Ph. Ăngghen với việc hình thành quan niệm duy vật về lịch sử
Quan niệm duy vật về lịch sử, hay nói một cách chính xác - chủ nghĩa duy vật lịch sử được Ph.Ăngghen coi là một trong hai phát kiến vĩ đại (cùng với lý luận về giá trị thặng dư) của C.Mác. Điều khẳng định này luôn được Ph.Ăngghen nhắc đến trong các tác phẩm của ông, như Chống Đuyrinh, C.Mác, Lời điếu đọc trước mộ C.Mác... Nhưng từ trước khi C.Mác xây dựng hoàn chỉnh quan điểm duy vật về lịch sử, về phần mình, Ph.Ăngghen cũng có những nghiên cứu độc lập và đi đến kết luận tương tự như C.Mác. Trong suất khoảng thời gian gần 40 năm cùng làm việc, Ph.Ăngghen đã tự mình nghiên cứu, xây dựng quan điểm duy vật về lịch sử. Và, sau khi C.Mác qua đời, trong vòng 12 năm, ông tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển lý luận của C. Mác trên mọi phương diện, trong đó có chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Bài viết này muốn góp phần làm rõ rằng, bằng những nghiên cứu độc lập của mình, Ph.Ăngghen đã nhìn nhận lịch sử theo quan điểm duy vật như thế nào và đâu là cống hiến của ông trong việc cùng với C.Mác xây dựng nên chủ nghĩa duy vật lịch sử?
Năm 1888, trong lời tựa cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng tiếng Anh, khi mô tả những ý tưởng ban đầu thể hiện quan điểm duy vật về lịch sử và khẳng định điều đó là công lao thuộc về C. Mác, Ph.Ăngghen đã viết: "... cả hai chúng tôi đều dần dần đạt tới từ nhiều năm trước 1845. Bản thân tôi đã tự mình đi theo hướng đó tới mức độ nào thì ai náy đều có thể xét đoán được qua cuốn sách của tôi "Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh". Như vậy, ngay từ khi còn rất trẻ, Ph.Ăngghen đã quan tâm đến vấn đề quy luật phát triển chung của xã hội loài người, của tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, phải thấy rằng, lúc đó, triết học của Hêgen đã có ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiên cứu của Ph.Ăngghen. Ông đã bị cuốn hút bởi những tư tưởng của Hêgen về phép biện chứng, về tiến bộ và tự do. Không chỉ có vậy, Ph.Ăngghen còn chịu ảnh hưởng từ toàn bộ triết học lúc bấy giờ - đó chính là quan điểm duy tâm về lịch sử. Bước chuyển của ông sang quan điểm duy vật về lịch sử diễn ra vào khoảng ba năm sau. Bản thân Ph.Ăngghen cũng chỉ nhận ra điều đó khi ông chuyển sang nước Anh. Trong Về lịch sử liên đoàn những người cộng sản, Ph.Ăngghen viết: "Lúc ấy, ở Mansétxtơ, tôi đã nhận thấy rất rõ ràng rằng những sự kiện kinh tế mà từ trước tới nay những tác phẩm sử học cho là không đóng một vai trò nào, hoặc có chăng nữa thì chỉ đóng một vai trò thảm hại, thì ít nhất trong thế giới hiện đại, cũng đã là một lực lượng lịch sử quyết định, rằng, chúng là cơ sở cho sự xuất hiện của những đối kháng giai cấp hiện nay, rằng trong những nước mà đại công nghiệp đã làm cho những đối kháng giai cấp ấy phát triển đầy đủ, do đó, nhất là ở nước Anh, những đối kháng giai cấp ấy là cơ sở của sự hình thành ra các chính đảng, của các cuộc đấu tranh giữa các đảng và do đó, là cơ sở của toàn bộ lịch sử chính trị".
Ph.Ăngghen đến nước Anh cuối tháng 11 - 1842 và ngày 30 - 11, tại London, ông viết bài Những cuộc khủng hoảng trong nước cho "Nhật báo tỉnh Ranh". Bài báo này đánh dấu bước chuyển đầu tiên của Ph.Ăngghen sang quan điểm duy vật về lịch sử.
Nhưng nhìn toàn thể, khi đó, quan điểm của Ph.Ăngghen vẫn còn đặt trên nền tảng của chủ nghĩa duy tâm. Chẳng hạn, ông cho rằng, cái gọi là lợi ích vật chất không bao giờ có thể xuất hiện trong lịch sử với tính cách là những mục đích độc lập, chủ đạo, nhưng bao giờ cũng phục vụ một cách tự giác hoặc không tự giác cho cái nguyên tắc đang dẫn đường cho tiến bộ của lịch sử.
Quan điểm duy vật về lịch sử của Ph.Ăngghen dần đần được củng cố và phát triển. Chẳng hạn, khi đánh giá về cuộc cách mạng xảy ra ở nước Anh, ông viết: "Cuộc cách mạng ấy là tất yếu đối với nước Anh, nhưng cũng như tất cả mọi việc xảy ra ở Anh, cuộc cách mạng đó sẽ được khởi đầu và tiến hành vì những lợi ích, chứ không phải vì những nguyên tắc, các nguyên tắc chỉ có thể phát triển từ lợi ích, tức là cách mạng sẽ không phải là cách mạng chính trị, mà là cách mạng xã hội".
Vậy, những lợi ích vật chất đó là gì? Trong Vấn đề nhà ở viết năm 1873, Ph.Ăngghen đã giải đáp cho câu hỏi ấy khi ông khẳng định rằng, các quan hệ kinh tế của mỗi xã hội được thể hiện trước hết như những lợi ích. Như vậy, theo quan điểm của ông, các lợi ích vật chất là hình thức biểu hiện của các quan hệ kinh tế.
Bằng việc luận chứng và khẳng định trên cơ sở khoa học về tính tất yếu của cách mạng xã hội ở Anh, Ph.Ăngghen đã tiến một bước quan trọng tới quan niệm duy vật về lịch sử, cụ thể là ông đã nhận thức đúng đắn vai trò xác định của các quan hệ kinh tế trong đời sống xã hội. Tính khách quan và phương pháp biện chứng trong nhận thức và giải quyết các vấn đề cụ thể đã dẫn Ph.Ăngghen đến kết luận duy vật, đối lập với quan điểm duy tâm trước đó của ông.
Sự chuyển biến từ lập trường duy tâm sang lập trường duy vật và tiến dần tới quan điểm duy vật về lịch sử của Ph.Ăngghen vào thời gian đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Việc phân tích sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản ở nước Anh giúp ông thấy rằng, sản xuất vật chất đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của xã hội tư sản. Vì vậy, sự hình thành và phát triển quan niệm duy vật về lịch sử của Ph.Ăngghen là quá trình tất yếu.
Một năm sau khi đến nước Anh, tức là khoảng cuối năm 1843, Ph.Ăngghen đã viết cuốn Lược thảo phê phán khoa kinh tê" chính trị, trong đó ông phê phán kinh tế chính trị học tư sản rằng, "kinh tế chính trị học cũng không nghĩ đến việc đặt vấn đề về tính chất chính đáng của chế độ tư hữu và nhấn mạnh: "chỉ có chứng giải và thực hiện chế độ tự do thương mại thì mới làm cho chúng ta có thể vượt ra khỏi những giới hạn của khoa kinh tế chính trị của chế độ tư hữu”.
Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị thể hiện những kinh nghiệm đầu tiên khi Ph.Ăngghen tiếp nhận và vận dụng phép biện chứng để nghiên cứu kinh tế chính trị học. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, các phạm trù mặt đối lập và mâu thuẫn được Ph.Ăngghen sử dụng để phân tích các phạm trù kinh tế. Đối lập với các nhà kinh tế học tư sản xem xét các phạm trù kinh tế như những gì vĩnh viễn, Ph.Ăngghen coi các phạm trù đó là những phạm trù lịch sử được chế định bởi sở hữu tư nhân và như vậy, sự xuất hiện của chúng mang tính lịch sử nhất thời.
Tác phẩm này thể hiện khá rõ những ảnh hưởng của L.Phoiơbắc đối với Ph.Ăngghen. Tuy nhiên, về phương diện triết học, ông đã đi xa hơn L.Phoiơbắc. Chẳng hạn, khi xem xét tính tất yếu của cách mạng xã hội, Ph.Ăngghen đã không coi nguyên nhân của cách mạng xã hội bắt nguồn từ những cơ sở đạo đức như L.Phoiơbắc quan niệm, mà từ sự phát triển của các mâu thuẫn khách quan do sở hữu tư nhân tạo nên. Như vậy, về phương diện này, quan điểm của Ph.Ăngghen đã khác hẳn so với quan điểm của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng cũng như các nhà duy vật tiền bối. Để làm rõ cơ sở duy vật trong Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, cần phải xem xét nội dung của tác phẩm trong bối cảnh bao quát hơn, phải chú ý đến tổng thể các công trình của Ph.Ăngghen trong thời kỳ ông sống ở Mansétxtơ, từ đó mới có thể thấy được mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện kinh tế, sự đối lập giai cấp, đấu tranh chính trị.
