Nữ hiệp sĩ công nghệ thông tin
Thư viện khoa học công nghệ mở
Chị là Võ Thị Diệu Hằng , một trí thức Việt kiều hiện hiện ngụ cư tại Paris, Cộng hòa Pháp.
Vietsciences (http://vietsciences.org; vietsciences.free.fr) là nơi mọi người có thể tìm kiếm những kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực; nơi các em học sinh người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 ở nước ngoài có điều kiện để học tiếng mẹ đẻ khi trang web có cả phần nội dung dạy tiếng Pháp, Anh, Đức, Nhật, Hán Nôm....”- chị Hằng bộc bạch. Chị muốn, qua trang web này, tạo điều kiện cho giới trẻ trong nước tiếp cận với nền khoa học, với tri thức của nhân loại và nâng cao kiến thức của mình, để các em không phải thiệt thòi so với các bạn cùng lứa ở các nước phát triển.
Chị đã bắt tay vào xây dựng trang web của mình từ ngày 13/11/2003 và vietsciencess.free.fr đã cho ra mắt độc giả ngày 29/02/2004. Không rực rỡ về hình thức nhưng web này là cả một kho tàng tri thức nhân loại.
Để có được Vietsciences như hôm nay, chị Hằng nhiều khi đã phải bỏ cả công việc chính ở xưởng thiết kế. Khi đọc một bài, chưa hiểu cặn kẽ chị phải soạn bài đó. Kể cả những bài các cộng tác viên gửi đến chị phải đọc, tìm hiểu cặn kẽ, thêm hình ảnh minh họa... thành ra chị tốn nhiều thì giờ.
Ngôi nhà tri thức
Lúc đầu mọi người chưa hưởng ứng nhiều nhưng sau khi nghe nói mục đích của Vietsciences ai cũng hưởng ứng và sẵn sàng. Khoảng 100 tác giả là các nhà khoa học, trí thức ở các lĩnh vực khoa học, xã hội trong và ngoài nước đã xem vietsciences.free.fr là “ngôi nhà tri thức” để mình cùng góp tay phổ biến những kiến thức khoa học đến với người Việt Nam. Chị không nhớ nổi đã có bao nhiêu nhà khoa học đã cùng với chị phổ biến kiến thức khoa học vì đơn giản là nhiều lắm. Những người viết viết thường xuyên là GS Phạm Văn Tuấn, GS Nguyễn Lân Dũng, anh Võ Quang Nhân, Lê Anh Minh, GS Nguyễn Quang Riệu.
Một điều đặc biệt là đến tận bây giờ chị Hằng vẫn tự xoay xở, trang trải để duy trì trang web mà không nhận bất kỳ nguồn tài trợ nào.
Chính vì tấm lòng của chị mà những người cộng tác với Vietsciences đều không lấy nhuận bút. Có những tác giả còn mời chị đến Mỹ, đến Úc, đến Canada để cùng trao đổi những điều mà họ nghĩ chị sẽ thấu hiểu và sẻ chia cùng mình. “Mình chỉ tốn tiền điện, thuê bao Internet, khi máy hư thì tốn nhiều, 1 cái hard disk tốn cả triệu. Forum bị hack năm ngoái, mất hết nửa năm vì chị không biết backup…”. Nhưng với sự trợ giúp của các nhà khoa học trong và ngoài nước chị đã vượt qua tất cả chỉ vì một tâm niệm “đưa khoa học về cho người Việt”.
Những ngày về quê hương tại thành phố biển Nha Trang, chị vẫn giữ thói quen dậy sớm từ 2 giờ sáng để vào thăm trang web của mình. Chị vẫn đọc bài và trả lời cho tác giả, cho độc giả rồi còn sửa, dịch, minh họa bằng hình cho tác phẩm thật hoàn chỉnh trước khi giới thiệu đến bạn đọc. Còn thời gian, chị lại cùng cha, nhà văn Võ Hồng (nay đã 80 tuổi) dạy chữ cho các em bé trong một ngôi nhà nhỏ bên thành phố biển Nha Trang.
Lễ tôn vinh, trao biểu tượng Hiệp sĩ công nghệ thông tin diễn ra tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian: từ 9g00 đến 11g00 ngày 16/10/2007.
Nguồn: KH&ĐS Số 82 Thứ Sáu 13/10/2006