“Ông compozite”
Nghe GS "kể", tôi nghĩ, những liệt kê thời gian đọng lại chỉ qua vài câu viết, mang nặng tính thông tin chứ đâu đã phải là tất cả. Nhà khoa học đã rất kiệm lời. Nhưng sau đó là những đêm mất ngủ, trăn trở về những thí nghiệm chưa thành công, cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. GS Diệu không kể về điều đó nhưng nghĩ như thế là ghi nhận đúng công sức của ông đối với sự phát triển ngành khoa học vật liệu polyme.
Bước ngoặt trong sự nghiệp nghiên cứu của GS là việc thành lập Trung tâm nghiên cứu vật liệu polyme năm 1987 do ông làm giám đốc. Từ đây, hàng loạt sản phẩm xuất phát từ các đề tài nghiên cứu đã đi thẳng vào đời sống xã hội. Người ta không thể quên GS Trần Vĩnh Diệu khi nhắc tới các công trình nghiên cứu: Chế tạo sơn epoxy-laccol để bảo vệ phía trong các xitéc đường sắt chuyên chở nước mắm từ nam ra bắc (hồi còn "bao cấp"); gối cầu cao-su cốt bản thép; cốt sợi polyme compozite cho tranh sơn mài mảng lớn; lá chắn, mũ bảo vệ cho cảnh sát; chế tạo các panel compozite làm trần cho toa xe thế hệ 2; chi tiết compozite nội thất cho ô tô chở khách...
Riêng đề tài "Nhà vòm compozite che máy bay chiến đấu"đã được trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 1995 (tác giả: Trần Vĩnh Diệu, Trần Vĩnh Hưng, Bùi Chương). Từ thực tế quan sát những chiếc máy bay chiến đấu rất đắt tiền phải chịu cảnh dãi nắng, dầm mưa hoặc dùng vải bạt phủ kín, nhanh xuống cấp, GS và các đồng nghiệp đã nghiên cứu nhà vòm kích thước lớn, che toàn bộ máy bay. Với độ cao 8m, rộng 16m, dài 25m, chịu tải trọng gió cấp 12, không bắt cháy, đến nay các nhà vòm đã giữ gìn bao nhiêu máy bay. Công trình dùng phụ gia trong nước nên đã giảm giá thành được 40%, độ bền tăng 30%, tiết kiệm cho Nhà nước cả chục tỷ đồng.
Khó có thể kể hết những đề tài nghiên cứu do GS Diệu trực tiếp làm chủ nhiệm. Những sản phẩm ấy làm theo các đề tài khoa học cấp Nhà nước, bộ, ngành và đem lại hiệu quả lớn. Ông còn trực tiếp hướng dẫn, đào tạo hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ và cả trăm cử nhân chuyên ngành vật liệu polyme.
Năm 2000, với những thành tích xuất sắc, GS Trần Vĩnh Diệu cùng lúc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, giải thưởng Nhà nước về KHCN và vinh danh Anh hùng Lao động.
"Sản phẩm từ vật liệu polyme compozite (PC) dù được ứng dụng ở sân bay Nội Bài, Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay đâu đó thì cũng là đất nước mình cả thôi" - ông cười bảo. Tuy vậy, những công trình mang dấu ấn GS Diệu và tập thể trung tâm dành riêng cho thủ đô không phải là ít. Thí dụ: Ứng dụng PC làm các dải phân cách, lan can phòng hộ và cột biển báo cho hệ thống giao thông đường bộ lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. PC rất bền, chắc, chịu va đập, đẹp và an toàn. Nếu phương tiện và người tham gia giao thông lỡ đụng phải, vật liệu PC sẽ không bị hư hỏng và không gây tổn thương nặng cho người như khi va vào bê-tông. Hiện đã có 400m dải phân cách, lan can phòng hộ, 20 bộ biển báo giao thông bằng PC được lắp đặt thử nghiệm tại đường Âu Cơ, Xuân Diệu, Thanh Niên... Việc đưa vào sử dụng các hệ thống đổ rác bằng PC cho nhà cao tầng mở ra những triển vọng khả quan. Sản phẩm có độ bền cao, chống chịu hóa chất tốt, hiện được dùng tại cụm chung cư cao tầng B7-B10 Kim Liên và một số nơi khác...
Xấp xỉ tuổi "thất tuần", trông GS Diệu tráng kiện, nhanh nhẹn hơn so với lớp người cùng tuổi. Suốt buổi, ông đau đáu với những nghĩ suy làm sao đưa khoa học thực sự trở thành động lực phát triển thủ đô và đất nước. "Bận nhiều việc và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học - kỹ thuật thủ đô, GS san sẻ thời gian như thế nào ?" - tôi hỏi.
Như được cởi lòng mình, GS Trần Vĩnh Diệu tâm sự "Cuối năm 2000, Chủ tịch UBND thành phố lúc bấy giờ là TS Hoàng Văn Nghiên có đề nghị tôi tham gia cộng tác với Hà Nội trên cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học - kỹ thuật thủ đô. Thú thật, tôi thấy nhiệm vụ này lớn quá vì hầu hết thời gian đã dành cho chuyên môn trong trường Đại học Bách khoa. Nhưng đây lại là cơ hội để có thể đóng góp cho Hà Nội, nơi tôi đã được học hành, sinh sống và làm việc trên 40 năm. Hội đồng khoa học - kỹ thuật thủ đô phối hợp với Sở KHCN thực hiện các nhiệm vụ do UBND thành phố giao, đặc biệt trong việc tư vấn các nhiệm vụ nghiên cứu hàng năm. Hội đồng không phải là cơ quan quản lý hành chính nên công việc chuyên môn của tôi và các đồng nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi đã đề xuất, tham gia thực hiện và đánh giá kết quả các đề tài và dự án; trong số đó, một số công trình có kết quả tốt và được triển khai vào thực tế. Với tôi, được góp sức mình, dù nhỏ, cho sự phát triển của Hà Nội là vinh dự lớn...".
Ông nói thêm: "Riêng với ngành KHCN Hà Nội, lúc này không phải là xác định con đường đi nữa. Bây giờ phải cụ thế hóa. Ta có thực sự muốn làm hay không. Thành phố chọn phát triển công nghệ sinh học, vật liệu mới, nano... là đúng nhưng muốn vượt lên được thì phải đầu tư lớn và có trọng điểm chứ không nên làm theo cách hiện nay. Cái gốc của sự thành công hay không là ở đây!".
... Chia tay GS Trần Vĩnh Diệu, tình cờ được nghe ông dặn học trò: "10 giờ sáng mai, thầy mới lên cơ quan vì bận đi đón bác sĩ đến điều trị cho cô...". Hỏi ra mới hay, ông đang nhắc tới PGS-TS Lê Thi Phái, người vợ, đồng nghiệp, trợ thủ đắc lực của ông trong suốt chặng đường làm khoa học. Một "góc" khác, "ông compozite" là người thế đó!
Nguồn:www.nhandan.com.vn 20/6/2005