PGS Phạm Viết Trinh (1930 – 2005): Người gây dựng nền thiên văn Việt Nam
Tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, cùng với những kiến thức đã thu lượm được trong suốt những năm miệt mài học tập và nghiên cứu, ông đã bắt tay vào việc biên soạn giáo trình thiên văn học đại cương cho sinh viên khoa Vật lý và sinh viên lớp chất lượng cao của các trường ĐH, CĐSP trong cả nước. Cho đến nay đã có ba bộ giáo trình do ông viết được sử dụng rộng rãi làm nền tảng cho việc giảng dạy môn thiên văn học, rồi cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước viết chung cuốn sách song ngữ Việt – Anh về Vật lý thiên văn nhằm mục đích quảng bá và giới thiệu những tri thức, thành tựu thiên văn học tới đông đảo sinh viên, các nhà nghiên cứu trong nước cũng như công chúng yêu khoa học. Để giúp các nhà nghiên cứu, sinh viên dễ dàng tiếp cận đến lĩnh vực thiên văn học, ông đã là chủ biên và cho xuất bản cuốn Từ điển Thiên văn học. Ngoài ra, ông cũng đã viết nhiều sách tham khảo và phổ biến khoa học cho đông đảo mọi người. Những cuốn sách do ông viết được giới trẻ và công chúng yêu khoa học nồng nhiệt đón nhận. Trong suốt những năm tháng vừa giảng dạy vừa làm khoa học, phó giáo sư luôn dành cho thế hệ trẻ sự quan tâm ưu ái đặc biệt. Hơn nữa, ông còn là người có ý tưởng xây dựng lịch thế kỷ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, phó giáo sư còn tham gia xây dựng trạm quan sát vệ tinh nhân tạo.
Là một nhà giáo giản dị, mẫu mực luôn tận tuỵ và tâm huyết, ông luôn được thế hệ trẻ, đồng nghiệp trong và ngoài nước kính trọng và quý mến. Với những đóng góp cho nền khoa học và giáo dục nước nhà, ông đã được phong hàm Phó Giáo sư trong đợt phong hàm đầu tiên của Việt Nam .
Trăn trở cho tương lai nền thiên văn học nước nhà, qua bao ngày trằn trọc suy nghĩ, giáo sư sáng lập nên Hội Thiên văn – Vũ trụ Việt Nam với mong muốn đây sẽ trở thành đầu tàu định hướng đi lên của nền thiên văn học ở Việt Nam. Được bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước tín nhiệm, phó giáo sư trở thành Chủ tịch Hội từ khi thành lập cho đến nay trong suốt ba nhiệm kỳ liên tiếp (1993 – 1998, 1998 – 2003, 2003 – 2008). Trải qua các nhiệm kỳ, nền thiên văn học nước nhà vượt qua thời kỳ thai nghén với những thử thách khắc nghiệt ban đầu và từng bước trưởng thành trong một xã hội năng động và hội nhập. Là người đứng mũi chịu sào nhưng ông đã luôn hoàn thành xuất sắc trách nhiệm trong vai trò của một người lãnh đạo, một nhà quản lý, một nhà giáo và một nhà khoa học để tiếp tục hình thành và phát triển.
Nhiệt tình với nghề nghiệp cộng với tài năng sư phạm, phó giáo sư là nhà giáo mẫu mực luôn vì sự nghiệp phát triển giáo dục; là trung tâm để tập trung lực lượng các nhà giáo, nhà nghiên cứu thiên văn đẻ chấn hưng nền thiên văn học ở Việt Nam; là cầu nối giữa các nhà thiên văn học Việt Nam với các nhà thiên văn học uy tín và trung tâm khoa học lớn trên thế giới, góp phần xác lập quan hệ giữa Hội Thiên văn – Vũ trụ Việt Nam (VAS) và Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU). Nhờ có ông, mà cơ sở vật chất nghiên cứu thiên văn từ chưa có gì cả, nay đã xây dựng được những đài thiên văn trang bị những kính thiên văn tương đối hiện đại, những máy đo phục vụ tốt công tác giảng dạy thiên văn và có thể tiến hành những nghiên cứu thiên văn học ngay tại nước nhà cũng như tham gia các chương trình toàn cầu. Và cũng nhờ có ông, mà nhiều nhà khóa học đã được cử ra nước ngoài đào tạo hoặc tham gia những khoa học do Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế tổ chức. Ông chính là người làm tan đi sự cách li của nền thiên văn học nước nhà trong cộng đồng thiên văn quốc tế. Cộng đồng thiên văn quốc tế đã biết đến nền thiên văn học Việt Nam và họ luôn dành cho chúng ta sự quan tâm và giúp đỡ đặc biệt.
Với mong muốn mở rộng, quảng bá để trang bị kiến thức đầy đủ về thế giới quan cho đông đảo thế hệ trẻ và cũng vì lợi ích tương lai của nền giáo dục nước nhà, phó giáo sư còn là người kiên trì đấu tranh không mệt mỏi, kiến nghị đưa thiên văn học vào giảng dạy ở cấp học phổ thông.
Những đóng góp của phó giáo sư Phạm Viết Trinh đối với nền thiên văn học nước nhà là rất to lớn. Ông là người mở đường dẫn bước cho cả nền thiên văn học Việt Nam tiến lên phía trước. Mọi người thường hay nói với nhau rằng, “ông là ông tổ của nền thiên văn học nước nhà”. Tuy đã đi xa, nhưng ông vẫn luôn là tấm gương sáng và sống mãi trong tâm trí người làm công tác thiên văn học ở việt Nam, đặc biệt là trong tâm hồn thế hệ trẻ yêu khoa học. Bạn bè quốc tế, đồng nghiệp trong cũng như ngoài nước và thế hệ học trò bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến to lớn và cố gắng không biết mệt mỏi của ông đối với sự phát triển của nền thiên văn học nước nhà nhà nói riêng và nền giáo dục nói chung. Cầu chúc cho ông sớm được siêu thoát và bình yên nơi chín suối.