PGS Cao Xuân Hạo: Một trái tim đập mãi cùng tiếng Việt
Sinh ngày 30-7-1930, quê gốc Diễn Châu, Nghệ An, là con trai trưởng của học giả Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo có những lợi thế nhất định về tư chất và truyền thống dòng tộc.. Nhưng tuổi thơ của ông cũng không lấy gì làm suôn sẻ. Ông vẫn đùa, rằng “mình là dân cá gỗ, ông đồ gàn”. Thực tế, đường học hành công danh của Cao Xuân Hạo khá lận đận. Ông lớn lên trong chiến tranh loạn lạc nên tuy được gia đình cho ăn học tử tế nhưng lại thất thường, đứt đoạn. Ông thừa nhận việc mình đăng kí vào học một ngành khoa học xã hội chẳng phải vì có năng khiếu đặc biệt gì mà “vì tôi dốt toán lắm”. Cao Xuân Huy, một nhà Nho nhưng có cốt cách một nhà hiền triết phương Đông, lại như một cái bóng quá lớn che rợp suốt một quãng đời cậu con trai Cao Xuân Hạo.
Thế nhưng ngẫm lại, người ta mới thấy rằng cuộc đời và sự nghiệp của Cao Xuân Hạo chứa đựng bao nhiêu nghịch lí. Trong đó, có những khoảng đời không bình lặng và có những thời điểm thăng hoa hết sức diệu kì.
Là cán bộ của Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1956, thế mà vì một lí do tế nhị, ông không hề được đứng trên bục giảng. Hơn 20 năm âm thầm, cặm cụi cùng sách vở, thư viện, chàng thanh niên mảnh khảnh kia đã cần mẫn học ngoại ngữ, đọc và dịch một số lượng tác phẩm văn học khổng lồ: hơn 30 ngàn trang sách, chủ yếu từ tiếng Pháp và tiếng Nga. Độc giả hẳn còn nhớ bản dịch để đời cuốn Chiến tranh và hòa bình(4 tập) của Đại văn hào Nga L. Tônxtôi (cùng dịch với Nhữ Thành, tức Phan Ngọc). Và độc giả hẳn cũng còn nhớ các tiểu thuyết Người con gái viên đại úy (A. X. Puskin) , Đèn không hắt bóng(Y. Watanabe) , Tội ác và hình phạt(F. Dostoievski), Con đường đau khổ(A. Tônxtôi), Nô tì Isaura, Papillon - người tù khổ sai... qua các bản dịch trứ danh của Cao Xuân Hạo. Thông thuộc mấy ngoại ngữ (Pháp, Nga, Trung, Anh) như lòng bàn tay và đặc biệt với mẫn cảm tiếng mẹ đẻ một cách tuyệt vời, Cao Xuân Hạo đã Việt hóa các bản dịch ngoại ngữ tới mức độc giả cảm nhận chẳng khác gì đọc tác phẩm của người Việt. Cho đến nay, hầu hết các bản dịch của Cao Xuân Hạo rất khó có người đi sau vượt qua. Có bao nhiêu ví dụ hết sức sinh động trong quãng đời dịch thuật để ông khái quát nên một chân lí “Dịch rất dễ biến thành phản. Dịch chính xác từng chữ rồi ghép lại theo cấu trúc ngôn ngữ đang dịch là cách tốt nhất để dẫn tới dịch sai hoàn toàn”. Ông ví dụ, có người dịch câu tiếng Pháp Il n’y a pas de soleil icilà “Không có mặt trời ở đây”, dịch thế đúng về cấu trúc nguyên bản nhưng lại diễn đạt không đúng văn phong Việt (Nên dịch Ở đây không có nắng). Hay câu Ôtes - toi de mon soleilbị dịch là “Cúi xin bệ hạ bước ra khỏi mặt trời của kẻ hạ thần”, mà lẽ ra nên dịch là “Tránh ra cho ta sưởi nắng”. Hay câu dịch ra tiếng Việt của một học sinh Bungari (theo đúng thời và thể tiếng châu Âu) Chỉ tháng trước, những cây đã xanh, mà nay chúng đang vàng,trong khi người Việt nói đơn giản là “Mới tháng trước, cây cối còn đang xanh, mà nay đã vàng rực”. Cao Xuân Hạo có cả một kho các giai thoại như vậy. Và chính các giai thoại dịch ấy đã làm ông giật mình. Cái giật mình đã khiến một dịch giả như ông trở thành một nhà ngôn ngữ học “chính danh, chính hiệu” một cách hết sức kì lạ.
