Niềm tự hào của y giới Việt Nam
Tại Hội nghị khoa học Tim mạch toàn quốc lần thứ 14 tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, chúng tôi có dịp tiếp xúc, tìm hiểu về Giáo sư Thạch Nguyễn-người dẫn đầu đoàn chuyên gia Tim mạch Hoa Kỳ tham gia hội nghị với các chuyên đề mới nhất về lĩnh vực can thiệp tim mạch học...
Tốt nghiệp y khoa tại Việt Nam, sang Mỹ đầu thập niên 1980, bác sĩ trẻ Thạch Nguyễn tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp y học. Hơn 10 năm sau, với trí tuệ uyên bác, niềm đam mê khoa học vô bờ bến và khát vọng khám phá những chân trời mới trong lĩnh vực tim mạch, bác sĩ Thạch Nguyễn là một trong những người đã mở ra chương mới cho tim mạch học thế giới về lĩnh vực tim mạch can thiệp. Chính ông là người đặt nền móng cho nền tim mạch can thiệp của Việt Nam. Nhờ những phát kiến kỹ thuật của ông mà hàng vạn người trên thế giới may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trước những biến cố nghiêm trọng về tim mạch.
Đến thời điểm hiện tại, GS-BS Thạch Nguyễn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được bầu vào Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ (FACC) và Hội can thiệp Tim mạch học Hoa Kỳ (FSCAI). Ngoài ra, ông còn là đồng biên tập Tạp chí Tim mạch học Lão khoa, Giám đốc Tim Mạch học Trung tâm Y khoa Saint Mary, Hobart - Indiana.
Ông được mời giảng tại nhiều trường đại học y khoa Hoa Kỳ và rất nhiều nước khác. Từ năm 2000 đến 2009, tên ông được nêu trang trọng trong các cuốn từ điển nổi tiếng viết về danh nhân thế giới. Báo chí trong và ngoài nước đã nói nhiều về ông với những khám phá xuất sắc và những cống hiến vô điều kiện về mặt khoa học.
Bằng tình yêu quê hương đất nước, ông đã giúp đưa ra nước ngoài đào tạo hàng chục chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tim mạch can thiệp cho Việt Nam. Ông cũng đã về nước nhiều lần tham gia các hội nghị khoa học về Tim mạch và giảng dạy tại các trường đại học y khoa. Cuối năm 2010, ông chính thức nhận lời làm giáo sư danh dự Trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Được biết, thời thơ ấu, GS Thạch Nguyễn từng là học trò Trường Lycée Blaise Pascal, Đà Nẵng (sau này sát nhập vào Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng). Một số bạn bè trong giới y khoa của ông hiện đang làm việc và nghỉ hưu tại Đà Nẵng luôn nhắc về ông như là một niềm tự hào của bạn bè nói riêng và y giới Việt Nam nói chung. Trong lịch làm việc ngắn ngủi tại Đà Nẵng, ông tranh thủ đến thăm Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn và gặp mặt một số bạn bè thời y khoa... Có thể ví ông như cánh én mang tin lành cho sức khỏe và niềm vui của những người bệnh cần các biện pháp kỹ thuật do ông khai mở để có thể bước tiếp trên cõi đời này.