Nuôi tôm hùm theo cách ông Ninh
Rồi hệ thống hợp tác xã nông nghiệp tan rã, ông bắt đầu nuôi dê và nuôi tôm sú. Nhưng chỉ sau năm đợt nuôi, toàn bộ vốn liếng mất sạch.
Vào thời điểm đó, ở Cam Thành Bắc đã có một số hộ nuôi tôm theo kiểu làm lồng sắt, cho tôm vào rồi kéo ra biển nuôi. Ông Ninh cứ đi dạo quanh vùng biển Cam Thành Bắc, thỉnh thoảng lại đưa lưỡi nếm thử vị của nguồn nước. Và rồi một thời gian sau người ta thấy ông bán căn nhà ở Mỹ Thạnh và chiếc xe gắn máy cũ, về Cam Thành Bắc mua một miếng đất nhỏ hút sâu trong ba con hẻm, sát biển, cất một căn nhà tạm: ông quyết định nuôi tôm hùm...
Ông bắt đầu cơ nghiệp bằng 60 con tôm hùm giống và một chiếc lồng. Từ cơ nghiệp ấy, người đàn ông này bắt đầu đưa những sáng kiến của mình phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng ở Cam Thành Bắc, biến vùng biển ngày xưa chỉ là khu vực đi biển kiếm sống trở thành tâm điểm của nghề nuôi tôm hùm trong vịnh Cam Ranh.
Để có thức ăn cho tôm (và cũng để nuôi gia đình), ban đêm ông đi biển. Con tôm của ông lớn nhanh bằng chính thức ăn do ông đánh bắt. Ông cho tôm ăn cá chứ không cho ăn sò như nhiều người vẫn làm. Ông giải thích: Cá cho đủ liều lượng, tôm hùm ăn hết, không để dư thừa. Còn sò sẽ tạo ra một lớp rác dưới đáy biển, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cho các sinh vật biển không phát triển được.
Ông cũng nghĩ cách làm một tấm lưới thả lửng dưới chiếc lồng sắt, bao nhiêu thức ăn thừ rơi xuống đó sẽ được dọn sạch sẽ. Tại đây người ta thường thả lồng tôm xuống biển, dùng dây cột lại bốn bên bằng bốn thân cây. Một số khác lại dùng đủ mọi vật dụng làm bè nổi như thùng phuy bằng sắt, phao xốp...
Còn ông, ông lại dùng những chiếc thùng phuy nhựa composite. Thùy phuy bằng nhựa composite rất ít bị hà bám, bền bỉ trong môi trường nước mặn, lại di chuyển dễ dàng. Ông thiết kế các bè tôm hùm theo dạng có thể tách ra hoặc nối vào nên rất... cơ động.
Ông cũng tìm ra cách nuôi vẹm khá độc đáo để bảo vệ nguồn nước nuôi tôm hùm: dùng lốp ô tô cũ, ép vẹm giống vào, thả xuống biển. Kết quả là ông và nhiều ngư dân ở đây trúng luôn... con vẹm. Dẫu gì nuôi tôm hùm cũng có thức ăn thừa. Ông lại suy nghĩa nuôi thêm con gì tận dụng nguồn thức ăn ấy, thế là một thời gian sau có những lồng nuôi cá hồng chen giữa các lồng tôm hùm.
Hiện nay tại Cam Thành Bắc có khoảng 500 hộ nuôi tôm hùm theo cách của ông Ninh. Nhiều người bắt đầu ra nghề, tới ông học hỏi về kỹ thuật.
Có lẽ từ tín nhiệm trong việc nuôi tôm hùm mà ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân và Làm vườn Cam Thành Bắc và tổ trưởng tổ nuôi tôm hùm. Ông đã lập ra 212 nhóm, dựng nhà trên biển, mỗi nhà là một điểm gác cho khu vực nuôi tôm của 15 – 30 hộ...
Người khởi nghiệp bằng 60 con tôm hùm giống ấy giờ quen thuộc cả tiếng con tôm nhảy, biết cả dòng nước sạch hay không để con tôm hùm sống khỏe. Và, ngày ngày ông vẫn một mình ra biển từ rạng sáng. Ra biển lo cho mình và lo cho nhiều người khác...