Bởi mãi tới năm 1991, tức lúc bước qua tuổi 60, Cao Xuân Hạo mới xuất bản chuyên luận ngôn ngữ học đầu tiên: Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng(quyển 1). Cuốn sách thực sự gây sửng sốt đối với cả giới ngôn ngữ học. Qua công trình này, người ta thực sự ngạc nhiên về sức đọc, sức cảm thụ và sức viết của ông. Cũng bởi trước khi viết công trình này, Cao Xuân Hạo đã đọc, đã dịch khá nhiều tác phẩm ngữ học của các học giả thế giới ở nhiều lĩnh vực: Nguyên lí âm vị học(N. S. Trubezkoy), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương(F. de Saussure), Ngôn ngữ và cấu trúc(A. Martinet), v. v. Thấm nhuần nguyên lí “Ngôn ngữ của loài người có những sự tương đồng rất cơ bản, vì cách con người tri giác và nhận thức thế giới, và từ đó là cách họ tư duy về cái thế giới ấy, về cơ bản chỉ có một... Nhưng những phương tiện mà mỗi ngôn ngữ dùng để diễn đạt cái sở biểu ấy có thể rất khác nhau”. Phản ứng quyết liệt quan điểm dĩ Âu vi trung(lấy châu Âu làm trung tâm), tự coi mình là một “môn đệ’ của Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo tâm đắc và cổ xúy mạnh mẽ cho lí thuyết về tính hình tiết ( morphosyllacisme). Ông viết: “Nếu thuyết ấy đúng, thì có thể rút từ đấy ra một kết luận có ý nghĩa trong tiếng Viêt, tiếngvừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ, và nếu ta có thể hình dung một ngôn ngữ Âu châu như một cơ chế hoạt động trên ba cái trục chính - âm vị, hình vị và từ - thì tiếng Việt dường như gộp ba cái trục ấy lại, làm thành cái trục hợp nhất ấy là tiếng . Một cơ chế ngôn ngữ như thế không những không có gì là kỳ quặc, mà còn có phần hợp lẽ hơn một cơ chế kiểu Âu châu”. Từ đây, Cao Xuân Hạo đã đề xuất một phương pháp tiếp cận ngôn ngữ học theo hướng hoàn toàn mới: Giải pháp đúng nhất của ngữ pháp tiếng Việt là phải căn cứ vào chức năng giao tiếp mà phân tích câu thành 2 phần cơ bản Đề và Thuyết. Ông không chấp nhận ngữ pháp theo cấu trúc Chủ - Vị (đang được giảng dạy trong nhà trường hiện nay) mà ông từng giễu cợt là “một thứ ngữ pháp tiếng Pháp cổ lỗ đầu thế kỉ 20, có ví dụ bằng tiếng Việt”. Dĩ nhiên, quan điểm đó của Cao Xuân Hạo chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, thậm chí có người cho ông là cực đoan, thiếu thực tế. Không ít những cuộc tranh luận xuất phát từ đây, hết sức sôi động, hết sức căng thẳng, và vẫn chưa ngã ngũ. Quan điểm của ông có nhiều người chia sẻ và có không ít người không đồng tình. Bởi lẽ, có nhiều giải pháp tiếp cận một đối tượng chứ đâu chỉ một., mỗi giải pháp có ưu thế riêng và cũng có bất cập riêng. Ngôn ngữ không có “duy nhất đúng” mà cần có sự bổ khuyết ( Rằng, trong lẽ phải có người có ta,Nguyễn Du). Nhưng, khoa học đôi khi lại có sự đổi thay chính từ một sự cực đoan nào đó. Thái độ của Cao Xuân Hạo cùng với luận điểm khoa học khó phản bác của ông đã làm cho giới Việt ngữ học phải tiếp tục xem xét, điều chỉnh lại cách miêu tả ngữ pháp tiếng Việt đúng như bản chất nó đang hành chức. Cuốn sách về ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo xứng đáng được coi là một thành tựu, một dấu ấn trong chặng đường phát triển của Việt ngữ học. Bất cứ ai bước chân vào nghiên cứu ngôn ngữ học, cũng có thể thu lượm đươc nhiều điều bổ ích về tri thức cơ bản, về cú pháp học, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu vừa bài bản vừa hiện đại.
