PGS. NGND Lê Mậu Hãn: Học Bác là phấn đấu để có một xã hội thông thái và đạo đức
Ông là một nhà giáo, một nhà sử học được nhiều thế hệ học trò quý mến bởi sự gần gũi, thanh cao giản dị và cương trực. PGS Lê Mậu Hãn được biết đến như một người viết sử Đảng nổi tiếng. Trong giải thưởng sách lần thứ 3 năm 2007, do Hội Xuất bản tổ chức, bộ Lịch sử Chính phủ 3 tập của ông được trao giải vàng sách hay.
Truyền thống lịch sử, con cháu chúng ta rất ham mê học tập, một bụng gạo không bằng một bụng chữ. Cách mạng Tháng Tám thành công, thanh niên các trường xung phong ra tiền tuyến, nhưng Bác Hồ triệu tập cả về. Lúc đó chưa có trường Đại học Văn Khoa, Bác bảo phải nhanh chóng thành lập trường này, để đi vào văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử. Trong Đại học Văn Khoa ấy có chuyên ngành đào tạo Sư phạm. Bên cạnh đó, đào tạo thế hệ thanh niên nghiên cứu các vấn đề văn hóa lịch sử, địa lý để tiến kịp các nước tiên tiến. Bác nói, về khoa học xã hội nói chung nhất định phải học. Ba lần cụ Hồ viết "dân ta phải biết sử ta”, và Cụ động viên tinh thần dân tộc ấy trước quần chúng nhân dân.
Tất cả các bậc từ tiểu học đến cao học hiện nay thường luôn luôn nói đổi mới, nhưng chưa có đổi mới cụ thể như thế nào. Đổi mới phải rõ ràng. Theo tôi thấy, trước đây rất ít Giáo sư nhưng các Giáo sư ngày xưa như trong lĩnh vực khoa học xã hội, thế hệ các ông Phạm Duy Tốn, Đào Duy Anh dạy không có giáo trình mà vẫn rất hay. Các Giáo sư ấy đào tạo được một lớp trí thức không chỉ cao về học vấn mà còn rất cao về ý thức dân tộc, ý chí vì Tổ quốc. Thậm chí, đến khi chiến tranh, các thanh niên trí thức thế hệ chúng tôi viết thư bằng máu sẵn sàng ra mặt trận. Đào tạo con người nói chung thì ít nhất là phải có nhân cách con người, có trí tuệ nhưng là con người của cộng đồng của dân tộc.
Cụ Hồ từng nói, chúng ta tiến lên CNXH là một nước độc lập tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, một xã hội thông thái và đạo đức. Cụ nói rất khái quát, "thông thái” nghĩa là văn minh, học giỏi và có đạo đức. Con người ấy có giá trị đối với dân tộc, với nhân dân, với gia đình. Nói về đạo đức thì rộng lắm. Và một điều quan trọng, Cụ đã nhấn mạnh đào tạo đội ngũ trí thức ở đại học, từ phổ thông trở lên. Một dân tộc dốt là dân tộc nô lệ, nên chúng ta phải đào tạo.
PGS Lê Mậu Hãn - người tham gia biên soạn cuốn lịch sử Quốc hội Việt Nam
Một thế hệ trí thức ngày xưa sống trong chế độ áp bức, có thể học trong trường Tây, nhưng đại bộ phận là yêu nước. Khi cách mạng thành công rồi thì cụ Hồ hô vạn người hưởng ứng, trí thức hầu hết đi theo Bác. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - một trí thức tiêu biểu khi gặp cụ Hồ thì bị thuyết phục ngay. Bởi rằng, khi đến nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Hồ chào "xin chào đại huynh”, điều đó khiến cụ Kháng phấn khởi chấp nhận ở lại làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều đó thấy cách tôn trọng trí thức của cụ Hồ, cụ Hồ rất tôn trọng trí thức. Trong điều kiện chiến tranh thì tất cả đều vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bây giờ hòa bình rồi, đổi mới rồi, có các thành phần kinh tế chênh nhau giữa quyền lợi sống thì cũng đồng thời có tư tưởng suy thoái. Trong Đảng, tôi cho rằng kiểm điểm, chỉnh đốn chưa làm tới nơi tới chốn. Tại sao dân có phản ứng, là vì nhiều chỗ giải quyết cho dân chưa trọn vẹn. Dự án này, dự án kia mấy chục năm không giải quyết được. Mà "nước mạnh, dân giàu ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành, xã hội thông thái đạo đức” là mục tiêu đầy cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nguyện vọng tha thiết của Người.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải nêu cao ngọn cờ dân tộc, sức mạnh của ý chí độc lập và khát vọng tự do. Nếu không có ý chí khát vọng thì chúng ta không chiến thắng được. Bác nói một câu như thế này, nói đến dân tộc là nói đến độc lập tự do. Độc lập tự do của dân tộc là thiêng liêng. Chính điều đó chúng ta thắng lợi bằng cuộc khởi nghĩa dân tộc năm 1945 và hình thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiến thắng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Bác đã phát triển sức mạnh dân tộc lên tầm cao mới của thời đại.