Phản biện dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”
Dự Hội nghị tư vấn phản biện có các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện ở các hội ngành Trung ương: PGS. TS. Hà Lương Thuần, Viện trưởng, Tổng thư ký Hội Thủy lợi Việt Nam; ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam; các nhà khoa học, quản lý ở tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, đại diện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện lập quy hoạch.
Theo nhận xét của Hội đồng phản biện: Báo cáo tổng hợp Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được thực hiện đầy đủ theo nhiệm vụ, nội dung của bản Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí mà UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt. Ngoài các phương pháp nghiên cứu như: kế thừa tài liệu; điều tra khảo sát thực địa; thống kê, phân tích hệ thống, đánh giá dự báo tổng hợp; phương pháp chuyên gia, hội thảo; đơn vị tư vấn thực hiện dự án đã sử dụng các phần mềm hiện có để tính toán cân bằng nước như phần mềm WEAP “Water Evaluation And Planning” - Hệ thống đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước và Chương trình CROPWAT của FAO để tính toán nhu cầu nước và nhu cầu tưới cho các loại cây trồng là phù hợp. Báo cáo tổng hợp Dự án được trình bày khá chi tiết; nội dung của Dự án thể hiện được tính kế thừa những kết quả quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh giai đoạn (2005-2015); đã phân tích, đánh giá khái lược hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh trong 3 vùng kinh tế, gắn với khả năng cung cấp nước và cân đối nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả của Dự án quy hoạch đã vẽ ra được bức tranh với nhiều màu sắc, đa dạng, phức tạp của hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh đến năm 2020 và phấn đấu cho đến năm 2030.
Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện đã chỉ ra rằng bản Báo cáo tổng hợp Dự án quy hoạch này còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Báo cáo chưa đánh giá kỹ về tình hình thực trạng, kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả đầu tư, hiệu ích tưới/cấp nước của các công trình thủy lợi hiện có (hồ, đập đầu mối, trạm bơm, kênh mương) để từ đó xác định được những công trình nào tiếp tục được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, làm lại hay quyết định dừng đầu tư; các phân tích đánh giá, luận chứng cho phương án quy hoạch thiếu tính lô - gic, khoa học; nội dung báo cáo chưa sâu, chưa sát với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Phương án quy hoạch chủ yếu vẫn đưa ra các giải pháp cấp nước tưới cho cây lúa, và các loại cây trồng khác tuy đã được đề cập tới, nhưng không đúng tầm của nó. Phương án quy hoạch chưa được tính toán trong bối cảnh thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp mang tính chất toàn cầu; Quy hoạch chưa gắn kết với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh như: chương trình xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và quy hoạch giao thông nông thôn; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; đề án quy hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh để các Dự án này thực sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, tiết kiệm kinh phí và mang lại hiệu quả cao. Do vậy, phương án quy hoạch này chưa có tính thuyết phục, chưa đảm bảo tính khả thi; Dự án quy hoạch này chưa xứng tầm với một bản Quy hoạch cấp tỉnh, là công cụ hữu ích giúp cho các ngành, các cấp từ tỉnh, huyện, đến cơ sở thực hiện công tác quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho sản xuất, kết hợp với cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, tăng cường công tác phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết thúc Hội nghị phản biện, Chủ đầu tư (Sở NNN&PTNT tỉnh Hà Giang và Đơn vị tư vấn thực hiện dự án (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT) đã tiếp thu các ý kiến phản biện của Hội đồng phản biện để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bản Dự án quy hoạch một cách đầy đủ, hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt.