Những vị thuốc lợi mật và thông mật
Theo y học hiện đại, dịch mật giữ vai trò quan trọng trong hệ tràng vị. Thành phần hóa học của nó gồm các acid mật (chủ yếu ở dạng muối), sắc tố mật, các cholesterol, lecithin, mucin; các chất vô cơ như Na, Ca, Fe, Mg, KHCO3, K3PO4, K2SO4...
Muối mật nhũ tương hóa các chất béo, làm phản ứng xà phòng hóa thực hiện dễ dàng. Dưới tác dụng của men lipaza từ dịch tụy, các chất béo được phân giải, các acid béo - sản phẩm tiêu hóa của lipid - được phóng thích và được hấp thu vào cơ thể. Mật còn giúp cho cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu và có tác dụng kìm khuẩn.
Thông thường gan tiết 0,7-1 lít mật trong 24 giờ và nhu cầu muối mật vào khoảng 8 g/ngày.
Cơ chế sinh lý của sự thông mật và lợi mật: Có hiện tượng thông mật là do dưỡng trấp acid tới tá tràng kích thích cơ trơn ở ống mật và ruột. Có hiện tượng lợi mật là do muối mật kích thích tế bào gan, gan thải vào mật các acid mạnh có chứa nhóm carbonyl và sulfonyl. Nồng độ các acid này trong mật cao làm tăng áp suất thẩm thấu, gây hút nước vào, sinh tiết mật.
Thuốc lợi mật, thông mật là những thuốc làm tăng sự thải mật vào tá tràng, làm cho mật thoát ra dễ dàng khỏi túi mật; còn lợi mật là kích thích sự tạo mật từ tế bào gan.
Theo quan niệm của Đông y, mật là đảm (đởm), một trong lục phủ. Đởm là phủ trung tính, liên quan mật thiết với can (gan) về chức năng sơ tiết, “khí dư của can tiết vào đởm, tụ lại mà thành tinh (dịch mật)”. Do chứa "tinh" này mà đởm trở thành phủ đặc biệt trong lục phủ.
Theo sách Tố vấn, tất cả 11 tạng phủ đều theo sự quyết đoán của đởm. Đởm có thể duy trì và bảo đảm sự vận hành bình thường của khí huyết, loại trừ những ảnh hưởng không tốt đến tinh thần. Chức năng này kém là nguyên nhân làm cho tinh thần bị thương tổn. Đởm khí suy nhược dần dần dẫn đến bệnh tật cho cơ thể. Ví dụ: Can, đởm uất trệ, thấp nhiệt bị ngưng đọng làm cho sơ tiết mật không bình thường, xuất hiện bệnh vàng da. Đởm hỏa, chức năng can dương thịnh làm cho bệnh nhân tính khí thất thường, hay cáu giận, đau đầu, tăng huyết áp.
Việc điều hòa chức năng của đởm làm thông mật, lợi mật, lưu thông khí huyết, giúp tạng phủ hoạt động nhịp nhàng, đều đặn... sẽ làm cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái. Các vị thuốc làm thông mật, lợi mật thường dùng gồm:
Các loại cao mật: Bò, lợn, gấu, dê, cá chép. Hoạt chất chính của nó là glycocholat và torocholat. Chúng có tác dụng kích thích nhu động ruột, hấp thu ở vùng tá tràng, kích thích rất mạnh sự bài tiết mật, vừa có tác dụng thông mật, vừa có tác dụng lợi mật. Cao mật còn được dùng làm thuốc chữa táo bón, các bệnh gan, mật, đường tiêu hóa. Liều dùng mỗi ngày 0,5-1 g.
Ác-ti-sô: Tác dụng lợi mật của ác-ti-sô có được do chất cynarin có vị đắng và mùi thơm trong lá của cây, có tác dụng kích thích sự bài tiết mật. Ngoài ra, dược liệu còn chứa steroid, magiê, kali tác động đồng bộ với cynarin làm tăng tác dụng lợi mật. Dùng ác-ti-sô dưới dạng viên nang hay lá tươi, lá khô dưới hình thức thuốc sắc 5-10% hoặc cao lỏng 2-10 g trong một ngày.
Râu ngô: Trong râu ngô có xitosterol, stigmasterol, tinh dầu, saponin, glycosid đắng, các vitamin C, K..., các muối Ca, K. Râu ngô uống vào làm tăng sự bài tiết mật, dịch mật lỏng hơn và tỷ trọng dịch mật giảm, lượng bilirubin trong máu cũng giảm. Dùng râu ngô trong các chứng tiêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại trong bài tiết mật. Có thể hãm hoặc nấu sôi hay chế thành cao lỏng, ngày uống 10-20 g. Thường dùng 10 g râu ngô cắt nhỏ, cho vào 200 ml nước đun sôi, để nguội, cứ 3-4 giờ uống 1-3 thìa canh.
Nghệ: Tác dụng co bóp túi mật, làm thông mật do chất curcumin kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan, làm lợi mật do chất paratolylmethyl carbinol. Thường dùng 1-6 g một ngày dưới dạng bột hay sắc.
Nhân trần: Ở Việt Nam ta thường gọi nhân trần bồ bồ, thành phần hóa học bao gồm các glycosid, saponin, kalinitrat, tinh dầu chứa flavonoid, hợp chất polyphenol và curmarin. Nhân trần có tác dụng tăng tiết mật và tăng sự thải độc của gan. Ngày dùng 4-6 g có khi tới 20 g dưới dạng thuốc sắc, sirô, thuốc cao hay thuốc viên.
Ngoài ra, để chữa trị một số chứng bệnh đường mật, Đông y còn dùng thuốc thanh nhiệt táo thấp, thuốc hành khí giải uất, thuốc sơ can lý khí và thuốc lợi thấp đem lại hiệu quả tốt trong điều trị.
Nguồn: vnexpress.net 28/11/2005.