Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 28/07/2005 00:31 (GMT+7)

Ông bác sỹ đi “săn” nỗi đau thời hậu chiến



















Tình yêu trong khói lửa

Những năm 50 - 52 của thế kỷ trước, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn ác liệt, ở Trường Đại học Y lúc đó đã  truyền tụng nhau câu: “Sinh viên ra chiến trường phải như Lê Cao Đài”.

Lúc đó, chàng trai người Hà Nội, học trò của giáo sư Tôn Thất Tùng này đã xung phong vào nơi mũi tên, hòn đạn, có lúc được nghỉ mấy ngày phép hiếm hoi về thăm nhà, nhưng chứng kiến cảnh chiến sỹ ta thương vong nhiều, đã bỏ ba lô xuống ở lại cứu chữa cho thương binh.

Người ta càng cảm động khi biết Đài đang có người yêu ngày đêm trông ngóng anh ở hậu phương. Người yêu Đài - cô Vũ Giáng Hương, con gái của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương, đã cảm mến chàng trai Hà Nội này hình như từ cái nhìn đầu tiên.

Họ quen nhau sau chiến dịch Hà Nam Ninh năm 1951, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, nơi Đài công tác về củng cố tại Quần Tín, một vùng quê Thanh Bình thuộc tỉnh Thanh Hóa. Họ quen nhau khi Giáng Hương đang tản cư cùng gia đình tại đây.

Đài rất say mê văn chương, sau cả ngày hành quân mệt mỏi, tối tối anh vẫn say sưa dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt cuốn truyện “ Tinh cầu” của nhà văn Liên Xô Kazakevitch. Giáng Hương là độc giả đầu tiên và duy nhất đọc những bản dịch ấy. Sau đó, Đài theo đơn vị đi tiếp các chiến dịch Hoà Bình, sang Tây Bắc, Thượng Lào...

Hương từ khu 4 lên Việt Bắc theo học trường Mỹ thuật. Trên đường đi ngang qua đồn Tu Vũ - nơi vừa bị trung đoàn Đài tiêu diệt gọn trong một đêm trăng, giữa khói lửa đang bốc lên nghi ngút, Giáng Hương đã viết cho người yêu một lá thư trong đó có chép mấy câu thơ của nữ sĩ Pháp Madelaine Riffaud: “ Em đi qua những vùng đồi núi; Trên những con đường hẹp; Không biết anh qua đây; Không thấy dấu chân anh; Nhưng vẫn thấy anh ở đâu đây”. 

Họ cưới nhau vào năm 1954, khi chiến tranh đang độ ác liệt nhất, trước sự chứng kiến của nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương, nhà văn Phan Khôi, nhà văn Tô Hoài và đại diện cơ quan của Lê Cao Đài.

Cô dâu mặc bộ vét kaki mới, còn chú rể mặc bộ quân phục mượn của anh bạn. Sau đám cưới giản dị ấy là khoảng thời gian dằng dặc xa cách khi bác sỹ Lê Cao Đài gác lại tiêu chuẩn sang Bungari làm luận án Tiến sỹ để vào Tây Nguyên khói lửa.

Giáng Hương và con gái tiễn chồng qua những con đường, những cánh đồng hiu quạnh. Lúc chia tay, cô con gái nhỏ của họ đã nói rất hồn nhiên: “Ai lại người lớn cũng thơm nhau nhỉ?”. Nhưng cô bé đó đã mím môi lại khi thấy mẹ cúi đầu, khóc nức nở...

“Máu trong người cũng không phải của riêng anh”

Vào Tây Nguyên, Lê Cao Đài làm Viện trưởng Bệnh viện  quân đội 211, nơi điều trị, cứu chữa các trường hợp thương binh nặng, vượt khả năng điều trị của các bệnh viện tuyến trước. Viện luôn quá tải khi có 400 nhân viên  nhưng số bệnh nhân lên tới  1.500 - 1.700 người.

Sống  trong rừng, ăn độn nhiều sắn đến nỗi “tìm được hạt cơm dán cũng khó”, sốt rét triền miên, cái chết luôn rình rập.  Có nhiều lúc, mổ xong cho thương binh, bác sỹ Lê Cao Đài lại nằm xuống, cho máu để cứu sống thương binh”. 

