Ống ghép nhân tạo thay thế động mạch chủ
Cuối tháng 8, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca mổ đặt ống ghép nội mạch điều trị chứng phình động mạch chủ bụng cho bệnh nhân Võ Duy Quỳnh, 67 tuổi, ngụ tại Q.9, TP Hồ Chí Minh.
Ca mổ do các BS Bệnh viện Bình Dân và hai GS-BS người Pháp Jean Marie Cardon và Pierre Desoutter thực hiện. Đây là ca mổ áp dụng phương pháp phẫu thuật mới giúp cho bệnh nhân đỡ đau, không mất sức, mất máu, sớm hồi phục.
Phình động mạch chủ bụng là một nguy cơ khá phổ biến và nguy cấp đối với bệnh nhân bởi khi chúng vỡ ra là tử vong tức khắc.
Từ nhiều năm qua, PGS-BS Văn Tần đã nghiên cứu và thực hiện nhiều ca phẫu thuật phình động mạch chủ dưới thận đạt kết quả rất tốt. Được biết, ông là người giải phẫu cho các trường hợp phình động mạch chủ nhiều nhất Việt Nam hiện nay (trước đây, kỷ lục này thuộc về cố GS-BS Tôn Thất Tùng). Điều đáng nói là các loại động mạch bị xơ cứng, bị hẹp, bị tắc dẫn đến phình to thường chỉ xảy ra ở người có tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh cùng lúc và lâu năm, tức những bệnh nhân có tổng trạng thể chất yếu.
Trước đây, cách can thiệp cổ điển là phải thực hiện một cuộc đại phẫu hết sức phức tạp và bắt buộc phải mở ổ bụng, đòi hỏi bệnh nhân phải có sức khỏe tối thiểu bảo đảm cho giai đoạn hậu phẫu, hồi sức.
Với phương pháp mới chỉ phải xẻ hai đường nhỏ dưới đùi (sau khi đã đo thật chính xác kích thước đoạn mạch cần ghép), rồi luồn ống ghép nhân tạo (đã nén đến mức tối thiểu) vào lòng động mạch đùi. Dưới sự hỗ trợ của màn tăng sáng (từ máy chụp động mạch DSA), các bác sĩ sẽ đưa ống ghép nhân tạo (dệt bằng sợi tổng hợp có phủ màn dacron để máu không thấm qua) vào đúng vị trí, móc hai đầu rồi bung ống ghép mới ra, thay thế cho phần động mạch cũ bị phình, bị giãn.
Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật đặt ống ghép nội mạch này vẫn còn hạn chế ở chỗ: ngoài sự hỗ trợ của kỹ thuật và kinh nghiệm do đạc chính xác kích thước, vị trí của động mạch, giá thành của ống ghép vừa khá cao (gần 6.000 USD/đoạn ống ghép), lại vừa phải gửi đặt trước ở nước ngoài với thời gian tối thiểu 3 tuần" - sau thành công từ ca phẫu thuật, BS Văn Tần vẫn băn khoăn.
Rõ ràng, chi phí phẫu thuật này không phải bệnh nhân nào cũng kham nổi. Tuy nhiên, đây lại là bệnh nằm trong danh sách các bệnh... không bảo hiểm.
BS Văn Tần dự tính: "Sẽ liên hệ nhiều tổ chức từ thiện nước ngoài để xin hoặc mua với giá hỗ trợ các đoạn ống ghép nhằm hạ viện phí cho bệnh nhân. Tôi cũng đã dự định đặt những đoạn ống dài hơn đối với người có điều kiện, rồi cắt bớt phần không dùng để dành lại cho bệnh nhân nghèo. Trường hợp nhu cầu cao đành phải mua lại những đoạn dư của người ta về giặt, hấp, tẩy lại...".
Nguồn: vnn.vn 17/9/2005