Trước Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, trong các bài báo đầu tiên của Ph.Ăngghen ở Anh, chúng ta mới chỉ thấy những dự đoán của ông về vai trò của lợi ích kinh tế trong đời sống xã hội. Đến Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, Ph.Ăngghen đã nhận thấy giai cấp vô sản và giai cấp tư sản như những giai cấp xã hội xét về phương diện kinh tế. Thật ra, điều này đã được các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh chỉ rõ và Ph.Ăngghen lấy đó làm điểm xuất phát cho nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, khác với các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh, Ph.Ăngghen cho rằng, sở hữu tư nhân chính là cơ sở lịch sử của sự tồn tại giai cấp trong xã hội tư sản.
Trong Tình cảnh nước Anh, Ph.Ăngghen đã thể hiện thái độ phê phán quan điểm của Hêgen về lịch sử và khẳng định: "Lịch sử được chúng ta đánh giá cao hơn là bất kỳ một học thuyết triết học nào khác trước đây, thậm chí còn cao hơn cả Hêgen, mà lịch sử chung quy chỉ được ông ta dùng để kiểm nghiệm cái kết cấu logic của ông ta thôi". Theo ông, "tình cảnh nước Anh có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử và đối với tất cả các nước khác, bởi vì về mặt xã hội, rõ ràng là nước Anh đã vượt xa tất cả những nước khác". Đây là kết luận vô cùng quan trọng mà Ph.Ăngghen đã rút ra từ sự phân tích lịch sử xã hội Anh. ở đây, ông phát hiện ra rằng, thực trạng xã hội Anh dưới chế độ tư bản chủ nghĩa biểu hiện không chỉ đặc điểm xã hội của bản thân nước Anh tư bản chủ nghĩa mà trong chừng mực nào đó, còn có ý nghĩa to lớn, toàn diện cho các quốc gia khác. Đó cũng chính là điều mà C.Mác đã kết luận trong lời tựa của tập I, bộ Tư bản trong lần xuất bản thứ nhất: "Nước phát triển hơn về công nghiệp chỉ nêu lên cho nước kém phát triển cái hình ảnh tương lai của bản thân nước này mà thôi".
Dự định của Ph.Ăngghen quay trở lại phân tích tình cảnh nước Anh đã phải thực hiện theo hình thức khác một chút so với mong muốn, vì tờ Niên giám Pháp - Đức bị ngừng xuất bản. Từ cuối tháng 8 đến tháng 10/1844, trên các trang tiếng Đức của tờ báo Tiên lên xuất bản ở Phổ đã có sự tham gia của C.Mác vào Ban biên tập. Do vậy, Ph.Ăngghen có điều kiện đăng tiếp tục hai bài báo có nhan đề Tình cảnh nước Anh thế kỷ XVIII và Tình cảnh nước Anh. Hiến pháp nước Anh.
Bài báo thứ nhất đã chứa đựng tư tưởng cơ bản của cuốn sách mà Ph.Ăngghen dự định viết trong tương lai về tình cảnh giai cấp công nhân Anh. Đó là tư tưởng về vai trò xác định của cách mạng công nghiệp trong lịch sử nước Anh. Trong bài báo đó, ông khẳng định: "Tác dụng cách mạng hoá ấy của nền công nghiệp Anh là cơ sở của tất cả mọi quan hệ ở nước Anh ngày nay, là động lực của toàn bộ sự phát triển xã hội. Hậu quả đầu tiên của nó là việc đề cao lợi ích... lên thành sự thống trị đối với con người... Nói một cách khác, sở hữu, vật đã trở thành kẻ thống trị thế giới. Kết quả quan trọng nhất của thế kỷ XVIII đối với nước Anh là sự hình thành giai cấp vô sản do có cuộc cách mạng công nghiệp... Kết quả của toàn bộ sự phát triển là giờ đây, nước Anh chia thành ba phái: phái quý tộc ruộng đất, phái quý tộc kim tiền và phái dân chủ công nhân".
Trong bài báo thứ hai, Ph.Ăngghen phân tích chế độ chính trị ở Anh khi đó và từ những sự kiện thực tế, ông đã đưa ra một số kết luận có tính lý luận quan trọng. Đó là mối liên hệ giữa các sự kiện kinh tế (cách mạng công nghiệp), sự đối lập giai cấp (giai cấp vô sản và giai cấp tư sản) và lịch sử chính trị (cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị). Và như vậy, Ph.Ăngghen tiến gần đến việc giải thích tính tiếp nối của hệ thống: Lực lượng sản xuất - Quan hệ sản xuất - Kiến trúc thượng tầng chính trị.