Người bác sỹ ấy đã viết những dòng như thế này: “Ở chiến trường này, ngay máu chảy trong người cũng không phải của riêng anh! Anh cứ thử nhìn anh em thương binh mà nghĩ xem có gì là của riêng anh không? Một cẳng chân, một cánh tay thậm chí tính mạng anh em cũng không tiếc” .

Ở Viện 211, cứ  việc nào khó là người ta gọi tên Lê Cao Đài. Có trường hợp  ca mổ rất nguy hiểm, sau khi phẫu thuật 8 giờ liền, bệnh nhân qua khỏi nhưng ông lại lăn ra ngất vì kiệt sức. 

Nhìn đồng đội đau đớn ngất lên ngất xuống trên những chiếc cáng cứng cứ nhấp nhô theo con đường Trường Sơn, ông đã nảy ra sáng kiến chở hàng, chở thương binh bằng bè. Sáng kiến đó đã trở thành quy chế an toàn cho cả chiến trường.

Ông  miệt mài ngày đêm cứu chữa thương binh, quên cả mắt đang bị thiên đầu thống, dằn lòng “quên” luôn cả lời hẹn trở về với vợ con sau 6 tháng đi B. Gia đình, họ hàng mong mỏi, ông viết thư cho vợ: “Em muốn anh phủi tay, rũ trách nhiệm để ra Hà Nội cầm tay em dạo chơi quanh Bờ Hồ hay sao? ”.

Giữa  lúc ấy nỗi đau đến thật bất ngờ, cô con gái của vợ chồng anh chị đang tuổi hiếu động đã trèo lên thang gác, không may ngã xuống và qua đời ở tuổi còn thơ. Nhận được tin dữ, người bác sỹ ở chiến trường Tây Nguyên ấy nằm như chết trên võng, nước mắt cứ trào ra giàn giụa.

Khi bác sỹ Lê Cao Đài trở về Hà Nội thì họa sỹ Vũ Giáng Hương đã ngoài 40 tuổi, họ không thể có con được nữa. Và cũng không nên sinh con bởi hơn ai hết bác sỹ Lê Cao Đài biết mình đã nhiễm chất độc da cam rất nặng.

Những năm tháng làm việc ở Tây Nguyên, ông đã trực tiếp “chịu trận” hàng chục lần máy bay Mỹ rải chất độc dioxin. Cả Trường Sơn mênh mông, nhiều vùng chìm trong màn sương da cam, không biết tránh đâu cho thoát.

Ông viết  trong cuốn Hồi ký Tây Nguyên ngày ấy: “ Đêm nào cũng có năm đến sáu đồng đội của tôi ra đi...Ngày ấy do không hiểu chất độc da cam gây ra suy giảm miễn dịch, nên tôi cứ nghĩ các đồng chí ấy ra đi vì khổ cực. Tôi đã lầm”.

“Chỉ là chiếc khăn lau nước mắt”

Từ sau mùa xuân 1975, bác sỹ Lê Cao Đài dấn thân vào con đường nghiên cứu chất dioxin và những nạn nhân của nó ở Việt Nam. Có thể nói, nửa đời chăm sóc, chữa trị cho thương bệnh binh với những vết thương hữu hình, nửa đời còn lại ông tuyên chiến với những “vết thương không mảnh đạn” còn rất nhiều ở những người lính trở về sau chiến tranh.

Người ta nói bác sỹ Lê Cao Đài có một đam mê rất khác người, nghe đâu có nhiều sản phụ sinh con quái thai, dị dạng là ông quyết tìm đến bằng mọi giá. Ở đâu có những nỗi đau do chất độc da cam gây ra ông đều muốn có mặt...

Ông có mặt ở A Sầu, A Lưới, Tây Nguyên, lặn lội ba tháng liền quan sát, phát hiện và lấy mẫu vật phẩm từ đất, nước và những người nhiễm độc  đưa về phòng thí nghiệm. Bằng hàng chục những chuyến đi nghiên cứu, ông đã “vạch mặt chỉ tên” chất độc dioxin là tác nhân gây ra ung thư, sinh con quái thai. Suốt 30 năm “cõng vết thương” trên mình, đi khắp “thiên hạ”, bác sỹ Lê Cao Đài đã gặp hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam.

