“Ông già Ozon”
Từ phút ấy, lòng nhà khoa học không yên. Công trình của ông được nung nấu. Và đó, theo ông, là con đường sáng cho những nhà khoa học Việt Nam. Ông không ngần ngại, với sự trung thực vốn có của mình, khẳng định, đây không phải là công trình ông phát minh mà ông chỉ tìm cách sử dụng nước ozon vào đòi hỏi của cuộc sống. Nhưng điều được khích lệ chính là đưa kết quả nghiên cứu khoa học đến với người lao động. Người lao động tạo ra sản phẩm và nhà khoa học tiếp tay cho họ để đem đến hiệu quả kinh tế thực sự. Ông nói đùa, đó là hoạt động “nối vòng tay lớn”.
Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, lại có vùng như ôn đới. Trái cây và hoa ở Việt Nam vào loại phong phú. Giống cây trái tốt tươi, nhiều loại quả, lại có gần như quanh năm. Đó là một lợi thế không nhỏ cho những quốc gia nông nghiệp. Ông nói, cứ như một nước Thái Lan, điều kiện Việt Nam nào có kém gì Thái Lan, vậy mà hoa quả chỉ là thứ ăn chơi, có thì tốt, không thì chẳng sao. Hoa quả chưa có vị trí thích đáng trong tỷ trọng kinh tế đất nước. ý nghĩ đó cứ quẩn quanh mãi trong đầu TS Nguyễn Văn Khải. Và ông lên đường.
Ông đến với vùng vải Lục Ngạn, đến với mận Lao Cai, Hà Giang, Cao Bằng, đến với vùng thanh long Bình Thuận, chôm chôm Đồng Nai, Bình Dương. Với bà con nông dân, ông chỉ bằng sự chứng minh trực quan để thuyết phục. Mận ngâm nước ozon, sau một tuần vẫn tươi nguyên, còn mận tự nhiên chỉ sau mấy ngày là nẫu. Vậy là mận Bắc Hà, Hà Giang có thể đi xa, xuống với người tiêu dùng Hà Nội, vào các tỉnh miền Nam. Giá cả từ vài trăm giờ đã lên vài ngàn/kg. Nhưng điều quan trọng là tìm được đường lưu thông cho sản phẩm.
- Các anh không hình dung hết niềm vui hiện trên gương mặt của bà con H’mông. Thoạt đầu họ hững hờ, không mấy quan tâm. Sau đó là chờ đợi, ngạc nhiên. Và khi thấy rõ kết quả, họ coi là sự kỳ lạ. Vậy là họ yên tâm chuyển hoa quả đi, không vứt bỏ, không cho không. Có bao nhiêu cũng bán hết.
Nhìn những đồi mận xanh um lá mùa xuân, ông hiểu giờ bà con không còn đem chặt bỏ cả vườn như hồi nào. Những chuyến xe dưa hấu xuất khẩu không còn rữa nát nằm chờ trên vùng biên giới. Điều đó khiến cho ông sung sướng đến ứa nước mắt. Ông và đồng nghiệp lại tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu ứng dụng trên những vùng đất mới, trên những giống cây mới, theo những quy trình trồng cây, chăm sóc cây cho đến quy trình sau thu hoạch.
- Chúng tôi nghiên cứu quá trình vi khuẩn phân hủy, quá trinh hô hấp của các loại hoa quả, từ đó, áp dụng các giải pháp hóa học làm giảm thiểu sự hô hấp, cũng như sự xâm nhập của vi khuẩn trong điều kiện nhiệt độ thích hợp cho từng loại cây. Chúng tôi gọi phương pháp này một cách nôm na cho bà con dễ hiểu là phương pháp cho trái cây “ngủ” bằng khí nitơ. Trái cây có thể “ngủ” tươi nguyên trong cả tháng mà không gây độc hại.
Được biết, đồng thời với việc nghiên cứu ứng dụng phương pháp “ngủ” cho hoa quả, ông và đồng sự còn nghiên cứu để áp dụng vào quy trình trồng cây, bảo quản trái cây bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa ECAWA. Phương pháp này gọi tắt là nước ozon. Nước ozon này hòa với nước tưới cho cây từ khi chiết cành đến khi ra hoa, kết trái và kéo dài độ tươi hoa quả sau thu hoạch một cách hiệu quả. Nước ozon này so với phương pháp Proton rẻ đến hơn hai mươi lần mà quy trình đơn giản, mọi thành viên trong gia đình đều thực hiện được. Bởi thế nó mang tính phổ biến nhanh và sâu rộng.
