Nông dân sáng chế máy dập lon phế liệu
Anh Trí cho biết: Một lần tình cờ đến thăm người thân, thấy hàng xóm nhà người thân làm nghề thu gom phế liệu đang phải dập lon rất tất bật, mất nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả thu lại chẳng được bao nhiêu. Ngoài ra, khi đứng dập lon, người làm có thể gặp nguy hiểm tới sức khỏe bởi các mảnh sắc có thể bắn vào người, vào mắt; bụi kim loại gây các bệnh về phổi. Chứng kiến cảnh đó, anh nảy sinh ý tưởng thiết kế máy để làm công việc này.
Trong thời gian hơn 3 ngày, anh vừa nghiên cứu, tìm tòi các loại thiết bị máy móc để lắp ráp nhanh chiếc máy dập lon. Lần đầu tiên anh cho máy chạy thử, công suất của máy vượt sự mong đợi khi đạt từ 1– 1,5 tấn/ngày, dập được nhiều loại lon phế liệu, trọng lượng của máy gần 100kg. Sau khi vận hành thử thành công, anh chào bán tới một số chủ kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên với giá 15 triệu đồng/chiếc.
Máy của anh Trí được xác nhận là mang lại hiệu quả công việc cao, các cơ sở không cần người dập lon, hạn chế được các khâu nguy hiểm trong quá trình tái chế phế liệu. “Chiếc máy đầu tiên làm thử chạy cho đến nay chưa hư hỏng bất cứ bộ phận nào. Tôi đang muốn nghiên cứu, cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ khu vực nông thôn, như các loại máy giúp tăng năng suất nghề thủ công, các loại máy trộn để hạn chế khâu trộn nguyên liệu tay… giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức và tăng thu nhập”, anh Trí chia sẻ.