Nữ công nhân sáng chế ra “cây bôi keo”
Cấu tạo của “cây bôi keo” trên cao gồm: Cây tầm vông, cây gỗ hoặc cây i-nốc chiều dài tùy thuộc vào độ cao của máng che mưa để làm cần, một bộ cụm phanh, một dây phanh và tay phanh xe đạp, một thanh sắt mỏng cỡ 3-5ml, rộng khoảng 1cm, chiều dài 25cm uốn cong làm giá đỡ bình keo. Hiệu quả kinh tế: Tiết kiệm 2/3 thời gian so với dùng thang hoặc ghế, tiện dụng cho mọi lứa tuổi và chiều cao của từng người. Gọn nhẹ, dễ mang vác, sử dụng được lâu dài, không tốn kém, đảm bảo chất lượng máng sau khi bôi keo. |
Mỗi năm, cứ đầu và giữa mùa vụ, nông trường tổ chức bôi keo máng che mưa cho cây cao su. Đây là công đoạn khó khăn, mất nhiều thời gian và nguy hiểm. Thông thường muốn bôi được keo máng che mưa, công nhân phải dùng thang hoặc ghế cao mới bôi được, trời mưa rất dễ trượt ngã. Từ trăn trở đó, chị nghĩ ra sáng kiến “cây bôi keo” trên cao cho cây cao su. “Hằng năm cứ đến công đoạn bôi keo, thấy anh em công nhân làm việc cực và nguy hiểm, nhớ lại chiếc xe đạp mà khi bóp thắng ép hai má phanh vào bánh làm cho xe đi chậm lại, tôi đã thử sử dụng. Dùng một cây tầm vông hoặc cây gỗ để làm cần, tạo một giá đỡ để đặt bình keo vào, khi bóp tay phanh vừa đủ ép hai má phanh lại làm cho bình keo tự động chảy ra. Sau khi dùng thử, tôi thấy rất hiệu quả”, chị Hảo chia sẻ.
Ông Phạm Văn Quảng, Tổ trưởng tổ 6 cho biết: Sáng kiến “cây bôi keo” trên cao cho cây cao su của chị Hảo có nhiều tiện ích. Trước đây, một lô cao su để hoàn thành công đoạn bôi keo cho máng che mưa phải mất 3 giờ, nhưng với dụng cụ này đã rút ngắn chỉ còn hơn 1 giờ. Đặc biệt là đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. Trước đây có rất nhiều công nhân bị ngã, nhưng với sản phẩm này chỉ cần đứng dưới đất là thực hiện được và rất an toàn. Ngoài ra các bộ phận cấu tạo nên nó đơn giản, chi phí sản xuất rẻ. Hy vọng sáng kiến của chị Hảo sẽ được nhân rộng ra toàn ngành cao su, để công nhân đỡ vất vả, đảm bảo an toàn trong lao động và hiệu quả công việc.