Là một người hiểu tiếng Việt, yêu tiếng Việt đến hết lòng, cả đời Cao Xuân Hạo trăn trở vì sự nghiệp phát triển tiếng nói. Cho đến nay, dù mới công bố 6 công trình (riêng và chung) nhưng Cao Xuân Hạo đã để lại trong lòng người đọc bóng dáng của một nhà lí luận tầm cỡ. Lần đầu tiên, một công trình ngữ học 300 trang do ông trực tiếp viết bằng tiếng Pháp ( Phonologie et linéarité.Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine) được xuất bản tại Paris (1985) đã làm ngỡ ngàng giới ngôn ngữ học thế giới. Iean - Pierre Chambon - một học giả Pháp - đã phải thốt lên: “Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra - chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến - mới thật là cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại”. Nhận xét như thế kể cũng hơi quá lời, nhưng nó cũng đã phản ánh phần nào ảnh hưởng to lớn của tư tưởng lí thuyết do Cao Xuân Hạo đề xướng.
Dù lí luận hết sức cao sâu, nhưng người đọc vẫn rất thích đọc những trang viết của Cao Xuân Hạo. Ông có biệt tài diễn đạt mọi vấn đề hóc búa, một cách hết sức giản dị, tường minh và rất trong sáng. Ngay cả những người không thích ông, đối lập quan điểm với ông cũng đều bị cuốn hút bởi cách viết mới lạ rất đời thường và cực kì sắc sảo của ông. Tầm tri thức và tầm văn hóa của Cao Xuân Hạo rất rộng. Viết sách đã giỏi, viết báo cũng rất tài, không biết bao nhiêu bài báo của ông đã được đăng trên Văn Nghệ, Kiến thức ngày nay, Ngôn ngữ, Ngôn ngữ & Đời sống, Tuổi Trẻ, Xưa & Nay., Lao Động,... làm mê hoặc lòng người. Ông đã tạo cho riêng mình một phong cách, rất đặc trưng, rất... Cao Xuân Hạo.
Là Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN (từ năm 2000), Phó Tổng biên tập tờ Ngôn ngữ & Đời sống (từ 2001), Cao Xuân Hạo đã góp phần quảng bá tri thức ngôn ngữ học tới đông đảo bạn đọc. Một thời gian dài, dưới bút danh Sái Phu, Cao Xuân Hạo đã cung cấp một số lượng bài lớn cho mục Viết nhịu(Lapsus Calamy) trên Ngôn ngữ & Đời sống, với những vấn đề đặt ra cụ thể, qua một giọng văn sắc sảo, hài hước và có giá trị cảnh tỉnh người đọc. Trong nhiều năm, ông đi khắp nơi để truyền thụ quan điểm của mình. Bao nhiêu học trò khắp từ Nam chí Bắc đã trưởng thành nhờ sự chỉ bảo dạy dỗ của ông. Thật tiếc, cuộc sống đã không chiều lòng người. Cách đây dăm năm, ông đã phải nằm một thời gian sau một cơn đột quỵ nhẹ. Nhưng tới lần thứ hai (9-2007) vừa rồi thì ông quỵ hẳn. Người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giữ gìn tiếng Việt ngàn đời đã thở hơi cuối cùng rồi chìm vào giấc ngủ ngàn thu.
Vĩnh biệt GS Cao Xuân Hạo, một nhà ngôn ngữ học mà trái tim đập mãi cùng linh hồn bất diệt của tiếng Việt. Qua ông, người đọc thấy thêm quý, thêm yêu, thêm trân trọng tiếng mẹ đẻ với tất cả nét đẹp ẩn tàng như một vỉa quặng khai thác không bao giờ cạn.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 12 - 2007, tr 37.