Ông...thần nước
Hạn hán xuất hiện… kỳ tài
Người ta chỉ biết đến biệt tài của ông Hoàng khi đợt hạn hán năm 2003 kéo dài khiến mảnh đất Quỳnh Lưu vốn đã bạc màu lại càng khốn khó. Khi ấy, những chiếc giếng trong xã Quỳnh Giang đã dần cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cận kề, bà con chỉ biết trông chờ vào… ông trời. Nhưng có một chuyện lạ: Giếng nước nhà ông Hoàng không cạn, nguồn nước sinh hoạt dồi dào khiến nhiều người dân của 12 đội trong xã hằng ngày mang thùng, xô đến nhà ông xin nước.
Người dân chưa khỏi ngạc nhiên thì ông Hoàng bảo: “Đấy là do bà con chưa tìm đúng mạch nước để đào chứ vùng đất này thiếu gì nước”. Để chứng minh, ngày hôm sau ông Hoàng mang “đồ nghề” là hai que sắt nhỏ được uốn vuông góc (một chiều dài khoảng 30cm và 1 chiều dài 20cm) sang nhà anh Hồ Văn Tường (hàng xóm) để… khám nước trước sự chứng kiến của vài người trong xóm. Sau khi để chiếc que sắt trên tay “đung đưa” một hồi trong khu vườn khô cằn, ông Hoàng “phán”: “Nhà anh đào chưa đúng mạch nước, mạch nước ở cách giếng cũ 5 mét, nếu muốn có nước sử dụng lâu dài anh phải đào cái khác”. Dù bán tin bán nghi nhưng trong hoàn cảnh không có nước để dùng, anh Tường cũng đánh liều đào thử xem sao. Thật bất ngờ, khi đào sâu chưa bằng giếng cũ thì nước đã tuôn trào. Ngay trong đêm đó cả làng ùn ùn kéo đến nhà anh Tường để xem điều kỳ diệu.
Lên đường dò nước
Có lẽ người mang ơn ông Hoàng nhiều nhất là anh Nguyễn Đình Lăng ở Hà Nội. Anh Lăng đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng khu du lịch sinh thái tại Kim Bôi, Hoà Bình. Cơ sở hạ tầng hoàn tất thì cũng là lúc cái giếng khoan khô sạch nước. Thuê thợ khoan lại đến hai lần nhưng rốt cuộc tất cả đều “bó tay”. Nhờ một người mách bảo, ngày 29-3-2006 anh Lăng tìm về nhà ông Hoàng mời cho được “thần nước”. Không phụ công anh, chỉ một ngày có mặt tại Hoà Bình, ông Hoàng đã dễ dàng tìm ra nguồn nước. Từ đó đến nay anh Lăng xem ông Hoàng như là ân nhân của mình. Anh thường xuyên điện thoại thăm hỏi, và có lần đưa ô tô về tân nơi mời ông Hoàng lên Hoà Bình nghỉ ngơi một thời gian nhưng ông từ chối.
Gần đây nhất, ông Hoàng đi tìm nước cho Cơ quan Cơ yếu X951 Vĩnh Phúc khi họ đang xây dựng một doanh trại quân đội tại vùng cao thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tìm nguồn nước khó khăn, các kỹ sư địa chất đã phải dùng đến ảnh vệ tinh để thăm dò. Nghe tiếng ông Hoàng, họ đã lặn lội tìm về Quỳnh Giang mời ông ra tìm thử xem sao. Và một lần nữa, với hai que sắt, “ông Hoàng đã dò ra nguồn nước ngầm chính xác gần như trùng khớp hợp với ảnh vệ tinh” - Anh Đào Văn Phe, cán bộ cơ quan cơ yếu X951 nói.
Khả năng thiên bẩm (?)
Theo như ông Hoàng kể, ngày trước bố ông cũng rất giỏi tìm nguồn nước ngầm. Khi ấy ông Hoàng mới 14 tuổi, lẽo đẽo theo bố đi khắp đó đây để tìm nước. Công cụ tìm nước của bố ông là 10 đồng xu được xâu chuỗi vào nhau, sau đó đi rà trên mặt đất (khi tìm phải đi bằng chân đất), chỗ nào đồng tiền “sánh” (bị nước hút nên chuyển động mạnh) là ở đó có nước và càng “sánh” mạnh thì nước càng nhiều.
Sau này, khi người cha mất đi, ông Hoàng liền lấy xâu đồng xu của bố để thử và phát hiện mình cũng có khả năng đặc biệt như người cha. Tuy nhiên, ông cũng chỉ làm thử cho vui chứ “thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, tìm mò làm sao chính xác bằng” - ông Hoàng tâm sự.
Khác với người cha, ông Hoàng không tìm nước bằng đồng xu mà bằng hai que sắt. Theo kinh nghiệm của ông, chỗ nào que sắt bị hút mạnh thì ở đó tập trung nguồn nước lớn.
Ông Hoàng cho biết, đã nhiều người mượn “đồ nghề” của ông để thử nhưng không phát hiện có điều gì đặc biệt. “Có lẽ cấu tạo con người tôi có gì khác người nên khi đi tìm nguồn nước ngầm là cứ bị nước hút chăng?” - Ông thủ thỉ.
Nguồn: KH&ĐS Chuyên đề NTDTTS&MN Số 4 24/11/2006