Nuôi chó có dễ làm giàu?
Chó là vật nuôi có tới hơn 400 giống trên thế giới, ở Việt Nam chó là vật nuôi quen thuộc, lâu đời, đến bất cứ vùng nào, dù miền núi hay miền biển, dù thành phố hay nông thôn ta đều bắt gặp những con chó được nuôi trông nhà, nuôi cho vui, nuôi làm cảnh, nuôi lấy thịt, bán giống... đến nuôi chó nghiệp vụ, nuôi để thể hiện thêm cho đẳng cấp ông chủ, bà chủ... nhưng lạ thay chẳng bao giờ loài vật nuôi hết đỗi quen thuộc này được thống kê, quản lý giống, chỉ đạo sản xuất, định hướng phát triển,... như các loại vật nuôi bình thường khác. Dù vậy, nghề nuôi chó vẫn lặng lẽ phát triển.
Dạo qua thị trường
Chỉ cần nhìn hàng loạt các nhà hàng, quán đặc sản chuyên thịt chó mọc ở khắp nơi đã đủ biết nhu cầu tiêu thụ và khả năng cung ứng mặt hàng này thế nào. Rủ nhau đi thưởng thức các món thịt chó thơm phức chẳng hề gặp phải khó khăn nào, thậm chí ở các quán cơm bình dân cũng có. Nếu muốn cả nhà cùng thưởng thức và trổ tài nấu nướng thì chỉ việc ra chợ gần nhà nhất, ta cũng mua ngay được miếng thịt chó – ưng ý nhất với giá cũng chỉ ngang với giá thịt lợn ngon mà thôi (khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg). Thịt chó giờ đây được bày bán nhiều như những loại thịt khác, khá thông dụng và là một trong những món ăn ưa thích của người Việt. Thịt chó là món ăn giàu đạm, thơm ngon, ít mỡ, dễ chế biến và còn gắn với cả tục truyền miệng “giải đen” nữa nên có sức tiêu thụ khá mạnh, nhu cầu tăng cao nên các nguồn cung cũng đủ động lực phát triển. Đây là điều then chốt cho nghề nuôi chó phát triển. Mỗi con chó giống chỉ khoảng 80.000 đồng/con, nuôi với chế độ ăn đơn giản (ăn cám, thức ăn thừa) trong 6 tháng là có thể bán thịt với giá thịt hơi khoảng 40.000 đồng/kg, mỗi con trung bình nặng 10 – 20kg tức mỗi con người nuôi thu về khoảng 480.000 đồng/kg, trừ tiền giống, thức ăn thuốc thú y thì mỗi con cũng cho chủ thu lãi 150.000 – 200.000 đồng/con mà không phải lo đồng cỏ chăn thả, kỹ thuật đơn giản, chuồng trại thô sơ, chó lại chịu thâm canh nuôi nhốt nên tiết kiệm diện tích, ít dịch bệnh, đầu ra luôn hút hàng.
Không chỉ nuôi chó thịt, nuôi chó cảnh cũng rất phát triển trong những năm gần đây. Chó cảnh ở Việt Nam thì chủ yếu là chó nhập nội, những giống đang được ưa chuộng như New Foundlan, Pug, Boston, Berger, Dobermann, Dalmatian,... Các giống chó mini như Fox, Cocker, Yorkchire, Chihuahua,... luôn được trả với giá khoảng 2 – 7 triệu đồng mỗi con ở 2 tháng tuổi. Những giống chó to lớn như Bulldog, New Foundlan, Pegingese,... cũng luôn ngất ngưởng ở mức giá 10 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đắt nhất ở Việt nam vẫn phải kể đến chó Phú Quốc thuần chủng với cái xoáy độc đáo chạy dọc sống lưng, 2 xoáy trước ngực và biệt tài bơi lội giỏi như rái cá do chân có màng như chân vịt. Giá mỗi con cũng phải trên dưới 30 triệu đồng mà luôn khan hàng vì giống chó này đang bị lai tạp, thoái hoá dần trong khi chưa có cơ quan chức năng, dự án nào bảo tồn giống chó quý này.
