Ông giám đốc với máy cấp nhiệt cải tiến
Một lần sang Nhật thăm bạn hàng, ông Chỉnh phát hiện nhà vườn ờ đây thường dùng máy cấp nhiệt chạy dầu hỏa, nên chi phí rất cao. Một nhà vườn có quy mô dài khoảng 60m, rộng 8m, cao 12m ngốn hết 500 USD tiền nhiên liệu/ngày. Trong khi đó, cây cảnh chủ yếu bán vào dịp lễ tết mùa xuân, vì thế sáu tháng mùa lạnh phải sưởi trong nhà vườn nên chi phí rất tốn kém.
Về nước ông bàn với kỹ sư Thủy và đầu tư vốn mua thiết bị từ Nhật để cải tạo, thiết kế máy cấp nhiệt mới. Cấu tạo máy của ông gồm hai phần: một thùng chứa nước có lắp các ống thép rỗng và buồng đốt nhiên liệu. Thùng còn lại gồm hệ thống bơm, quạt hút và đẩy khí. Nước trong bồn được đun nóng bằng các loại củi than, dầu...
Khi đun khoảng 2 giờ, nước trong bồn đạt 50-60 oC sẽ không cần cấp nhiệt. Khí nóng được chuyển sang buồng 2 thông qua bộ tản nhiệt. Tại buồng này, quạt sẽ hút khí nóng trong hơi nước và đẩy ra ngoài với nhiệt độ khoảng 20-25 oC theo yêu cầu. Máy bơm nước sẽ tự động ngắt khi đủ nhiệt và sẽ tiếp tục bơm khi cần. Muốn làm mát, theo ông Chỉnh: "Chỉ cần cho khay đá vào thùng nước, máy sẽ làm mát được cả ngày theo nhiệt độ yêu cầu. Nước trong bồn sẽ được làm lạnh nhanh xuống khoảng 10-15 oC và khi bơm hút thổi ra qua "hệ thống quạt sẽ đạt khoảng 15-18 oC". Đây là nhiệt độ phù hợp cho cây trồng, vật nuôi phát triển.
Công suất sinh nhiệt tối đa của máy cấp nhiệt Tùng Lâm có thể lên tới 200 - 250 oC với lưu lượng gió quạt lò đạt 360m 3/phút. Nếu giảm lưu lượng gió thì có thể tăng nhiệt lên cao hơn. Có thể nâng nhiệt độ từ 100 lên 120 độ trong vòng 1 phút. Máy cấp nhiệt Tùng Lâm có thể lập trình và điều khiển tự động qua máy vi tính.
So với máy của Nhật Bản, máy của ông Chỉnh tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều. Nếu dùng máy sấy của Nhật Bản sấy 1 kg chè mất 1,3 lít dầu DO, tương đương khoảng 13 ngàn đồng. Nhưng nay với máy móc của ông Chỉnh để sấy một kilôgam chè chỉ mất 6 ngàn đồng (tương đương với 0,6kg than).
Thiết bị của ông Chỉnh hiệu quả hơn của Nhật Bản ở chỗ: thứ nhất, đường ống bằng nilon, nguyên liệu rẻ lại bền, dễ sử dụng, muốn dẫn khí nóng đến chỗ nào cũng được, khi không dùng tới chỉ cấn buộc túm lại là xong. Trong khi đó, hệ thống sưởi dầu của Nhật Bản bằng đường ống kim loại, phải treo trong nhà vườn, muốn dẫn đến đâu là phải đặt cố định ở đó, thay đổi phức tạp và giá đắt hơn; thứ hai, chất lượng không khí tốt hơn vì máy sưởi chạy dầu, không khí nóng khô không có lợi cho cây cối bằng hơi nước ấm; thứ ba, nhiên liệu bằng than củi, phế liệu thì rẻ và có sẵn; thứ tư, máy móc đơn giản ít hỏng hóc và hỏng hóc cũng dễ sửa chữa, thiết bị thay thế rẻ tiền.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty CP Hoa Nhiệt Đới khẳng định: "Máy cấp nhiệt loại này rất phù hợp với các trang trại chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh quy mô vừa như ở Việt Nam . Bởi đối với một số loại cây trồng, vật nuôi thì việc giữ nhiệt độ ổn định là rất quan trọng. Ở nước ta, ngoài Đà Lạt là vùng có nhiệt độ ổn định thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi thì hấu hết các vùng đều có khí hậu nóng nực, còn mùa đông lại buốt giá khắc nghiệt. Với một số cây trồng ôn đới luôn cần nhiệt độ ổn định khoảng từ 15- 20 oC và máy cấp nhiệt Tùng Lâm đáp ứng tốt nhu cầu này". Công ty Tùng Lâm đã ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản cung cấp 200 chiếc máy này từ nay đến tháng 4-2007 và còn hứa hẹn nhiều hơn nữa với thị trường các nước trên thế giới.
Nguồn: Khoa học và Phát triển; nhandan.com.vn 3/11/2006