Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 29/08/2005 15:06 (GMT+7)

Nữ tiến sỹ và những chú cá heo

Phải khá khó khăn tôi mới ghi được đôi dòng về “tiểu sử” của Thượng tá, TS. Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc chi nhánh phía Nam thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga. Bởi nhẽ, suốt hàng giờ trò chuyện, điều duy nhất chị say sưa là những chú cá heo.

Sinh năm 1954 tại Nghệ An, năm 1976 sau khi tốt nghiệp đại học (ĐH) ngành Sinh học, chị học tiếp lên thạc sỹ rồi về làm giảng viên tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1985 đến năm 1989, chị Nga làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Sau đó chị về công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Xô. Từ đây sự nghiệp nghiên cứu “cá heo” của chị bắt đầu. Đến nay, chị đã thực hiện thành công xuất sắc một số đề tài có nhiều ý nghĩa trong nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế, như Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ sinh thái nước một số vùng biển điển hình miền Nam Việt Nam; Nghiên cứu khả năng đánh bắt, thuần hóa, huấn luyện cá heo biển Đông Việt Nam; Nghiên cứu thành phần loài và triển vọng sử dụng hợp lý khu hệ cá vùng núi miền Trung Việt Nam; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá trê vàng tam bội tại TP. Hồ Chí Minh...

Năm 1989-1990, chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt - Xô (nay là Việt - Nga) chuyển 3 con cá heo xám loại Tursiops truntatus từ Liên Xô (cũ) về Nha Trang để phục vụ nghiên cứu và biểu diễn xiếc. Nhưng do chưa được đầu tư và nghiên cứu về khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới của cá heo vùng ôn đới, cuộc thực nghiệm này đã không thành công. Tiếp đó, năm 2000, Trung tâm lại phối hợp với công ty Ultrishi Delphin (Nga) đưa 4 con cá heo xám từ biển Đen về Việt Nam và đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cá heo di nhập từ Nga trong điều kiện nhiệt đới tại TP. Hồ Chí Minh nhằm làm cơ sở cho việc sử dụng cá heo biển Đông Việt Nam, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và bảo vệ nguồn lợi” do TS. Nguyễn Thị Nga làm Chủ nhiệm ra đời.

Những ngày đầu ra vùng biển Kiên Giang, đoàn nghiên cứu khoa học do chị phụ trách, gồm cả các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bị các ngư dân phản đối ghê gớm. Theo họ, cá heo là “cá ông”, cá linh, hay giúp đỡ con người nên không được phép đánh bắt. Nhưng mặt khác, cũng tại vùng biển này, một số ngư dân trẻ lại bất cần, thường bắt cá heo làm mồi câu cá mập. “Hóa ra công việc đầu tiên trong những chuyến đi biển của tôi chưa phải là nghiên cứu khoa học mà là làm công tác...tuyên huấn”.

Gần dân, nói cho dân hiểu, chị đã cho dân tin rằng đoàn công tác đang làm nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao. Mà nhiệm vụ ấy, không những không làm hại cá heo mà còn đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc nghiên cứu khoa học và bảo vệ nguồn lợi. Bên cạnh đó, chị cũng thuyết phục được các ngư dân bỏ thói quen đánh bắt cá heo làm mồi săn cá mập. Dân tin, rồi yêu quý cả đoàn công tác. Các ngư dân đã sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm dụ bắt cá heo họ có được sau bao năm cưỡi sóng. Không chỉ thế, các tàu đánh cá còn trở thành “hoa tiêu” cho đoàn công tác. Mỗi khi phát hiện có cá heo, họ báo và đoàn lại lên đường.

Mỗi chuyến dã ngoại trên biển luôn là những thử thách với đoàn công tác. Chiếc xuồng máy được cấp nhỏ xíu, chỉ có khả năng chịu sóng gió dưới cấp 4. Thế nhưng ra đến vùng biển Bình Thuận, biển động cấp 7-8 vẫn không làm chùn ý chí các nhà khoa học. Nghe tin báo của ngư dân, họ vẫn lao ra biển theo đàn cá heo. Nguy hiểm hơn, có lần chị Nga mải mê cùng thuyền ngư dân theo đàn cá heo liền 2 tiếng đồng hồ. Không chịu nổi tốc độ bơi của cá heo, máy thuyền bốc cháy khét lẹt. Mọi người giật mình nhìn lại, ngọn lửa đã bén gần đến thùng đựng dầu. Chỉ chút nữa thì cả thuyền nổ tung.

Thân nữ yếu đuối lại lăn lộn trên sóng gió, đối mặt với nguy hiểm chết người, nhưng đó chưa phải là nỗi khổ tâm nhất của chị.

Có những lần biển động mạnh quá, các chuyên gia Nga phải “cấm” trưởng đoàn không được lên thuyền. Đành ở nhà nhưng lòng chị chẳng yên. Buổi sáng, đoàn ra khơi, chị vác ống nhòm ngồi trên bờ biển dõi đến tận lúc thuyền khuất bóng. Chiều về, chưa thấy đoàn hiện hình trong ống kính, lòng chị như lên cơn sốt. Mặc sóng đánh tràn bờ, chị vẫn ngồi chờ đợi. Chỉ đến khi bóng đồng đội xuất hiện giữa những con sóng bạc đầu chị mới thở phào trút cơn lo âu.