Các loại chó nghiệp vụ ở các cấp khác nhau cũng có giá khác nhau nhưng hầu hết chúng đều được chọn lựa từ những giống chó ngoại, thuộc các dòng chó nổi tiếng trên thế giới, được huấn luyện công phu nên mỗi con cũng đều giữ mức giá từ 3000 USD đến 5000 USD. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vì số lượng khách hàng đặt mua đang ngày càng nhiều.
Tiềm năng cho nghề nuôi chó phát triển
Nuôi chó thịt không hề xa lạ với người dân Việt Nam, con chó thậm chí còn đi vào thơ ca, bức hoạ... gắn liền với đời sống văn hoá, ẩm thực, sản xuất của nhân dân Việt Nam . Ngày nay, ngay tại Hà Nội vẫn duy trì chợ phiên mỗi cuối tuần bán chó, mèo ở khu vực chợ Bưởi, nếu không đi chợ phiên thì bất cứ ngày nào bạn cũng có thể mua được chó, mèo theo ý ở các cửa hàng chuyên kinh doanh giống chó mèo dọc con phố Hoàng Hoa Thám. Ngoài ra, việc thu gom, giết mổ, sơ chế chó được tập trung nhiều ở khu vực Vĩnh Tuy - quận Hoàng Mai – Hà Nội. Còn thịt chó thì được bán ở mọi chợ to, nhỏ khắp mọi phố phường Hà Nội. Mới đây, nhìn nhận thấy thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam mà ông Jiri Kaspar - chủ tập đoàn sản xuất đồ nguội của Cộng hoà Czech quyết định đầu tư vào Việt Nam và ông xác định Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng cho các sản phẩm thịt nguội của ông và một trong những sản phẩm độc đáo của ông trình làng ở Việt Nam là thịt chó hun khói. Nói chung, thị trường thịt chó của Việt Nam có từ rất lâu nhưng chưa được tổ chức thành hệ thống và vẫn ngày càng hứa hẹn đầy tiềm năng.
Nhu cầu chó cảnh và chó nghiệp vụ ngày càng tăng khi đời sống người dân Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu ngày càng trở nên phong phú. Nghề nuôi chó cảnh cũng xuất hiện từ rất lâu ở Việt Nam, đã có thời nuôi chó Nhật trở thành phong trào ở nhiều đô thị lớn, ngày nay nghề nuôi và kinh doanh chó cảnh, mới thêm nghề huấn luyện và kinh doanh chó nghiệp vụ đã và đang phát triển khá rầm rộ.
Trước một thị trường đầy tiềm năng về nghề nuôi chó đa mục đích khai thác này, các cơ quan chức năng nghĩ gì?
Vì xác định là kinh doanh nên nuôi chó cũng phát triển chủ yếu dựa vào động lực thị trường, nhu cầu tiêu dùng đa dạng và ngày càng tăng cao, chắc chắn sẽ khuyến khích nhiều người chăn nuôi đầu tư và nuôi thâm canh chó. Song danh chính ngôn thuận thì con chó chưa được coi là vật nuôi chính thức trong hệ thống giống vật nuôi Việt Nam vì thế nó chưa được quản lý giống, không có đầu tư, không có chính sách khuyến khích, hỗ trợ... nào hết. Thiết nghĩ, với định hướng phát triển ngành chăn nuôi là đa dạng hoá sản phẩm, phát huy lợi thế vùng và phát triển tối đa tiềm năng thị trường, khả năng chăn nuôi thâm canh của địa phương thì các ngành chức năng cũng nên sớm có hệ thống thống kê, đưa chó vào hệ thống giống vật nuôi để quản lý và khuyến khích phát triển, tạo nguồn thu nhập cho nông dân. Đồng thời, việc hệ thống hoá các giống chó trong giống vật nuôi Việt Nam là việc làm cấp thiết để bảo vệ các nguồn gen quý (ví dụ như sự đang mất dần giống chó Phú Quốc là một sự chậm trễ của công tác bảo tồn vốn gen vật nuôi bản địa của nước ta). Kiểm soát nghề nuôi chó còn giúp khống chế các bệnh có thể liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt bệnh chó dại.
Nuôi chó là nghề làm kinh tế đầy tiềm năng ở nước ta nhưng cũng là một nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khoẻ người chăn nuôi và tiêu dùng, đa dạng sinh học và thu nhập của người dân nếu không có sự quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp, kịp thời của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi, 12/2007, tr 22