Một điểm cần lưu ý là trong các trang viết của mình, Ph.Ăngghen đã đặc biệt chú ý đến cách tiếp cận lịch sử của các nhà kinh tế và triết học Anh. Ví dụ, Ph.Ăngghen cho rằng, A.Smit "đã quy tất cả - chính trị, đảng phái, tôn giáo vào những phạm trù kinh tế và bằng cách đó, đã thừa nhận rằng sở hữu là bản chất của quốc gia", còn G.Bentam thì "làm cho tổ chức chính trị trở thành hình thức của nội dung xã hội, và bằng cách đó, đẩy mâu thuẫn tới đỉnh cao nhất". Những cống hiến của G.Bentam đã được C.Mác và Ph.Ăngghen xác định một cách chính xác hơn trong Hệ tư tưởng Đức: ở Bentam, tất cả những quan hệ đang tồn tại đều hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ thực dụng, quan hệ thực dụng này được đề cao một cách vô điều kiện thành nội dung duy nhất (nội dung kinh tế - H.H.B.) của tất cả những quan hệ khác... Tuy lý luận thực dụng cũng xác lập mối liên hệ của tất cả những quan hệ đang tồn tại với những quan hệ kinh tế, nhưng nó cũng chỉ làm việc đó một cách hạn chế".
Sau khi Ph.Ăngghen tới Paris và gặp C. Mác cuối tháng 8/1844, hai ông quyết định cùng nhau viết một quyển sách nhằm chống lại triết học của phái Hêgen trẻ - đó chính là tác phẩm Gia đình thần thánh. Ph.Ăngghen đã viết phần của mình - khoảng gần một nửa số trang được in - vào đầu tháng 9/1844, sau đó ông quay sang Đức. Trong phần viết của mình, khi chống lại khuynh hướng giải thích lịch sử một cách duy tâm của phái Hêgen trẻ, Ph.Ăngghen đã đưa ra những nhận định quan trọng, cho rằng "Lịch sử" không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương điện đạt tới các mục đích của mình. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình".
Kết quả của việc nghiên cứu độc lập để hiểu lịch sử theo quan điểm duy vật ở Ph.Ăngghen được thấy rõ trong cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh do ông viết từ tháng 9/1844 đến tháng 3/1845 và ra mắt bạn đọc tháng 5/1845 tại Lépxích. Lúc này, Ph.Ăngghen đã chuyển sang Brúcxen với C.Mác và bắt đầu một thời kỳ mới trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo của mình. Trong lời tựa và lời nói đầu của cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, Ph.Ăngghen đã đưa ra nhận định quan trọng rằng, lịch sử giai cấp công nhân Anh bắt đầu từ nửa thứ hai của thế kỷ XVIII, cùng với việc phát minh ra máy hơi nước và những máy làm bông... ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của nó thì đồng thời nó cũng đã làm biến đổi toàn bộ xã hội công nhân... do đó, nước Anh cũng là nước điển hình về sự phát triển của giai cấp vô sản, kết quả chủ yếu của sự biến đổi đó. Chỉ có ở Anh mới có thể nghiên cứu toàn diện giai cấp vô sản trên tất cả các mối quan hệ của nó.
Như vậy, quan điểm duy vật về lịch sử của Ph.Ăngghen - kết quả trực tiếp do sự nghiên cứu độc lập của ông được hình thành từ tháng 2/1844, trong bài báo thứ hai của cuốn Tình cảnh nước Anh. Thực chất của quan điểm đó là: Cách mạng công nghiệp tạo ra cuộc đảo lộn toàn bộ trong xã hội công dân, từ sự thay đổi của công cụ lao động, của phương thức sản xuất dẫn đến sự thay đổi kết cấu giai cấp của xã hội. Cũng vào tháng 2/1844, Ph.Ăngghen đã chỉ ra được mối liên hệ giữa kinh tế - kết cấu giai cấp của xã hội: chính trị và sau đó một năm, ông đã vạch rõ tính chất giai cấp của ý thức xã hội. Theo Ph.Ăng ghen, "chế độ công xưởng thâm nhập vào một ngành lao động nào đó càng sâu thì công nhân của ngành đó được lôi cuốn vào phong trào càng đông. Sự đối lập giữa công nhân và tư bản càng gay gắt, thì ý thức vô sản trong công nhân càng phát triển, càng sâu sắc".
Nguồn: Tạp chí Triết học, chungta.com, 18/08/2006