Bộ “sưu tập” về những nạn nhân chất độc da cam của ông ngày một phong phú, đủ để khiến cả thế giới phải “bàng hoàng” về tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Với tư cách là Giám đốc Quỹ hỗ trợ nạn nhân da cam, bác sỹ Lê Cao Đài là người đầu tiên có ý định kiện các Cty sản xuất chất dioxin rải xuống  Việt Nam.

Ông cũng là người có công mở ra sự hợp tác quốc tế trong vấn đề nghiên cứu chất da cam. Căn nhà nhỏ của ông thường xuyên đón tiếp những nhà khoa học nước ngoài đến để trao đổi ý kiến về chuyên môn và còn để xem tranh của họa sỹ Vũ Giáng Hương.

Giỏi tiếng Pháp, tự học thêm tiếng Anh, bác sỹ Lê Cao Đài đã sang Mỹ nhiều lần để nói chuyện về nỗi đau da cam mà  hàng triệu người Việt Nam đang phải chịu đựng.

Chính ông đã dịch cuốn “My father, my son” (đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Cha con tôi”) của nguyên Đô đốc Hải quân  Mỹ  E.Jumwaltm, người đã từng trực tiếp chỉ huy rải chất độc hóa học xuống Việt Nam trong chiến tranh để rồi sau đó  đau đớn hứng chịu quả báo nhãn tiền: Cháu nội bị dị tật bẩm sinh, con trai chết vì ung thư do đã sống trong vùng mình từng rải chất độc. Vị cựu Đô đốc Hải quân đã rất dằn vặt, day dứt và đã cùng con trai thứ cộng tác với GS - BS Lê Cao Đài đấu tranh vì những nạn nhân chất độc da cam.

Sau những chuyến đi dài dằng dặc, triền miên, một ngày nọ bác sỹ Lê Cao Đài phải nằm cấp cứu trong bệnh viện. Ông bị chứng viêm tụy, nội tạng huỷ hoại rất nhanh, không thuốc gì cầm giữ được. 

Các xét nghiệm cho thấy nồng độ dioxin trong cơ thể ông là 215 PPT, gấp 100 lần người bình thường. Nhưng khi tỉnh lại, ông đòi ngay: “Mang máy tính vào đây cho tôi làm việc”.

Ông nói với người nhà: “Tôi làm việc đến khi chết thì thôi, không nằm sẵn trong quan tài chờ đợi cái chết”. Và người bác sỹ ấy đã thực hiện đúng như lời mình. Tin bác sỹ Lê Cao Đài qua đời được nhà văn Mỹ Lady Borton loan báo, từ nhiều nước bạn bè quốc tế dồn dập gửi thư và điện chia buồn.

Nhà báo Elaine Woo viết trên tờ báo Times: “Một nhà khoa học lớn Việt Nam đã ra đi, một nhà khoa học lớn nhất cho đến nay về chất độc da cam và di hại của nó”. 

Mấy năm sau khi chồng qua đời, họa sỹ Vũ Giáng Hương - hiện đang là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam theo cách của riêng bà.

Tôi bị ám ảnh bởi một bức tranh họa sỹ Giáng Hương vẽ những đứa trẻ Việt Nam đang chạy giữa một rừng cây trụi lá, trên bầu trời hàng chục chiếc máy bay đang lồng lộn rải chất da cam.

Bức tranh đó có mặt trong cuộc triển lãm về đề tài chất độc da cam được tổ chức ở Thụy Điển và tới tháng 9 này, một cuộc triển lãm nữa do họa sỹ Vũ Giáng Hương chủ trì sẽ diễn ra tại Hà Nội. 

Họa sỹ Vũ Giáng Hương tự biết mình còn quá nhiều việc phải làm, bởi  hơn ai hết, bà thấm thía câu nói của chồng mình, GS - BS Lê Cao Đài trước lúc đi xa: “Những gì chúng ta làm được cho nạn nhân chất độc da cam mới chỉ là chiếc khăn lau nước mắt cho họ mà thôi!”.

BS Lê Cao Đài khám bệnh cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam
BS Lê Cao Đài khám bệnh cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.