PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Hãy thử "đi" rồi sẽ "đến"
Xin chị tâm sự đôi nét về mình?
Tôi sinh ngày 17/5/1970, là người gốc Huế. Từ sau ngày đất nước thống nhất, tôi theo gia đình vào Tp Hồ Chí Minh sinh sống và học phổ thông tại Trường PTCS Hai Bà Trưng và PTTH Marie Curie. Năm 1994, tôi tốt nghiệp dược sỹ tại Trường Đại học Y dược Tp Hồ Chí Minh, đồng thời nhận được một học bổng làm masteur tại Pháp. 2 năm sau, tôi lấy bằng thạc sỹ, rồi tiếp tục lấy bằng tiến sỹ dược học (năm 1999) tại Viện Đại học Caen (Pháp). Khi trở về nước, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ - Khoa Dược - Trường Đại học Y dược Tp Hồ Chí Minh. Năm 2006, tôi được Nhà nước phong PGS và vinh dự trở thành nữ PGS trẻ tuổi nhất trong đợt phong học hàm này. Từ tháng 9.2007, tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế Tp Hồ Chí Minh.
Chị đã từng được tu nghiệp ở Pháp rồi trở về làm việc ở trong nước. Vậy chị có suy nghĩ gì về điều kiện nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam hiện nay, và chúng ta cần những yếu tố cơ bản nào để có thể đạt trình độ của các nước tiên tiến?
Điều kiện nghiên cứu và giảng dạy của chúng ta hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là so với các nước phát triển. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nước ta đã phải trải qua mấy chục năm chiến tranh, đi lên với điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Để đạt được trình độ như hiện nay, các nước tiên tiến đã trải qua một thời gian dài phát triển trước chúng ta, cho nên tôi nghĩ yếu tố cần thiết đầu tiên chính là thời gian: ít nhất cũng phải đủ thời gian để thay đổi tư duy, đón nhận cái mới. Mọi sự hấp tấp đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Yếu tố thứ hai chính là một định hướng chiến lược đúng đắn, tập trung đầu tư mạnh, tránh dàn trải.
Chị đã bảo vệ luận án tiến sỹ đạt loại tối danh dự với lời khen ngợi của Hội đồng giám khảo (mức cao nhất trong thang đánh giá, trên tối danh dự và danh dự). Xin chị cho biết thêm về ý nghĩa và triển vọng của đề tài nghiên cứu này trong sự phát triển của ngành dược hiện nay và tương lai?
Hiện nay, trên thế giới, có đến 2/3 số hoạt chất được sử dụng làm thuốc đều là hóa chất tổng hợp, trong khi đó Việt Nam chưa tổng hợp được các hoạt chất này. Điều đó khiến cho ngành dược nước ta hoàn toàn bị động, phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập, làm cho giá thuốc, đặc biệt là các loại thuốc đặc trị rất cao. Hơn nữa, khi chưa có hoạt chất độc quyền riêng của mình để sản xuất những loại thuốc riêng, các công ty dược Việt Nam khó lòng khẳng định được thương hiệu của mình. Đề tài của tôi hy vọng sẽ góp phần giúp ngành dược tạo được một loại thuốc kháng ung thư mang thương hiệu Việt. Hiện nay, với sự hợp tác chặt chẽ của Trung tâm Nghiên cứu dược phẩm Normandie, chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp các dẫn chất cyclopentathiophen mới, tạo tiền đề cho thử nghiệm kháng ung thư cũng như một số họ hợp chất khác để thử nghiệm sinh học. Hy vọng hướng nghiên cứu loại này sẽ góp phần vào sự phát triển của công nghiệp hóa dược nước nhà, vì thực tế cho đến nay công nghiệp dược Việt Namvẫn chỉ dừng ở mức gia công: Nhập nguyên liệu về để bào chế thuốc, chưa có được hoạt chất của Việt Nam .
Với công việc bận rộn của một nhà quản lý, chị sắp xếp, bố trí công việc như thế nào để có thể vẫn thực hiện được niềm đam mê nghiên cứu của một nhà khoa học? Để có thể đạt được nhiều thành công như vậy, chị có lời khuyên gì cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ?
Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi đã rất đắn đo vì biết sẽ không còn có thể tập trung nhiều cho công việc mình yêu thích là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trước mắt phải ưu tiên cho công tác quản lý vì hiện có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, ảnh hưởng đến lĩnh vực y tế của cả thành phố. Tôi đã lên kế hoạch để tiếp tục công tác giảng dạy với hy vọng những kinh nghiệm rút ra từ thực tế thực hiện nhiệm vụ mới sẽ là những điều thiết thực để chia sẻ với các sinh viên.
Với các nhà khoa học trẻ, tôi không dám khuyên gì hơn là mong các bạn đừng nản chí khi gặp khó khăn (nhất là các bạn nữ). Hãy thử “đi” rồi sẽ “đến”.
Xin cảm ơn chị!
Nguồn: T/c Hoạt động khoa học, 2/2008, tr 50