Nội lực phi thường của một nhà khoa học
Năm 2005, cả nước có hơn 2 vạn tiến sĩ, song chỉ có 01 công trình khoa học: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sản xuất sữa chua công suất 6000lít/h” của Polyco được tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc Liên Hợp Quốc cấp bằng phát minh sáng chế. Tác phẩm khoa học này nằm trong cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ Cơ khí - Tự động hoá trong công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm” do PGS-TS Đinh Văn Nhã và người em ruột của ông PGS-TS Đinh Văn Thuận đồng chủ nhiệm, cùng với sự trợ giúp đắc lực của các đồng nghiệp khác như: các Thạc sĩ Lại Ngọc Anh, Đinh Văn Hiến, các kỹ sư Đinh Văn Vinh, Đinh Thị Lan Anh, Phạm Tuấn Anh, Lê Viết Thắng, Nguyễn Hoàng Anh. Cụm công trình đã được Hội đồng thi đua quốc gia đánh giá là “Đặc sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế quốc dân cũng như sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ của đất nước”; được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất về khoa học kỹ thuật ở Việt Nam và được tổ chức sở hữu Trí tuệ thế giới trao tặng Huy chương vàng.
Điều đáng trân trọng là suốt 10 năm (từ 1996 đến 2005) thực hiện cụm công trình này với 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 04 đề tài cấp Bộ và 450 hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, ông Nhã và những người lãnh đạo ở Polyco đã tập hợp và khai thác một cách hiệu quả cao nội lực của mỗi người lao động trong gia đình, trường học, cũng như trong doanh nghiệp của mình; đã phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, để làm lợi cho các doanh nghiệp, cho Nhà nước hàng tỷ VNĐ và không ít ngoại tệ, song chỉ sử dụng tổng cộng 400 triệu VNĐ từ ngân sách đầu tư của Nhà nước.
Chúng tôi đã đến với hai nhà máy bia ở hai tỉnh Hà Nam và Nam Định để xem Polyco đã làm những gì và kết quả ra sao. Cả hai nhà máy đều thuộc loại công suất nhỏ (3 triệu lít/năm) đều đã “già yếu” và đã hợp tác với Polyco để nâng cấp công suất lên 30 triệu lít/năm.
Ở nhà máy bia NaDa thành phố Nam Đinh, Polyco đã thay thế thiết bị ngoại nhập bằng các sản phẩm nội lực chế tạo ở hai hệ thống thiết bị: bồn lên men và thiết bị điều khiển tự động. Tại nhà máy bia NaGer (Phủ Lý - Hà Nam ), Polyco cung cấp thiết bị và lắp đặt các hệ thống tự động: bồn lên men, nấu bia, điều khiển và tủ điện đầu nguồn.
Quá trình điều tra đã cho chúng tôi có được kết quả gần giống nhau: so với các thiết bị ngoại nhập cùng loại, sản phẩm của Polyco có giá bán cho hai doanh nghiệp này đều rẻ hơn gần 50%, song chúng hoạt động rất ổn định và chất lượng bia hiện nay của nhà máy vẫn được khách hàng ưa chuộng. Ông Thanh, Giám đốc Nhà máy bai NaDa còn vui vẻ thông báo với chung tôi: “Từ đầu tháng 5/2005, bia NaDa sẽ được tăng giá từ 3.500 VNĐ lên 4500 VNĐ/lít. Và như vậy, nguồn thu từ bia của NaDa không chỉ tăng lên 10 lần theo sự gia tăng của công suất. Riêng hệ thống các tủ điện đầu nguồn đã đem lại lợi ích không nhỏ: tiết kiệm từ 25% đến 30% năng lượng điện cho sản xuất.
Tiếng lành đồn xa. Từ những kết quả tốt đẹp ở những công trình chuyển giao công nghệ nhỏ ban đầu đã dẫn đến những hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị lớn hơn. Hiện nay Polyco đang đồng loạt thực hiện hàng chục hợp đồng trọn gói, từ thiết kế xây dựng, cung cấp thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất, bảo hành… cho các nhà máy bia có công suất từ 50 đến 120 triệu lít/năm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Nhã tâm sự: “Trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo là yếu tố quan trọng bậc nhất để đem đến thành công. Nhưng muốn sáng tạo thì phải có kiến thức chuyên môn vững vàng và kinh qua thực tế rèn luyện”. Kiến thức thì ông đã được 6 năm (1966-1972) học đại học, 3 năm (1972-1975) làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Liên Xô (cũ) trang bị; lại được bổ xung thêm trong khoảng thời gian giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội cho đến năm 1992 khi ông được phong tặng học vị Phó Giáo sư. Tuy vậy, những năm tháng bám sát tiến độ thi công ở các công trường xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy bia Nha Trang, Sóc Trăng… và đặc biệt là 10 năm gần đây, vừa đảm nhiệm trọng trách Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật tự động hoá của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa là linh hồn của các cụm công trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí - tự động hoá trong công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, phải thường xuyên tiếp cận với công nghệ mới nhất và chuyển hoá cái mới nhất ấy vào ở Việt Nam, kiến thức của ông được kinh nghiệm sản xuất kinh doanh hàng chục năm bổ trợ càng trở nên giàu có, sâu sắc và vững vàng.
Hơn thế nữa, ông còn có một quê hương, một gia đình tuyệt với, cái nôi nuôi dưỡng ông không chỉ về nhân cách, ý chí mà còn là nguồn động lực dồi dào, mạnh mẽ để ông trưởng thành và vững vàng vượt qua bao thử thách. Ông thủ thỉ tâm tình: “Quê hương Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho Nhã thừa hưởng cái đức ham học, chịu thương, chịu khó. Người mẹ tảo tần dạy cho Nhã tính cần kiệm, vị tha. Cha Nhã là một nhà thơ, di truyền cho Nhã những ý tưởng sáng tạo. Vợ Nhã là Bí thư thứ nhất một Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có tác động không nhỏ đến nghệ thuật đối ngoại của chồng. Ba người em trai: PGS.TS Đinh Văn Thuận, Kỹ sự Đinh Văn Vinh, Thạc sĩ Đinh Văn Hiến và cô con gái Kỹ sư Đinh Thị Lan Anh (đang làm luận văn Tiến sĩ tại CHLB Đức)… thực sự là những cánh tay đắc lực không chỉ giúp cho Nhã có được những thành công như ngày hôm nay mà còn là nguồn động viên, khích lệ Nhã phải tiếp tục lao động, phấn đấu vươn lên cho xứng đáng với vị trí người con yêu, người anh cả và người cha mẫu mực trong gia đình.
Nguồn: Tạp chí Cơ khí ViệtNam, số 109, 4/2006.