Ông tiến sĩ người Sán Chỉ đầu tiên và giấc mơ giữ gìn nguồn thuốc quý
Giấc mơ được học
Gần 20 năm gắn bó với bộ môn thực vật học của Trường ĐH Dược Hà Nội, ông tiến sĩ đầu tiên của người Sán Chỉ, Trần Văn Ơn vẫn nhớ như in cái đêm "định mệnh" ấy. Đó là một buổi tối cách đây 25 năm về trước, khi cậu thanh niên Trần Văn Ơn đang ở trong rừng trông nương rẫy cho gia đình thì một người bạn cùng bản đi qua lán nhà anh gọi với "này, hôm nay tao nhìn thấy có cái giấy gì gửi mày đang ở trên xã đấy". Nghe vậy, Ơn tò mò muốn biết lắm, thế là năn nỉ người anh trai đốt đuốc, băng rừng để về bản xem cái giấy "gì" kia. Đêm tối mịt mùng, đường về bản lại khá xa, hai anh em đã phải đốt hết vài bó đuốc nhưng về đến nhà thì trời cũng vừa sáng. Lại tiếp tục vội vàng chạy ra xã, đến nơi, Ơn gần như không tin nổi cái giấy gửi cho anh chính là giấy gọi nhập học hệ dự bị đại học dành cho con em dân tộc thiểu số của trường ĐH Dược Hà Nội... Cảm giác sung sướng tột cùng, vì "giấc mơ về phố" đi học ĐH Dược của Ơn đã thành hiện thực.
Rời bản, rời góc rừng đã in bước chân anh suốt thời thơ ấu và gia đình, Trần Văn Ơn "xuống núi" nhập hộ khẩu vào Trường ĐH Dược. Một năm sau hệ dự bị, anh đăng ký thi ngành Dược thực vật - bộ môn không mấy sinh viên Trường Dược yêu thích vì khó khăn và phải đi thực địa nhiều. Trần Văn Ơn trúng tuyển, thế là giấc mơ được đi học đại học của cậu bé người Sán Chỉ lặn lội từ rừng về phố, như mồi lửa nhỏ được nhen nhóm, bùng cháy...
Không biết là cỏ dại, biết là cây thuốc quý...
Gia đình hai bên nội ngoại mấy đời làm nghề thuốc nam, từ nhỏ cậu bé Trần Văn Ơn đã sống trong môi trường gắn bó với cây thuốc, thêm vào đó là những ngày tháng theo cha mẹ lên rừng làm nương, vì thế cây cỏ xung quanh bản làng dường như đã "níu" hồn cậu và gieo vào đó niềm đam mê mãnh liệt. Đến mức mỗi lần vào rừng lấy thuốc cùng ông nội, ngoại, cậu bé Trần Văn Ơn đã luôn mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình để ghi chép các đặc điểm, kèm theo hình vẽ minh họa về mỗi cây thuốc. Cuốn sổ nhỏ đó, giờ đã ngả màu theo thời gian nhưng anh vẫn giữ như một "báu vật", bởi nhờ nó anh đã có được những kinh nghiệm đầu đời về nghề thuốc thực vật... Lên đại học, rất may mắn khi cậu sinh viên ham mê cây thuốc trở thành học trò cưng của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong khoa thực vật của trường ĐH Dược như: GS.TSKH. Trần Văn Thành, GS. Vũ Văn Chuyên - giáo sư "độc ngữ" về môn Latinh. TS. Trần Văn Ơn bảo rằng, anh đã rất may mắn khi không chỉ học được kiến thức mà còn cả tác phong làm việc và niềm đam mê khoa học từ các thầy đáng kính, để đến khi được giữ lại trường làm thầy giáo, anh lại "truyền lửa" cho các thế hệ sinh viên của mình. Với các sinh viên bộ môn Dược thực vật học, Trường ĐH Dược Hà Nội, ấn tượng lớn nhất về người thầy tiến sĩ kiêm phó trưởng bộ môn là lòng yêu khoa học và làm khoa học một cách nghiêm túc. Thầy Ơn truyền niềm đam mê ấy cho sinh viên của mình bằng sự nghiêm khắc và đòi hỏi cao, nghiên cứu khoa học là một việc làm không thể cẩu thả, đối với công tác nghiên cứu khoa học của ngành dược, lại càng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính chính xác cao. Nói về chuyện này, TS. Trần Văn Ơn cười và bảo "nợ đời phải trả lại đời thôi mà. Ngày trước tôi được các thầy dìu dắt, chỉ bảo thế nào thì bây giờ tôi giúp các em như vậy"...
