề về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ở Canada có các viện (laboratory) phân tích khoa học sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm. Chúng tôi đã đến thăm một viện phân tích ở Ottawa . Ở đó có nhiều nhà hoá học, nhà sinh học, nhà sinh - hoá học, các nhà nghiên cứu khác và đội ngũ trợ giúp. Trong một viện kiểm nghiệm, kết quả phân tích khoa học do bộ phận này thực hiện đối với một sản phẩm thực phẩm phải được một bộ phận khác độc lập giám định lại để bảo đảm tính xác thực khách quan.