Kết quả ứng dụng thì đã rõ, nhưng tiến sĩ vẫn mang theo một nỗi niềm riêng. Đói nghèo vẫn chưa buông tha dân mình. Mà một nguyên nhân hiển nhiên là dân trí còn quá thấp. Có một điều thật bấp cập. Một nền văn minh công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ sinh học tiến như vũ bão, nó không kém gì công nghệ thông tin xét về tốc độ cũng như giá trị ứng dụng. Vậy mà dân mình trình độ nuôi trồng còn thấp lắm. Vẫn giống má ấy, vẫn lối trồng lối nuôi tự nhiên ấy thì đến đời nào những sản phẩm này mới trở thành hàng hóa. Chưa nói tới mối liên hệ giữa đô thị với nông thôn, miền núi, nghĩa là giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Có chăng chỉ là được chăng hay chớ. Mối liên hệ này, theo ông, phải trở thành một công nghệ khép kín. Người tiêu dùng, nghĩa là các công ty kinh doanh, phải có giải pháp lâu dài, phải đem công nghệ mới đến với người sản xuất, phải xây dựng những biện pháp bảo quản sau thu hoạch, phải có các xí nghiệp chế biến, phải tạo điều kiện vận chuyển và có trách nhiệm bao tiêu... Còn nhà khoa học, nói cho cùng họ là những con người nghiên cứu và khả năng ứng dụng, cũng chỉ như là những ví dụ.
TS Nguyễn Văn Khải vẫn không hề quên nhiệm vụ của ông là một giảng viên và đối tượng thường xuyên là những sinh viên, giáo viên, học sinh. Ông đã có lần nói vui; “Tôi là người giảng dạy nhiều trường nhất và nhiều học trò nhất thế giới”. Không hiểu ông Khải có nhất thế giới hay không, bởi vì hình như cũng chưa ở đâu có được cuộc điều tra và công bố. Tuy nhiên, số nơi ông đến, trên 40 tỉnh, thành của đất nước với 900 trường học, thì quả là không ít tí nào.
- Sắp tới tôi lại lên Đà Lạt. Nhìn thấy những vườn hoa Đà Lạt chạy mút tầm mắt, lòng như thư thái nhẹ nhõm. Chủ trại hoa, chủ trại cây giống và những đồi cây, vườn cây ăn quả đã điện cho chúng tôi. Anh này, có mấy khi anh để ý hoa và quả nước mình giờ có quanh năm không? Cứ như cây mít vườn ấy, thông thường quả chỉ có vào mùa hè. Nay giữa chính Tết, mít bán đầy đường, mà mít Bắc chứ không phải mít Nam đâu nhé. Rồi xoài, sầu riêng, rồi thanh long... Tuổi chúng mình, ăn trái cây còn hơn cả trăm thang thuốc bổ, trăm vỉ thuốc tăng lực đắt tiền đấy, mà có khi tiền mất tật mang. Tim mạch, áp huyết, thần kinh..., hoa quả nước Nam mình đúng là thần dược. Không phải quốc gia nào cũng được thiên nhiên ưu đãi thế đâu.
- Tiến sĩ cứ ra Bắc vào Nam hoài hoài vậy, gia đình đành để lại phía sau.
- Biết làm sao được. Bắt phong trần, phải phong trần... Nói vui vậy thôi. Mình đã có chút hiểu biết, cũng như người quản lý giữ tiền. Không thể bo bo riêng cho mình khi nhiều người đang cần đến. Tôi lên giường rồi mà vẫn nghe vùng vải Hải Dương gọi “ông già Ozon”. Công ty Long Hòa (Bình Thuận) gọi “thanh long đang chờ bác”. Mệt chứ, nhưng thấy đời mình cũng còn chút ý nghĩa, nên gắng.
Sao có thể gọi là một chút nhỉ, khi cuộc đời ông là hiện thân hình ảnh người công dân. Nước có giặc thì ông cầm súng ra mặt trận. Trên chiến trường Quảng Trị, ông và đồng đội đã nếm trải đạn bom. Hết chiến tranh, ông trở về với công việc quen thuộc. Tình yêu đối với con người hai sương một nắng, tình yêu với đất đai cây trái, khiến ông lúc nào cũng bận rộn, quên hết thời gian để mái đầu bạc trắng từ hồi nào không hay.
Ông đang chậm chạp từng bước tới tuổi sáu mươi, nhưng có lẽ cái tuổi sáu mươi ấy đối với ông là những năm tháng sung mãn với nhiều dự định. Một cán bộ giảng dạy yêu nghề, một nhà nghiên cứu đam mê với tình yêu đất đai, con người đã lặng lẽ tạo nên một nhà khoa học: Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.
Nguyên Phước
Nguồn: Nhà quản lý/ Số 11, tháng 5-2004