Nỗ lực bảo vệ động vất hoang dã tại Việt Nam
Save Vietnam’s Wildlife (SVW) là tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập theo quyết định của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Kể từ khi thành lập trung tâm Save Vietnam's Wildlife đã xây dựng các chương trình dài hạn từ cứu hộ, bảo vệ môi trường sống, nghiên cứu và theo dõi sau tái thả, nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân địa phương.
Một con tê tê được trả về với thiên nhiên (Ảnh internet)
Kể từ khi thành lập vào năm 2014, SVW luôn nỗ lực hành động, tạo ra kết quả thực tế và cụ thể để xây dựng lại niềm tin trong xã hội, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo tồn động vật hoang dã, giữ gìn sự đa dạng sinh học, bảo vệ rừng.
Hiện nay động vật hoang dã đang bị nguy cơ tiệt chủng, bởi trước tình hình săn bắt, tiêu thụ, mua bán trái phép vẫn đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam và quốc tế.
Chính vì vậy, SVW đang tập trung vào 6 nhiệm vụ chính gồm cứu hộ động vật hoang dã; nghiên cứu bảo tồn; bảo vệ sinh cảnh; giáo dục bảo tồn; vận động chính sách; sinh sản bảo tồn. Tất cả những hoạt động này đều cho mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, bảo vệ rừng. Đặc biệt, hiện tại SVW đang tập trung vào công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Pù mát, huyện Con Cuông, Nghệ An, đây là một trong những Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam còn giữ được hệ đa dạng sinh học cao cần được bảo vệ, với mục tiêu đảm bảo rừng nơi đây là một khu vực an toàn tuyệt đối cho động vật hoang dã cũng như giữ được tính da dạng sinh học cao nhất tại Việt Nam.
Bảo tồn và bảo vệ động vật hoạt động tại Việt Nam kêu gọi người dân Việt Nam nói không với các sản phẩm động thực vật hoang dã, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động năng cao nhận thức và giáo dục, tuyên truyền cũng như hoàn thiện khung pháp lý (Ảnh internet)
Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm SVW, chia sẻ: "Sứ mệnh của chúng tôi là ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các quần thể động vật hoang dã quý hiếm. Chúng tôi cứu hộ động vật sau đó là chăm sóc nó và tái thả nó về với thiên nhiên. Ngoài ra bọn mình làm các biện pháp giáo dục để giảm cái nhu cầu sử dụng động vật hoang dã cũng như bảo vệ môi trường sống của động vật. Ở nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu để xem sự hòa nhập của các cá thể được tái thả cũng như sự tồn tại của nó với sự phân bố của cái loài đó ngoài tự nhiên".
Anh Thái cũng cho biết thêm, hiện chúng tôi đã có nhiều dự án đạt kết quả rất tốt như xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về về bảo tồn tê tê Việt Nam; tăng cường và công tác thực thi pháp luật và bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Pù mát; cứu hộ, phục hồi và tái thả các loài động vật hoang dã quý hiếm được tịch thu từ buôn bán và săn bắt trái phép; nghiên cứu sinh thái và khả năng thích nghi của tê tê và thú ăn thịt có gắn thiết bị theo dõi; chương trình nghiên cứu các quần thể động vật hoang dã sử dụng bẫy ảnh; chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã cho học sinh quanh các Vườn quốc gia và khu bảo tồn; chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cho người dân quanh Vườn quốc gia Pù mát; tăng cường công tác thực thi pháp luật tại Vườn quốc gia Pù mát; nghiên cứu về sử dụng và tiêu thụ, đưa ra các chiến dịch truyền thông làm giảm nhu cầu sử dụng tê tê ở Việt Nam.
