‘Ông mụ’ chôm chôm
Bỏ phố về làng
Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, có đủ điều kiện ở lại làm giảng viên và nghiên cứu khoa học nhưng kỹ sư Bùi Thanh Liêm lại quày quả về quê.
Quê anh ở Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre), nức tiếng trồng cây ăn trái. Ngặt nỗi xưa giờ, cách nghĩ, cách làm của người dân vẫn còn lạc hậu. Chuyện trúng mùa dội chợ, chuyện thất bát, giá nhảy dựng... cứ diễn ra cầm canh, "quần" các lão nông quay như chong chóng. Đó là hệ lụy của tập quán canh tác già kinh nghiệm nhưng non kỹ thuật của nhà vườn, để rồi cứ lẩn quẩn trong cái cảnh chặt cây này trồng cây khác, vắt giò lên cổ mà chạy, từ đời cha đến đời con.
Đùm túm về vườn chưa được bao lâu một sự kiện dữ dội xảy ra trên thị trường cây ăn trái: nhãn da bò soán ngôi, chôm chôm phải thoái vị bởi ba bốn năm liền trái điếc ngắc. Nhà vườn đoán già đoán non, nhà khoa học cũng lắc đầu thở ra, đổ lỗi tho thời tiết.
Bẵng một dạo, ở xóm trên có ông Bảy Ý vỗ đùi la làng: "Mụ nội ơi, cây mà cũng có đực với cái". Chuyện như vầy, vườn của ông Ý có cây chôm chôm trổ toàn bông đực, mấy cây chung quanh ra trái đùm đề, trong khi chỗ khác trớt như... củ chuối. Chuyện này dân rùm beng khắp xứ, họ nhà""chôm" giống đực cao giá, vọt lên cả triệu đồng một cây nhưng hiếm, bởi từ khi chiết nhánh trồng đến lúc ra được hoa đực để trị bệnh "vô sinh" cho chôm chôm cũng ngót nghét vài năm.
Kỹ sư Liêm lục tanh bành tài liệu, cố tìm cách không cần cây đực mà vẫn ra trái như cây nhà cha Bảy Ý. Anh nhận ra chôm chôm điếc ngắc là do "âm thịnh, dương suy". Chôm chôm là loài có hoa lưỡng tính, trên cùng một phát hoa chỉ có từ một đến ba hoa đực, chiếm chưa tới 0,03%, thậm chí không có hoa nào. Báo hại, chôm chôm cái cũng khai hoa nở nhụy nhưng chẳng thấy "chôm chôm mày râu" nào tới. Đã vậy, hoa đực lại nở trước, không quá ba ngày thì ngắc ngư, héo tàn. Đến khi hoa cái bung nhụy... lại trớt he. Hoa cái tàn tạ, rũ xuống rồi rụng hết. Số rất ít vớ được phấn đực còn vướng vít đâu đó mà đậu trái nhưng trái nhỏ bằng hạt tiêu, không ruột, chìa ra trơ trọi, làm ngứa mắt, ứa gan khố chủ .
Chuyển "giới tính" cho hoa
Kỹ sư Liêm nói bằng giọng cà tửng: Ngày nay, công nghệ sinh học làm con cá cái thành cá đực lẽ nào không có cách để biến "bông đàn bà" thành "bông đàn ông"? Phải "phẫu thuật" biến hoa cái thành hoa đực mới được. Nói vậy nhưng lo. Rủi cả vườn chôm chôm bị "đực hóa", đảo ngược thành "âm suy, dương thịnh" thì lại tá hỏa. Cho nên, phải nghiên cứu cách nào để trên mỗi cây chỉ có vài phát hoa trổ toàn hoa đực, đủ để "chiến đấu" với các phát hoa phái "vịt giời".
Ông kỹ sư tất tả chạy ngược về Cần Thơ, rủ bạn bè về bàn chuyện "đực hóa", cứu nguy cho 1.400 ha chôm chôm quê nhà đang có nguy cơ xóa sổ. Cách này, phương nọ không xong, đến khi phun hợp chất điều hòa sinh trưởng Napthalene-acid-acetic (NAA) mới tìm ra phương kế, có thể làm mất khả năng "đàn bà" của hoa chôm chôm cái.
Từ chất NAA, kỹ sư Liêm tiến hành pha chế với các hợp chất khác. Cuối cùng, anh đã tìm ra công thức "trộn" NAA với Methanol, Gibberellic acid (GA3) và nước, theo tỷ lệ mà cho đến nay còn giấu kín như bưng. Chế phẩm được đặt cái tên nghe rất lạ - Ramale.
Rồi anh lại bỏ ngủ, quên ăn, năn nỉ người ta cho phun thử nghiệm hết vườn này đến vườn khác, làm đi làm lại để xác định nồng độ. Khoảng 30 nông dân bỏ mặc vườn chôm chôm cho anh làm gì thì làm. Bắt đầu là 15ppm, không thành công. Nâng lên 30, 50, 100, rồi 150, 200ppm. Cuối cùng, kỹ sư Liêm cũng thành công, được mọi người gọi là "mụ ông" vì đã tìm ra phương án tối ưu giúp cây chôm chôm ra hoa, đậu trái.
Liều thuốc hồi sinh
Chỉ cần một lọ Ramale 30cc, pha trong 8 lít nước, phun được hai công chôm chôm. Mỗi cây chỉ phun vài chòm, toàn bộ phát hoa trở thành hoa đực, giúp các phát hoa còn lại trên cây thụ phấn, tỷ lệ đậu trái hơn 90%. Vườn nào cũng vậy, hễ có mặt Ramale là "tức" cây, "ói" trái. Nhà vườn chạy mua cho được Ramale. Vì thế thuốc đắt như tôm tươi pha không kịp bán. Ông Ngọc Năm ở xã Phú Phụng (Chợ Lách, Bến Tre) nháy mắt: "Một công chỉ tốn 25.000 tiền thuốc, phun qua một bận, hốt vô tiền triệu".
Nhờ chế phẩm này, chẳng những diện tích chôm chôm của tỉnh Bến Tre không bị xóa sổ mà được trồng mới, nâng tổng diện tích trồng lên gần 4.000 ha. Trong đó, khoảng 60% đang cho trái sản lượng 61.000 tấn/năm.
Người trồng chôm chôm ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương gọi anh là "bà đỡ", là "ông mụ", là vị "cứu tinh" cho loại cây trồng "trái tính, trái nết" này.
Có được biệt dược Ramale làm bửu bối, nhà vườn Bến Tre yên tâm du nhập nhiều giống chôm chôm ngon, năng suất cao như: chôm chôm kẽm, chôm chôm nhãn, chôm chôm RoongRiêng, thay dần các giống cũ đã thoái hóa, hình thành vùng chuyên canh chôm chôm đặc sản trên quy mô lớn.
Chôm chôm Bến Tre giờ không chỉ quẩn quanh ở chợ thành, chợ thị mà được đóng hộp và xuất trái tươi sang Trung Quốc, Lào, Campuchia. Người dân quê anh không còn nơm nớp, thấp thỏm vì những mùa vụ chôm chôm thất trắng. Công trình này cũng đã giúp anh bảo vệ thành công bằng thạc sĩ vào năm 1999, một học vị rất khó kiếm ở miệt vườn Bến Tre hiện nay.
Nguồn: nhandan.com.vn 26/11/2005.