Trong suy nghĩ của tiến sĩ dược thực vật Trần Văn Ơn, xu thế con người hòa nhập với thiên nhiên, cây cỏ sẽ quay trở lại. Những cây thuốc trong tự nhiên sẽ trở thành nguồn thuốc quý với sức khỏe con người. Chính vì thế anh đã quyết định chọn đề tài "bảo tồn, phát triển những loài thuốc quý" để nghiên cứu khoa học và bảo vệ luận án tiến sĩ. Để hoàn thiện đề tài, ngót chục năm trời, anh lặn lộn trên khắp các bản làng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên..., hệ thống hóa lại các cây thuốc, mô tả đặc điểm nhận dạng, công dụng của từng cây cho luận án tiến sĩ và phát triển thành tài liệu giảng dạy cho sinh viên sau này. Đi nhiều, ở rừng nhiều đến mức, hơn một nửa thời gian trong năm anh gắn bó với rừng, với cây cỏ nên anh nhận thấy một thực tế đáng buồn là "chúng ta có rất nhiều cây thuốc quý trong đời sống, thế nhưng những loài cây được dân gian biết đến và còn lại không nhiều.
Năm 2003, một lần lên Tả Khoang, xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thực địa, thấy các nhà nghỉ, khách sạn xung quanh điểm du lịch này mọc lên nhan nhản dịch vụ "tắm thuốc của người Dao đỏ", tìm hiểu, TS. Ơn phát hiện bài thuốc tắm bí truyền của người Dao đỏ đã bị các cơ sở kinh doanh thương mại hóa, thay đổi khá nhiều. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì tri thức, thành quả của người Dao đỏ về bài thuốc tắm sẽ dần mất đi công dụng thực thụ với sức khỏe con người. Nghĩ thế, anh lại "ăn dầm ở dề" mấy năm trời cùng các cộng sự trong bộ môn và sinh viên ở các bản làng của người Dao đỏ lấy mẫu về nghiên cứu thành phần của bài thuốc. Miệt mài chiết xuất, thử nghiệm nhiều lần, anh và cộng sự đã đưa ra được công thức chuyển đổi bài thuốc tắm thủ công của người Dao đỏ theo kiểu "xông cảm" thành sản phẩm hộp thuốc tắm. Không những thế, anh và các cán bộ của bộ môn Dược thực vật còn giúp người Dao đỏ ở Tả Phìn đăng ký bản quyền và vận động chính quyền xã mở hợp tác xã để khai thác bài thuốc của cha ông nhằm giải bài toán xóa đói giảm nghèo cho đồng bào trong xã. Thế rồi, đầu năm 2007, một công ty chuyên sản xuất thuốc tắm từ bài thuốc bí truyền của người Dao đỏ Tả Phìn đã được ra đời.
TS. Trần Văn Ơn yêu quý vô cùng khu vườn dược liệu khoảng 1.000m2 với hơn 400 loại cây dược liệu, trong đó có những cây quý, đã ghi vào Sách đỏ Việt Nam như cây kim dao, đẳng sâm, cây củ dòm, hoàng đằng, khôi tía... ở khuôn viên Trường ĐH Dược mà thế hệ đi trước, anh và các đồng nghiệp đã dày công sưu tầm, nuôi trồng, nhân giống. Đó là những nguồn "tư liệu sống" quý giá cho công tác nghiên cứu khoa học của bộ môn và cho cả mỗi bài giảng của anh với sinh viên thêm sinh động, thực tiễn hơn...
Gắn bó với Dược thực vật - một chuyên ngành luôn gắn với núi rừng, cây cỏ càng nhiều, TS. Trần Văn Ơn càng không nguôi ước mơ khôi phục, bảo tồn, phát triển những cây dược liệu quý, hiếm và đăng ký thương hiệu cho bài thuốc của đồng bào dân tộc, trả lại cho họ để không bị thất truyền. Cho đến bây giờ, ở quê hương Đồng Hỷ của TS. Trần Văn Ơn, câu chuyện đốt đuốc nứa xuyên rừng suốt đêm để đến với giảng đường đại học của anh mấy chục năm trước vẫn trở thành tấm gương thắp sáng lòng say mê học tập của nhiều thế hệ trẻ em người Sán Chỉ sau này...
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống, 2/2008