Ngày 18/1/2003, tại vùng viển đảo Hòn Sơn cách đảo Hòn Chông (Kiên Giang) 25 hải lý, một cặp cá heo xám bị sa lưới khi vào ăn trong phạm vi đánh bắt của ngư dân. Nhận được tin báo, các nhà khoa học Việt Nam và Nga lập tức có mặt. Thấy con cá cái đã yếu, chị Nga quyết định cho thả về biển. Chú cá đực được chuyển về vùng biển Hòn Rễ, Kiên Lương, Kiên Giang và thả vào bè của đoàn nghiên cứu. Đêm đó, cả đoàn thức trắng dõi theo từng động tĩnh của cá. Cá heo là loài động vật cực kỳ nhạy cảm, dễ sinh hoảng loạn và rất khó thích nghi với môi trường mới. Bởi thế, bằng kinh nghiệm dày dạn, các chuyên gia Nga đã áp dụng đủ mọi liệu pháp nhằm “an ủi” làm quen và đưa chú cá heo vào võng lưới “nghỉ ngơi”. Sáng hôm sau, các chuyên gia thả võng lưới xuống cho cá heo bơi tự do và theo dõi diễn biến của nó. Chú cá heo còn lạ lẫm chỉ chực lao lên tìm cách phá lưới thoát thân. Bằng những động thái đối xử nhẹ nhàng, dần dần chú cá heo giảm được nỗi sợ hãi. Trung bình sau khi bắt về, phải mất 7 đến 10 ngày cá heo mới thích nghi được với môi trường mới. Nhưng chú cá heo này chỉ sau một ngày đã chịu ăn và thân thiện với các nhà khoa học. Đoàn nghiên cứu quyết định đặt cho chú cái tên “Anh Hùng”.

Theo kết quả phân loại, “Anh Hùng” có tên khoa học là Tursiops aduncus, thuộc nhóm cá heo thông minh, dễ huấn luyện. Phát hiện này đã nâng tổng số loài cá voi, cá heo (hai loại động vật biển cùng họ, máu nóng, có tuyến vú, đẻ con) trên vùng biển Việt Nam lên con số 22.

“Anh Hùng” cực kỳ thông minh và tình cảm. Ngay trong giai đoạn đầu thuần hóa thích nghi, chú đã được các chuyên gia Nga dạy một số động tác xiếc cơ bản. Sáng sáng, mỗi lần nghe tiếng xuồng máy ra cho ăn, “Anh Hùng” lại lao lên mặt nước vui mừng. Mọi người lên xuồng ra về, chú lại thẫn thờ luyến tiếc như chưa muốn xa. Sau 3 tháng ở bè, nhận thấy “Anh Hùng” đã có thể thích nghi được môi trường trong bể, chị. Nga quyết định cho chuyển chú về Câu lạc bộ Cá Heo Suối Mơ, quận 9 TP. Hồ Chí Minh. Sau một thời gian huấn luyện, “Anh Hùng” trở thành diễn viên xiếc cá heo Việt Nam đầu tiên.

Với việc dụ bắt và huấn luyện chú cá heo “Anh Hùng”, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã có điều kiện tiếp xúc với một chú cá heo biển Đông. Bao năm kiên trì với sóng gió, với những đêm thức trắng để theo dõi, nghiên cứu cá heo Việt Nam , TS. Nguyễn Thị Nga và đoàn nghiên cứu khoa học Việt Nam bước đầu đã khẳng định những luận cứ về phân loài, tập tính sinh hoạt của loài cá này... đều bảo đảm sự tin cậy. Đây là cơ sở quan trọng mở ra hướng sử dụng cá heo biển Đông trong biểu diễn xiếc, chữa bệnh tâm lý cho trẻ em...

Chỉ trong hơn 4 năm, TS. Nguyễn Thị Nga đã rong ruổi 54 lần trên biển Đông. Những chuyến đi của mình, chị lại thể hiện tình yêu với biển, với những chú cá heo thông minh, thân thiện với con người. Chúc chị thành công!

Nguồn:  Quân đội Nhân dân ngày 15/6/2005

Xem Thêm

Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Vĩnh Long: 42 mô hình, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi lần thứ 13
Sáng ngày 14/9/2024, tại hội trường Tỉnh ủy Vĩnh Long, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long (Liên hiệp hội tỉnh) phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ Tổng kết trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Long lần thứ 13,năm học 2023-2024 và phát động Cuộc thi lần thứ 14, năm học 2024-2025.
An Giang: Tuyên truyền, triển khai Cuộc thi và Hội thi trong địa bàn của tỉnh
Trong thời gian từ 02/8 -13/9, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tuyên truyền và phổ biến thông tin về Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên - Nhi đồng năm 2024 (Cuộc thi) và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật 2024-2025 (Hội thi) tại 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam'
Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng trao Biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu tới các trí thức cao tuổi
Sáng ngày 11/9, TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA đã tới thăm và trao Biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 tới một số các trí thức KH&CN tiêu biểu năm 20024 vì lý do sức khỏe đã không tham dự được Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 diễn ra vào ngày 28/8/2024.