Hàng năm, ở Việt Nam, hàng ngàn cá thể động vật hoang dã bị buôn bán trái phép nhằm phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, thuốc đông y, thú nuôi và làm đồ lưu niệm. Trong quá trình vận chuyển trái phép, các cá thể này thường bị mất nước, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, và mang trên mình nhiều vết thương do dính bẫy săn. Những kẻ thợ săn và người buôn bán bất hợp pháp thường nhồi nhét một lượng lớn các hỗn hợp (như bột ngô, bột đá, …) vào cơ thể tê tê để tăng trọng lượng của chúng trước khi bán.
“Những cá thể tê tê sau khi tịch thu đó cần được thả về tự nhiên trong thời gian nhanh nhất, đó cũng là biện pháp xử lý tê tê sau khi bị tịch thu với tất cả các nước trên thế giới,” anh Thái nhấn mạnh.
Vẫn theo anh Thái, khi bắt giữ vận chuyển hoặc tiêu thụ động vật hoang dã mà đối tượng vi phạm không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của động vật, trong trường hợp khởi tố, cơ quan điều tra chỉ cần có đầy đủ thông tin về loài, số lượng cá thể, trong lượng và lưu giữ lại hình ảnh để tiến hành khởi tố vụ án mà không phải lưu giữ vật chứng là động vật hoang dã còn sống cho đến khi kết thúc vụ án.
“Đây không chỉ là vấn đề riêng với tê tê, mà là vấn đề chung cho tất cả các loài động vật hoang dã sau khi bị bắt giữ từ buôn bán, săn bán trái phép. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cá nhân và cơ quan chịu trách nhiệm sửa đổi bổ sung bộ luật tố tụng hình sự để các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được thả lại tự nhiên sớm nhất sau khi bị bắt giữ từ buôn bán và vận chuyển trái phép,” anh Thái nói.
Nói thì là vậy, nhưng không hiểu các cá thể tê tê quý hiếm kia có chờ được đến ngày có luật để về với thiên nhiên hay không, bởi cứ mỗi ngày khả năng chúng bị chết vì môi trường chật hẹp, vì thiếu thức ăn... càng tăng cao hơn. Lẽ nào, số phận của chúng đã được định đoạt, không chết vì tay những kẻ buôn bán bất hợp pháp thì cũng chết trong chính trong trung tâm mà chúng được cứu và bảo tồn.
Giải cứu 1 cá thể gấu chó 15 tuổi bị nuôi nhốt tại Lâm Đồng(Ảnh internet)
Chia sẻ với vusta.vn, anh Thái tâm sự, hiện chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng để cứu hộ các cá thể động vật hoang dã tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép, đồng thời, cung cấp một đường dây nóng để người dân trên khắp cả nước thông báo các vụ việc động vật hoang dã bị tịch thu, buôn bán cần được giải cứu. Khi nhận được thông báo, nhóm phản ứng nhanh của trung tâm lập tức lên đường. Nhóm bao gồm các bác sĩ thú y và cán bộ chăm sóc động vật hoang dã.
Tại hiện trường, nhóm làm việc với cơ quan chức năng địa phương nơi động vật bị tịch thu, cung cấp cho họ các kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác xử lý sau tịch thu, và chăm sóc khẩn cấp cho các cá thể động vật. Các cá thể này sau đó được chuyển đến trung tâm cứu hộ của SVW. Khi về trung tâm, chúng trải qua 30 ngày kiểm dịch. Sau đó, các cá thể khỏe mạnh và đáp ứng tiêu chí tái thả sẽ được thả vào các khu rừng được bảo vệ.
Các cá thể không thể tái thả sẽ được chăm sóc đặc biệt tại trung tâm giáo dục để truyền cảm hứng cho du khách tham gia vào công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Và cũng theo anh Thái, mặc dù có những thay đổi tích cực về pháp lý, ý thức của địa phương, người dân nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Do đó, cần phải có những giải pháp cấp bách chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép những loài động vật này ở Việt Nam.
Một cá thể tê tê Java quý hiếm bị săn trộm để biến thành thực phẩm (Ảnh internet)