Ông tiến sỹ và bộ sưu tập quốc điệp
Căn nhà ông nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM. Ở đó ông dành một không gian của phòng khách cho bộ sưu tập bướm của mình. Rất nhiều loài bướm được lồng vào khung kính treo trang trọng chứng tỏ lòng yêu thích say mê của chủ nhân dành cho chúng rất lớn. Thêm vào đó là những vật dụng có liên quan đến bướm cũng được ông sưu tầm, tìm mua như tranh bướm, lồng đèn bướm,… Quý nhất là bộ sưu tập quốc điệp của các nước như Nhật Bản, Malaixia, Indonexia, Trung Quốc,… và nhiều loài bướm quý hiếm khác mà trị giá lên tới cả nghìn đô la.
Từ lòng đam mê dành cho bướm
Thuở nhỏ, ông cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên từ thôn quê, đều sẵn mang trong mình lòng yêu thiên nhiên, động vật. Đến khi đi học, tình yêu thiên nhiên đó càng nảy nở thêm khi ông quyết định thi vào ngành Hoá Sinh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những kiến thức khoa học ông thu lượm được cho thấy những giá trị hữu ích mà loài bướm mang lại cho con người càng làm cho ông thêm yêu chúng hơn. Từ thời sinh viên, ông đã có ý thức sưu tập bướm. Ông nhớ có những lần đi thực tập ở trong rừng về các loài côn trùng, trong đó có bướm, ông đã mang về thật nhiều loài bướm khiến bạn bè ngạc nhiên.
Nhưng thời đó những nghiên cứu về loài bướm ở Việt Nam chưa sâu, chưa phát triển, nên sự phân loại, am hiểu về các loài bướm của giới chuyên môn và cả ông còn hạn chế. Và vì thế ông cũng chỉ sưu tập được một số loài bướm mà thôi. Song chính điều đó càng làm cho niềm đam mê khám phá về bướm trong ông thêm cháy bỏng. Sau này, khi đã ra trường, do hoàn cảnh đất nước, như bao người khác lúc đó, ông trở thành người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đơn vị ông đóng quân ở gần rừng. Thế là, ông lại có điều kiện tìm bướm.
Hết chiến tranh, ông trở về công tác tại một cơ quan khoa học của quân đội. Từ đó, ông có nhiều thời gian hơn dành cho việc tìm hiểu về những giá trị, ích lợi mà loài bướm mang lại cho con người. Ông bảo: “Con bướm giúp ích cho con người rất nhiều và hiện nay nhiều nhà khoa học đang đi nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Chưa có con vật nhỏ nhắn nào mà mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người như loài bướm. Chẳng hạn: gần gũi nhất là bướm giúp cây thụ phấn, giúp chữa bệnh như con tằm, ngài đực của con tằm làm thuốc cường dương, kém tằm làm tơ lụa. Hiện nay, tại Thái Lan, người ta đã nghiên cứu và chế tạo ra áo giáp chống đạn bằng tơ tằm…Bướm còn tạo ra những loại hình, sản phẩm mới để phát triển kinh tế như làm du lịch với các bộ sưu tập bảo tàng về bướm”.
Ngoài ra, về mặt khoa học, tiến sỹ Tường cho rằng” Bướm là biểu hiện cho vẻ đẹp thiên nhiên, tính đa dạng của vùng nhiệt đới. Với Việt Nam bướm gắn liền với văn hoá, đi vào văn học. Rất nhiều bài thơ, ca dao, tục ngữ, truyện của Việt Nam đều có hình tượng của con bướm. Mà đâu chỉ có Việt Nam , nhiều nước khác cũng vậy. Điển hình như Trung Quốc với truyền thuyết Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài (một tình sử Romeo-Juliete phương đông) khi chết hoá bướm, Trang Tử nằm mơ thấy mình hoá bướm…đều là những biểu hiện, minh chứng sự gần gũi của loài bướm với con người. Nói cách khác, bướm đã là một phần của biểu tượng văn hoá”.
Đến bộ sưu tập quốc điệp
Từ lòng yêu bướm và sự đam mê sưu tập, ông đã không ngần ngại bỏ bao công sức ra tìm hiểu và tìm mọi cách để có trong tay nhiều loài bướm quý, lạ của Việt Nam và thế giới. Bộ sưu tập của ông có nhiều loài bướm rất quý mà giá trị của chúng lên đến hàng ngàn đô la, có khi không tính nổi bằng tiền. Chẳng hạn như loài bướm Hoàng đế mà Trung Quốc lấy làm quốc điệp của nước họ. Đây là một loài bướm cực kỳ quý hiếm và rất đẹp với đôi cánh có nhũ tuyến sặc sỡ. Một con bướm này giá có thể hàng ngàn đô la. Hoặc đó là loại bướm mà người Trung Quốc gọi là bướm Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, do đôi cánh của nó có hai hình hoa văn đối xứng nhau rất đẹp, mà họ tin rằng là hiện thân của hai người này sau khi chết.
Ngoài ra, ông còn có các loài quốc điệp của một số nước khác nữa như quốc điệp của Malaixia, Indonexia, Nhật Bản. “Còn quốc điệp của Malaixia và Indonexia là tôi trao đổi hai con bướm Bà với ông giám đốc bảo tàng bướm Kualalampur, khi tôi qua đó tham quan. Hai con này quý và hiếm, nên mới được chọn làm quốc điệp của nước họ. Tiêu chuẩn của quốc điệp là phải to đẹp, quý hiếm đặc hữu và phổ biến ở nhiều ở nước đó mà các nước xung quanh không có hoặc ít có. Quốc điệp do hiệp hội Bướm của nước đó bầu chọn. Ở Việt Nam hiện chưa có quốc điệp và không phải nước nào cũng có quốc điệp”-ông Tường bộc bạch.
Cũng theo ông, hiện nay Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị diệt chủng một số loài bướm quý do nạn săn bán bướm cho người nước ngoài.Vì vậy, một số nhà khoa học đã đề nghị nên triển khai một dự án dạy kỹ thuật nuôi bướm cho bà con dân tộc để bán cho người nước ngoài tránh tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay.
“Trên thế giới có khoảng 250.000 loài bướm. Riêng Việt Nam có khoảng 300-500 loài, trong đó có những loài bướm đẹp mà nước khác không có hoặc ít có, như bướm Bà, bướm lá cây, cánh chim…Hiện nay, chúng ta đã hình thành nên một thị trường bướm và đã xuất khẩu sang một số nước như Nhật, Mỹ…Chúng ta cũng đã tham gia vào công ước Cites, công ước bảo vệ thiên nhiên hoang dã, cấm mua bán các loài bướm quý hiếm. Thế nhưng, do lợi nhuận cao, vẫn có nhiều người nước ngoài qua Việt Nam tìm mua lậu rồi chuyển về nước bán cho các tiệm sản xuất tranh bướm, hoặc làm bộ sưu tập. Một bức tranh bướm hàng trăm, hàng ngàn đô la nên nhiều người bất chấp. Tôi sợ một ngày nào đó, nước ta không còn loài bướm đẹp nữa”
Nguồn: Kinh tế nông thôn cuối tuần, số 42 (114)