Ông chủ của chiếc máy “độc”
Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Cao Thắng – TPHCM năm 1986, anh được nhận vào làm việc tại nhà máy cơ khí tỉnh Đồng Tháp. Gần 10 năm công tác, tích lũy kinh nghiệm, anh hiểu rõ nhưng nhu cầu thiết yếu của ngành sản xuất nông nghiệp, xây dựng ở miền Tây. Năm 1995, anh quyết định gom hết số vốn dành dụm được để thành lập xưởng cơ khí Đại Lợi. Bằng kinh nghiệm sẵn có, cộng với tấm lòng say mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, anh đã sáng chế và sản xuất thành công nghiều sản phẩm độc đáo như máy khoan cọc nhồi, máy đóng cừ tràm, máy trộn bê tông, máy rửa sắt, dàn giáo, dàn tời...
Không dừng lại ở đó, năm 2004, anh lại thử sức mình chế tạo và cải tiến máy phục vụ ngành nông nghiệp. Đầu tiên là chiếc máy lúa xếp dãy. Máy này có ưu điểm là cắt lúa cả trên ruộng khô và ruộng có nước. Kể cả với lúa bị đổ máy cũng có thể cắt được. Với công suất 4ha lúa/ngày nhưng máy chỉ tiêu hao gần 5 lít dầu. Với giá thành 500.000 – 600.000đ/máy, người nông dân dễ dàng mua nên xưởng cơ khí của anh luôn phải làm việc hết công suất mới đủ cung cấp.
Anh Đại tâm sự: “Máy đã giúp bà con cắt lúa nhanh nhưng tôi chưa yên tâm vì còn tốn nhiều nhân công thu gom, suốt bông... Lúa lại rơi vãi nhiều, thất thoát lúa của bà con. Vì thế, tôi đã suy nghĩ, tự chế tạo và lắp ráp máy vừa cắt, vừa tuốt”. Hơn 1 năm miệt mài nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công chiếc máy gặt - đập liên hợp. Vụ lúa Đông Xuân 2007 chiếc máy này đưa vào vận hành thử nghiệm trên ruộng, được các nhà khoa học và đông đảo nông dân đánh giá cao. Sản phẩm cuối cùng mà bà con nông dân nhận được là chiếc máy chắc chắn, ít hao tốn nhiên liệu và đặc biệt là hao hụt lúa không đáng kể. Máy có thể cắt 3ha lúa/ngày.
Ông Lâm Văn Cây - nông dân ở ấp Mây Rắc - xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa cho biết: “Nhà tôi đã có 3 chiếc máy gặt đập cũ nhưng tôi quyết định xuất ra 120 triệu đồng để mua máy gặt đập của cơ khí Đại Lợi. Máy gặt đập liên hợp này so với các máy trước thì có thể cải tiến tốt và hiệu quả hơn, thời gian cắt - suốt lúa nhanh, ít hao hụt. Ở những vùng đất sình lầy, lúa sập máy vẫn hoạt động tốt”.
Hiện xưởng cơ khí của anh Đại đang lắp ráp nhiều chiếc máy gặt đập liên hợp để giao cho các hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Nói về dự tính trong tương lai anh Đại cho biết: Tôi đang mở rộng mặt bằng, tăng quy mô sản xuất và đăng ký thương hiệu để đáp ứng nhu cầu đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong những lần tham dự các Hội chợ thương mại, Nông - Công nghiệp trong và ngoài tỉnh, sản phẩm máy xây dựng, máy nông nghiệp của anh Lê Tấn Đại đã được nhiều người đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng giá trị.
Nguồn: Báo KH&ĐS, số 85 (2012), 14/9/2007, tr 6